1. Dì Phẩm ở xóm Đình cả đời sống bằng nghề đan võng. Dì không đan bằng sợi đay hay vải mà bằng lớp vỏ mấu lấy từ trên rừng cao, núi sâu đèo hun hút gió. Mấy chú đi núi mang về chất đống vỏ mấu trước sân, dì đem ngâm dưới bến sông cho mềm, vớt lên để ráo, rồi đem ra nắng phơi. Dì lấy chân đạp cho mềm rồi theo thớ tách thành từng sợi mấu to tròn săn chắc, kéo căng không đứt đoạn, có màu đỏ bầm như trái chùm quân, như màu phù sa mỗi năm từ thượng nguồn mang về bồi đắp bờ bãi ven sông...
1. Dì Phẩm ở xóm Đình cả đời sống bằng nghề đan võng. Dì không đan bằng sợi đay hay vải mà bằng lớp vỏ mấu lấy từ trên rừng cao, núi sâu đèo hun hút gió. Mấy chú đi núi mang về chất đống vỏ mấu trước sân, dì đem ngâm dưới bến sông cho mềm, vớt lên để ráo, rồi đem ra nắng phơi. Dì lấy chân đạp cho mềm rồi theo thớ tách thành từng sợi mấu to tròn săn chắc, kéo căng không đứt đoạn, có màu đỏ bầm như trái chùm quân, như màu phù sa mỗi năm từ thượng nguồn mang về bồi đắp bờ bãi ven sông...
Tờ mờ sáng, dì ngồi trước sân, tay thoăn thoắt trước đống mấu dài, khéo léo đan vào nhau, sợi này chồng lên sợi kia, tầng tầng lớp lớp ra thành từng mắt võng. Cứ 4 mắt võng hợp thành một hình vuông vức. Rồi dì chọn những sợi dây săn chắc bện thành quại võng cứng cáp. Đầu hai quại võng, dì bện thành một lỗ nhỏ, để khi nằm người ta mắc vào cây cột cái, hay treo lên những thanh kèo, đòn ngang, đòn dọc trên mái ngói.
Hai đứa con sinh đôi quanh quẩn bên mẹ ríu rít nói cười. Đôi lúc tụi nó nghịch chạy đạp mấy cọng mấu văng tùm lum. Miệng dì la đừng có phá mà đôi tay vẫn cứ thoăn thoắt theo từng mắt võng.
Dì đan cả tuần mới được một cái võng đẹp, cả tháng được vài cái, vậy mà đem bán cũng chẳng bao nhiêu tiền, bỏ công làm lời thôi. Bây coi đó, dì đan võng cả đời, không giàu lên nổi. Chiếc võng, như một thành quả nghệ thuật của dì, mang trong nó niềm hy vọng, sự chờ đợi, lòng yêu nghề tha thiết như muốn níu kéo lại chút vàng son thuở nào xa vời vợi.
Võng đan bằng mấu nằm thoáng mát, không đổ mồ hôi dính vào lưng nóng bực. Khi nằm võng, tôi có thói quen lật nó lại, trùm lên lưng, hai đầu gối gác hai bên rồi bật ngửa ra cười khúc khích; đôi lúc lấy đà, đánh đu thật mạnh, đưa mình lên gần sát nóc nhà. Hú cả hồn.
2. Chiều chiều, má hay treo võng ngoài chái hè, đón gió nồm từ bến sông thổi vào mát rượi, cất giọng à ơi ru cháu vào giấc ngủ ấu thơ: Thùng thình áo lụa (ớ) mới may/Hôm qua (mà) mới mặc bữa nay (rồi ớ) mất rồi/Tại mẹ (mà) may áo (ớ) rộng tay/Con quên (mà) gài nút (ô tì) gió bay (cầu ớ) xuống cầu/À ơi a à à ơi...
Câu à ơi má hát vẽ lên nền khoảng trời biêng biếc nắng bao cánh đồng ngăn ngắt một màu xanh, những khúc uốn quanh của con sông Dinh êm đềm trôi chảy mãi, chảy qua đời ông bà, đời ba má, đi qua tuổi thơ êm đềm nhưng buồn rười rượi của riêng tôi. Lời má hát nghe thơm nồng mùi lúa trổ đòng đòng, bánh tráng mè ai nướng, mùi chân rạ gốc rơm cháy xém xa tít tắp ngoài kia, nước dừa béo ngậy trong miếng bánh bò, mùi mắm ruốc giã thêm tí ớt tỏi ăn sống với me non, nghe đàn chim dáo dác gọi bầy lúc mỏi cánh bay về rừng sâu tìm chốn ngủ, như tiếng trống thúc quân của bao người thuở nào ra trận mạc, như tiếng chày nện chắc tay vào từng cối giã nem chua…
3. Thời hiện đại, nhà được đúc bằng bê tông cốt thép, đâu còn rường, cột, rui mè, xà dọc, xà ngang trên mái ngói để móc hai đầu võng rồi nằm ru con ngủ nữa. Người ta mua võng xếp Duy Lợi, để gọn gàng sát đất. Trẻ con nghịch ngợm cũng chẳng sợ ngã lăn cù xuống đất hay tung tẩy lên tận nóc nhà trong tiếng cười khúc khích. Dì Phẩm đổ nợ, bỏ làng đi biệt tích chẳng về. Nghe đâu cả nhà dì dắt díu sống trên cao nguyên bạt ngàn đất đỏ, cực thân kiếm sống để thoát khỏi cảnh nghèo. 2 con gái của dì chắc giờ con cái đùm đề tay bồng tay bế. Nghề đan võng bằng mấu của làng Vĩnh Phú cũng mai một luôn từ đó. Chẳng ai thèm làm bởi công sức bỏ ra quá nhiều mà lời lãi chẳng là bao.
Chiếc võng năm xưa má mua của dì làm giờ nằm im trong góc. Không còn đỏ mà xin xỉn, bạc thếch, mối mọt gặm đầy loang lổ. Đưa tay rờ, hình như còn chút hơi ấm năm nào, ngai ngái mùi mồ hôi vẫn còn trên từng sợi mấu.
Chiều nay tự nhiên thèm nằm võng rồi nghe ai đó cất giọng hát ru ngòn ngọt.
Má mất rồi, có thèm nghe cũng chẳng ai hát để mà nghe.
Nguyễn Hữu Tài