Ngày xưa, nhà cha mẹ tôi có hai căn gác gỗ nho nhỏ, một cái ngay phía sau mái nhà chính, một cái nằm trên căn bếp bên hông nhà. Căn gác cũ cất trước khi bầy con lên sáu đứa, bề 2m, bề 3m, nằm đè một nửa lên mái ngói. Gác mới cất sau, rộng hơn chút, khi đó đã tăng lên 9 đứa con.
Ngày xưa, nhà cha mẹ tôi có hai căn gác gỗ nho nhỏ, một cái ngay phía sau mái nhà chính, một cái nằm trên căn bếp bên hông nhà. Căn gác cũ cất trước khi bầy con lên sáu đứa, bề 2m, bề 3m, nằm đè một nửa lên mái ngói. Gác mới cất sau, rộng hơn chút, khi đó đã tăng lên 9 đứa con. Những cái gác được cất hồi đó chỉ sau vài cái chậc lưỡi của người lớn khi thấy trẻ con nằm sắp lớp không có chỗ cựa hàng đêm. Nhanh và vô cùng đơn giản, nhưng cái chính là do giá thành rẻ.
Tôi còn nhớ rất rõ, từ khi thợ thầy chở vật liệu tới khởi công cho đến khi hoàn thành chỉ trong vòng hơn tuần lễ. Trừ sườn gỗ và mái tôn, còn lại toàn bộ là ván ép ốp chung quanh, kể cả sàn, cầu thang, cửa... Cha kể, nặng nhất là kiếm tiền mua mấy cây cột chính bằng gỗ dầu sao cho chắc để làm trụ, còn lại thì xoay sở chạy vạy đắp bồi thêm. Ván ép thời đó là hàng quân dụng của Mỹ với kích thước to bản, tiện dụng cho các công việc đóng kiện hàng hóa hoặc dựng nhà, làm trại tạm cư chớ không phải vật liệu xây dựng bền chắc nên khá rẻ và dễ tìm. Hồi đó, nhà hàng xóm sát rào còn xài vách bằng thùng carton và các loại vải dù, bạt, cứ tháo banh ra bạ lên che nắng che mưa, hễ mòn rách thì thay miếng khác.
Căn gác thành hình rồi thì cha tôi tự tay sơn phết, cái màu xanh dương, cái màu xanh lá tươi roi rói. Nhà nằm lọt thỏm giữa khu dân cư lao động thấp lè tè nên hai căn gác áp mái bỗng dưng trở thành lầu vọng nguyệt. Những khung cửa sổ thiệt to mở ra bốn hướng, gió luồn phần phật. Lần đầu được quan sát cuộc sống chung quanh ở một độ cao, hẳn những con bé ngày ấy vui sướng biết chừng nào. Sau lưng nhà là một con hẻm nhỏ, trên gác nhìn xuống thấy rõ thiên hạ đi qua đi lại. Bên trái nhìn thẳng qua căn gác gỗ nhà bà hàng xóm, toàn tụ họp đánh bài và nhậu nhẹt. Cái mái ngói nhà bên dưới và một cây ổi bự chắn ngay tầm mắt phía trước, nhưng chẳng hề gì vì bọn con nít có thể leo ra leo vô được, lom khom bò như những con mèo khổng lồ khiến cha tôi cứ phải lợp mái lại miết.
Nhớ một đêm khuya khoắt, cha lên đập lũ con dậy, cùng bu quanh khung cửa sổ nhìn về hướng Đông tìm kiếm sự xuất hiện của sao chổi theo dự báo trước đó. Tôi không sao quên được cái cảm giác run rẩy huyền diệu khi lần đầu tiên được tận mắt chiêm ngưỡng ngôi sao chổi sáng rực này giữa trời đêm, với chùm tia quét dài. Như một giấc mơ.
Ngày ấy, đi đâu cũng gặp những căn gác gỗ, hoặc mặt tiền hoặc thấp thoáng bên hông sau hè, chênh vênh ở các khu chợ tạm, ngả đường nào cũng có. Thời tao loạn, những căn gác dã chiến mọc lên thiết thực và tiện dụng, xây dựng tháo lắp gì cũng nhanh. Cái sơn hồng sơn tím phủ dây leo hoa lá thiệt đẹp như trong cổ tích, bên khung cửa sau những bức rèm thưa ắt hẳn có bóng giai nhân. Cái thì toàn ván ép tới thời kỳ mục rữa thâm sì, phải giật gấu vá vai thêm bằng những tấm ni lông, mái tôn xập xệ, mỗi lần có gió là gõ nhịp đồng ca. Cái thì như hộp quẹt khoét mấy ô vuông vuông làm cửa sổ giống như gác nhà tôi.
Gác cũ gác mới, gác đẹp gác xấu gì ngày nay cũng không còn, lặng lẽ tàn lụi hồi nào không ai hay biết. Đi một vòng quanh thành phố không tìm ra cái gác vắng nào nữa cả. Bởi thị xã êm đềm ngày xưa cũng đã biến mất, như một thiếu nữ khuê môn sau phút đăng quang bỗng chốc đổi đời.
Những căn gác cũ đã sống trọn cuộc đời của mình, chút tàn tro theo gió bay đi.
Ái Duy