Biển giờ đó đã vắng, nhóm tắm biển cùng tôi mỗi sáng chỉ còn tôi nấn ná tiếc biển ấm, sóng êm. Đến khi nhìn lại quanh mình chỉ còn vài người thì tôi biết đã muộn.
1. Biển giờ đó đã vắng, nhóm tắm biển cùng tôi mỗi sáng chỉ còn tôi nấn ná tiếc biển ấm, sóng êm. Đến khi nhìn lại quanh mình chỉ còn vài người thì tôi biết đã muộn.
Là muộn cho một buổi sáng trên đường về tôi còn ghé chợ Xóm Mới mua thức ăn trong ngày, có khi cao hứng tôi đi đường Võ Nguyên Giáp, vòng qua chợ Vĩnh Thái mua thêm bịch chè đậu ván, cà tím nướng sẵn rồi mới về nhà ở cây số 5. Tôi thích cảm giác nước biển ngấm vào người, như được ướp với mùi, vị quê hương, càng lâu càng thấm.
Tôi đã định lên lấy xe ra về thì thấy chị với một điệu nhảy khiến bước chân tôi bị hút nhanh về phía đó.
Tôi hỏi và chị kể, trước chị bán dừa ở bên trên, chỗ cho thuê phao tắm bên dưới này là của con. Sáng sớm chị xuống trông giúp con và trong lúc chờ khách, chị làm vài động tác thể dục, mà thực ra là điệu nhảy chachacha.
Tôi quan sát bước nhảy khá “nhuyễn”, đôi chân chắc, khỏe của chị, gương mặt hồn nhiên, nhẹ nhàng, thư thái. Đó là nét đẹp mạnh mẽ hiếm thấy ở một phụ nữ phải mưu sinh mỗi ngày dưới nắng biển, và tôi vỡ lẽ khi nghe chị kể học nhảy từ năm 16 tuổi!
Thời điểm đó biển dần vắng khách du lịch vì dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Trước đó một tuần, Nha Trang đông chật người xe. Buổi tối tôi chạy xe trên đường Trần Phú về hướng Cầu Đá rất khó quay lại khiến tôi phải chạy một lèo, vòng qua núi xuống Cửa Bé rồi ra Lê Hồng Phong về nhà.
2. Chuyện hôm sau thú vị hơn. Lúc tôi tập lắc hông giống chị trong điệu bebop thì có một khách du lịch đến thuê áo phao cho mẹ. Cô nhìn chúng tôi và ngỏ ý muốn nhảy với chị. Thú thật, lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến những “bước nhảy hoàn vũ” trên cát độc đáo như vậy.
Chị đi bước nam, dìu cô khách, bước chân họ xoay từ trên xuống mép nước, đẹp khỏe khắn, sinh động, rất nhịp nhàng, ăn ý. Tôi lấy điện thoại và quay lại những hình ảnh này. Thật tuyệt vời, khi tôi ghép các điệu nhảy chachacha, bebop, bachata và lambada thành một clip hoàn chỉnh trên nền nhạc là tiếng sóng biển và trên sàn “cát walk” có một không hai và post lên facebook, nhiều bạn bình luận không có nhạc mà bước chân họ nhuần nhuyễn như đã từng tập với nhau.
3. Hôm khác, sau khi tôi xong bài tập với một điệu nhảy mới, chị cho thuê phao chỉ tay về hướng dãy ghế dài xếp ngay ngắn, bắt đầu một ngày mưu sinh: “Anh chồng đang massage cho vợ kìa”. Hình ảnh đôi vợ chồng thật dễ thương. Anh chồng với nụ cười hồn nhiên, chân chất vừa massage cho vợ đang nằm sấp trên cát vừa nói chuyện. “Mới làm được hai tháng thì dịch trở lại. Vắng khách quá nhưng tụi em cũng ráng gồng, miễn vui vẻ, mạnh khỏe là tốt”, người chồng thổ lộ. Tôi xin chụp tấm hình, hai vợ chồng cùng cười thật tươi.
Nhìn những nụ cười mưu sinh trên biển mùa vắng khách du lịch, tôi bỗng nhận ra cuộc đời đẹp, nhẹ nhàng, hay nặng nề, u uẩn đều do mình cả. Quẳng hết mọi lo toan, tận hưởng hiện tại trong phạm vi và điều kiện mình có mới là điều tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được.
Chính ta quyết định cách ta nghĩ và nhìn cuộc đời để thấy cuộc đời quá đẹp theo cách mình suy nghĩ, nhìn nhận.
Tôi bỗng nhớ câu nói cuối cùng của nhân vật ông Trùm trong tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo trước khi ông nhắm mắt xuôi tay: “Cuộc đời đẹp quá!”
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN