1. Tôi gặp chị - ca sĩ Kim Khánh ngoài đời lần đầu tiên tại nhà một người bạn, cũng là "dân" văn học nghệ thuật. Tôi hoàn toàn không biết hôm ấy có chị. Anh bạn nhắn hỏi tôi còn ở Nha Trang không, ghé nhà anh chơi, có chút "văn nghệ bỏ túi" với anh em bằng hữu.
1. Tôi gặp chị - ca sĩ Kim Khánh ngoài đời lần đầu tiên tại nhà một người bạn, cũng là “dân” văn học nghệ thuật. Tôi hoàn toàn không biết hôm ấy có chị. Anh bạn nhắn hỏi tôi còn ở Nha Trang không, ghé nhà anh chơi, có chút “văn nghệ bỏ túi” với anh em bằng hữu.
Thú thật vừa gặp chị, trong tôi trào lên cảm giác cồn cào thèm nghe chị hát. Hôm đó, chị trong trang phục áo bà ba cách điệu, quần đen, tóc búi kẹp, dáng gầy nhỏ, nụ cười hiền và giọng nói ấm. Chị trang điểm nhẹ nên ban đầu tôi không nhận ra bởi toàn thấy chị dưới ánh đèn màu các sân khấu phòng trà ở Nha Trang như: Hòn Kiến, Phú Sĩ, Lê Bảo... ngày trước.
Hôm ấy chị hát, chúng tôi hát, cuộc hội ngộ những người bạn cũ của gia chủ thời Trung học Võ Tánh, Nữ trung học Huyền Trân, Thánh Tâm... Những bài hát một thời tuổi mới lớn, tuổi biết buồn, tuổi của một thời để yêu và để... khóc!
Có lẽ chỉ là một cuộc gặp mặt bạn bè đàn hát bình thường, không nhiều người biết nếu hôm ấy tôi không post vài clip trực tiếp lên facebook cá nhân. Và, thật ngạc nhiên khi mọi thứ đều giản dị, đơn sơ, mộc mạc từ cô ca sĩ “thôn quê” áo bà ba, tiếng đàn ghita mộc, trên “phông nền sân khấu” là bụi tre nhà anh bạn, thỉnh thoảng còn đệm thêm tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, cây lá cựa mình... vậy mà có clip đến hơn 5.000 lượt thích, hơn 1.700 lượt chia sẻ, các clip khác cũng cả ngàn lượt thích. Thật không ai ngờ!
Mới hiểu ra đôi khi chính những điều đơn giản nhất, mộc mạc, hiền hòa, không màu mè trình diễn lại chinh phục được số đông.
Nhiều đêm nhớ Nha Trang, tôi mở những clip cũ, nghe lại giọng hát dù đã lớn tuổi vẫn sang, ấm, âm vực rộng, kỹ thuật luyến - ngắt, rung láy... rất chuẩn, sắc thái tinh tế, lực hát như một ngọn sóng nhấp nhô, lúc mạnh mẽ vỗ bờ, lúc mềm mại, như ngọn gió thổi qua mạnh rồi nhẹ trong từng từ... của Kim Khánh và nôn nao nghĩ đến cuộc hội ngộ lần nữa ở Nha Trang.
2. Cuộc sống như bánh xe lăn về phía trước cuốn con người trong bận rộn và lỡ nhịp những lời hẹn hò. Nha Trang - Sài Gòn chỉ một đêm trên xe hay một giờ bay mà mãi đến 3 tháng sau tôi mới có cuộc hội ngộ cũng ở nơi cũ và những người cũ.
Lần này có thêm ca sĩ Thái Hòa, em gái Kim Khánh, chỉ cần nghe nhắc đến tên là những người xa quê lại cồn cào nỗi nhớ biển, những đêm nghe chị hát trong các quán cà phê quen thuộc như một “thương hiệu” riêng của Nha Trang.
Hôm đó, Kim Khánh và Thái Hòa song ca bài “Tiếng sáo Thiên Thai” của Phạm Duy thật tuyệt. Hai giọng ca hòa quyện vào nhau, trầm bổng, lướt cao làm nên những sắc thái đẹp về hòa âm, giai điệu, tiết tấu trong không gian vườn, thỉnh thoảng còn “đệm” thêm tiếng gà gáy, chó sủa đặc biệt tại một địa chỉ quen của những người Nha Trang và yêu Nha Trang.
Trong câu chuyện với hai ca sĩ không nhiều lời tâm sự nhưng tôi hiểu, bây giờ các chị chỉ còn sân khấu Hòn Kiến duy trì vào các tối thứ Năm, Sáu, Bảy và Chủ Nhật, thỉnh thoảng ghi âm bài hát cho ai đó cần. Những phòng thu ở Nha Trang không nhiều nhưng chất lượng - là tôi nghe được từ một người bạn là nhạc sĩ thường nhờ các ca sĩ và phòng thu ở Nha Trang thể hiện ca khúc.
Lại chợt ngậm ngùi, một năm dịch Covid-19 mang đến khó khăn cho ngành giải trí nói riêng. TP. Nha Trang được nhiều người biết đến bởi dòng nhạc xưa ở các phòng trà với tiếng hát: Kim Khánh, Thái Hòa, Lê Bảo, Trọng Khải, Thế Quang... nhiều người yêu mến, giờ đây còn lại hiếm hoi một sân chơi, như một cố gắng níu kéo vì những người Nha Trang và yêu Nha Trang.
Bao giờ trở lại ngày xưa?
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN