09:10, 30/10/2020

Em hiểu rồi!

Dịch Covid-19 bùng phát, chồng bàn với tôi hạ 50% giá thuê trọ cho sinh viên. Tôi lắc đầu: "Giá thuê nhà của mình đã thấp hơn so với nơi khác, giờ hạ thêm thì bao giờ mới trả xong nợ?". Chồng im lặng, ngồi trầm ngâm.

Dịch Covid-19 bùng phát, chồng bàn với tôi hạ 50% giá thuê trọ cho sinh viên. Tôi lắc đầu: “Giá thuê nhà của mình đã thấp hơn so với nơi khác, giờ hạ thêm thì bao giờ mới trả xong nợ?”. Chồng im lặng, ngồi trầm ngâm.


Khu nhà trọ được xây từ tiền dành dụm suốt thời gian đi làm của 2 vợ chồng. Do chi phí phát sinh nên chúng tôi phải vay bạn bè và người thân, cùng với tiền vay ngân hàng sau khi đã dùng sổ đỏ thế chấp căn nhà đang ở.


Nhà xây xong, chúng tôi rất hài lòng: thoáng đãng, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi... Tôi bàn với chồng, lấy giá cao một chút để nhanh thu hồi vốn trả nợ. Tôi còn dặn chồng nhớ thu tiền đặt cọc. Chồng ậm ừ nói tôi hãy chú tâm lo việc nhà, chăm sóc con cái, việc quản lý nhà trọ để anh lo. Vì ngày xưa, khi còn là sinh viên, anh đã thuê trọ nên tất nhiên là rành hơn vợ.


Chẳng mấy chốc, khu phòng trọ đã được sinh viên thuê hết. Tôi nhẩm tính sơ sơ, mỗi tháng, chúng tôi sẽ có hơn hai chục triệu đồng. Hy vọng có thể mau chóng lấy lại vốn. Thỉnh thoảng đảo qua, tôi khá hài lòng khi thấy khách thuê đều từ các vùng nông thôn và ven biển nên có vẻ hiền lành, chất phác. Các em ở có ý thức nên giữ gìn nhà cửa sạch sẽ.


Cuối tháng, tôi hỏi chồng tiền trọ. Anh đưa tôi một xấp toàn tiền lẻ, có những tờ nhăn nhúm. Tôi đếm đi đếm lại chỉ có 10 triệu đồng. “Sao chỉ có chừng này? Anh tiêu cái gì rồi phải không?” - tôi gặng hỏi. Chồng lúng túng: “Thì... mỗi phòng 1 triệu đồng...”. Tôi cắt ngang: “Đã nói rồi, mỗi tháng 2 triệu đồng một phòng, không có tiền thì đi chỗ khác”.


Anh buồn buồn nhìn tôi: “Em à, tụi nó ở quê, nhà đều rất nghèo...!”. Tôi cáu kỉnh: “Cứ như vậy bao giờ mới lấy lại vốn, mới trả xong nợ?”. Anh im lặng một lúc lâu rồi mới từ tốn: “Ngày xưa, lúc mới vào đại học, anh nghèo đến nỗi không có tiền thuê phòng trọ. Hôm thì ngủ ké với đứa bạn này, hôm lại ở nhờ đứa khác và rất nhiều đêm ngủ ở ghế đá công viên. Một buổi tối muộn, dì Năm làm nghề thu mua ve chai đi ngang qua, thương tình rủ anh về cùng. Nhà dì là một phòng trọ chút xíu, dì ở cùng vợ chồng con trai làm thợ hồ và cô con gái nhỏ. May là nhà ở đầu hồi nên họ cơi nới thêm cái chái bên hông chứa phế liệu. Thế là anh có chỗ ở cố định là cái chái đó. Anh cố gắng sắp xếp thật gọn đống phế liệu để có một chỗ nằm trên đống giấy carton dì mua về, chờ đem đến nơi thu mua. Sau khi tìm được việc làm thêm, anh gởi chút tiền nhưng dì Năm dứt khoát từ chối. Thế là anh đề nghị dạy kèm cho cháu gái của dì nên cũng bớt áy náy. Sau này, kiếm được tiền, anh thuê phòng trọ nhưng không khi nào quên được tấm lòng thơm thảo của dì Năm bằng cách thỉnh thoảng đến thăm, biếu dì ít tiền... Mấy đứa sinh viên bây giờ giống hệt anh ngày đó”...


Tôi thở dài, im lặng. Chưa bao giờ anh kể cho tôi nghe chuyện này. Anh nói tiếp: “Anh biết, em lo lắng chuyện nợ nần. Anh sẽ cố gắng tìm việc làm thêm!”.


Tôi không cằn nhằn chồng về giá thuê và tiền đặt cọc suốt thời gian qua. Vậy mà bây giờ, chồng lại muốn hạ thêm 50% tiền thuê? Tôi lắc đầu, cương quyết: “Không được”. Chồng không nói gì, lặng lẽ xách xe đi làm.


Một tuần sau, sợ chồng giảm giá thuê, tôi theo anh đến thu tiền trọ. Ngay phòng đầu tiên, thằng Khoa quê Ninh Thuận, gãi đầu lí nhí: Cô chú, làm ơn cho tụi con nợ... Dịch bệnh, mẹ con phải nghỉ bán vé số! Quán ăn nơi con làm thêm đóng cửa... Nhìn ánh mắt lảng tránh đầy tội nghiệp của nó, tôi gật đầu.


Không chỉ Khoa, các phòng còn lại cũng nài nỉ xin khất. Chồng chở tôi về nhà. Tuy im lặng suốt quãng đường nhưng ánh mắt anh nhìn tôi đầy vẻ trách móc. Suy nghĩ vài hôm, tôi nói với anh đồng ý giảm giá 50%. Thay vì vui mừng như tôi tưởng, anh chỉ im lặng.


Chủ nhật, khi trở lại khu trọ, thằng Bình, cùng phòng với Khoa, đón chúng tôi bằng vẻ mặt tuyệt vọng: “Cô chú ơi, cả tuần này, tụi con đứa nào cũng chỉ dám ăn mì gói cho qua bữa. Mà sợ mai mốt mì cũng không còn... Có lẽ... tụi con xin trả phòng”.


Nãy giờ chồng ngồi im, đến lúc này mới lên tiếng: Mấy đứa yên tâm mà ở, mấy tháng tới, cô chú sẽ không thu tiền trọ. Tôi quay sang nhìn chồng, định lên tiếng phản đối nhưng nhìn vẻ rạng rỡ của bọn trẻ, tôi im bặt.


Chưa dừng lại ở đó, chiều hôm sau, chồng chở đến khu trọ 5 thùng mì tôm, kèm theo 2 cái bình đun nước siêu tốc. Khi về, thấy vẻ mặt nhăn nhó của tôi, anh nói với giọng hết sức bình thản nhưng cũng rất cương quyết: “Anh biết em không tán thành nhưng em nghĩ coi, dù sao mình cũng còn sống được, ngoài kia bao nhiêu người thất nghiệp. Mà em thấy không, hàng loạt “Siêu thị 0 đồng” mở cửa với mục đích giúp đỡ những người nghèo khó. Hồi đi học, thỉnh thoảng anh phải sống nhờ vào những gói mì “tài trợ” của dì Năm mà đến giờ anh vẫn không thể nào quên...”.


Tôi quay sang ôm anh, nhỏ nhẹ: “Em hiểu rồi, chồng ơi!”.


. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy