Trước tiên, ngàn lần xin lỗi cụ Hàn thi sĩ vì dám mạo muội mượn một câu thơ của cụ đã được lưu trong lịch sử thi ca nước nhà để nói chuyện… chả dính gì đến thơ ca.
Trước tiên, ngàn lần xin lỗi cụ Hàn thi sĩ vì dám mạo muội mượn một câu thơ của cụ đã được lưu trong lịch sử thi ca nước nhà để nói chuyện… chả dính gì đến thơ ca. Ấy là tại kẻ hậu bối trong một buổi sáng đẹp trời, đi tới đâu cũng thấy san sát những gương mặt che kín khẩu trang, chỉ hở ra cặp mắt. Người quen, người lạ giờ ra đường chịu chết không thể nào nhận ra nhau, cứ như là một xã hội ẩn danh. Chính phủ mới quy định mức phạt mới, lên tới 3 triệu đồng nếu đến nơi công cộng không mang khẩu trang mặc dù đã nhắc nhở để phòng dịch bệnh.
Năm 2020 là một năm kỳ lạ, đảo lộn đến gốc rễ cuộc sống bình thường. Những diễn biến kỳ lạ của năm này có lẽ chỉ có thể có vào những năm xảy ra đại chiến thế giới, hoặc giả như những gì mà Kinh thánh mô tả về ngày tận thế.
Bắt đầu từ những ca bệnh lạ ở TP. Vũ Hán bên Trung Quốc lạnh giá cuối năm 2019, rồi loang đến Việt Nam trong những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bệnh dịch Covid-19 đã làm tê liệt cả thế giới nhộn nhịp, đảo lộn mọi sinh hoạt cho dù đó là quốc gia hay một cá nhân nào đó cá tính nhất. Những con số thống kê về ca nhiễm, số ca tử vong trên thế giới cứ lạnh lùng tăng theo từng ngày, từng giờ, đầu tiên là đơn vị tính bằng triệu, sau là chục triệu. Những từ chỉ nghĩ thời loạn lạc mới có bỗng trở thành trạng thái thường xuyên: Cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa khu phố, phong tỏa toàn quốc…
Có ai dám tưởng tượng cái thế giới bao nhiêu tỷ người hối hả ngày đêm, lại có thể có một ngày bất lực chấp nhận “ai ở đâu yên đó”, “ở yên một chỗ là yêu nước”… Con vi rút ngỡ vô hình kia có một quyền năng khủng khiếp, bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu hãng hàng không lâu đời đã phải tuyên bố phá sản, bao nhiêu người phải xếp hàng nhận trợ cấp thất nghiệp.
Những năm trước, khẩu trang là thứ các bà các cô hay dùng để che cho mặt khỏi bị sạm nắng. Thời gian sau thì ở những thành phố lớn ô nhiễm, bụi bặm quá nên người ta chạy xe máy ra đường cũng hay dùng. Còn đến năm 2020 này, khẩu trang là vật bất ly thân. Phương Tây vốn tuyệt đối tôn trọng sự tự do cá nhân, mới đầu còn kỳ thị cái khẩu trang, có nơi còn biểu tình phản đối, nhưng sau này thì ngấm đòn con vi rút vô hình, đã ngoan ngoãn chấp nhận cái khẩu trang che mặt. Vậy mới có chuyện ông Tổng thống Braxin hôm trước xuống đường cùng dân chúng biểu tình đòi thủ hiến 1 bang phải chấm dứt giãn cách xã hội, chống đeo khẩu trang, hôm sau cấp tốc phải nhập viện vì Covid-19.
Nhiều khi cứ nghĩ lẩn thẩn, không có lẽ từ giờ trở đi, bắt đầu một thời kỳ “bình thường mới” mà khẩu trang là biểu tượng. Cuộc sống của thế giới phải điều chỉnh và ẩn sau theo miếng vải mong manh kia(?)
Mấy chục năm trước, khi câu thơ của cụ Hàn thi sĩ buông ra, đã có biết bao bình luận, lý giải hình ảnh “lá trúc che ngang mặt chữ điền” thực sự là gì. Câu thơ nghe tưởng chừng tả chân mà thực ra vô cùng đa nghĩa… đến bây giờ vẫn lửng lơ cho mỗi người một cảm nhận.
Chỉ có cái khẩu trang kia, che kín mặt tất cả ai đeo. Dẫu là mặt trái xoan hay chữ điền cũng chỉ hở mỗi cặp mắt để nhìn đường. Khẩu trang ấy thì duy nhất chỉ có một chỉ báo, đó là nỗi ám ảnh, là sự tự vệ rất bị động của nhân loại về bệnh dịch.
Thủy Ngân