Với lớp đã trung trung tuổi, mỗi khi đến mùa chuẩn bị cho con đến trường, trong đầu thường nhớ về áng văn trong trẻo Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…".
Với lớp đã trung trung tuổi, mỗi khi đến mùa chuẩn bị cho con đến trường, trong đầu thường nhớ về áng văn trong trẻo Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”.
Năm học mới, những gương mặt non tơ khuất sau chiếc khẩu trang với chiếc cặp nặng trịch sau lưng, ôm chặt bố mẹ trên chiếc xe máy len lách giữa dòng người. Nhìn cảnh ấy để cứ băn khoăn tự hỏi, rồi tụi trẻ lớn lên, khi nhớ về ngày đến trường chúng sẽ viết thế nào?
Bởi bây giờ, mỗi khi chuẩn bị mùa tựu trường, dư luận chỉ thấy sôi lên chuyện đóng góp đủ loại quỹ của phụ huynh, chuyện may đồng phục, chuyện thay sách giáo khoa, chuyện trang bị cho con em đang học tiểu học ba lô chống gù để mang đi cho hết bộ sách… Rồi nỗi khổ mùa dịch bệnh, khi trường không nhận bán trú nên bố mẹ căng sức mà đưa đón con. Tóm lại, toàn chuyện phải chạy theo, người lạc quan, lãng mạn mấy cũng không thể nghĩ tới một hình ảnh trong sáng, tươi mát về những ngày đi học.
Mạng xã hội đang sôi sục việc một danh sách các loại sách giáo khoa lớp 1 mà học sinh phải mua đầu năm học của một trường tiểu học trong TP. Hồ Chí Minh hết 800 ngàn đồng. Đủ loại sách bài tập, sách tham khảo, sách nâng cao kiến thức… Ngày xưa mình đi học, lớp 1 đeo cặp mỏng tang, đúng 2 cuốn sách giáo khoa là Tập đọc và Học toán. Mà sách này của bà chị họ học năm trước để lại cho chứ đâu có phải mua. Vở cũng chỉ có 4 cuốn là tập đọc, chính tả, toán và bài tập toán về nhà. Có đâu vở bài tập cũng in, điền vô một lần rồi vứt như bây giờ.
Vẫn biết trường học bây giờ đang dần không còn như quan niệm truyền thống từ ngày xưa, quan hệ thầy trò đã khác trước. Đâu đó đã có những manh nha hơi hướng coi nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh. Học sinh là người đóng tiền để sử dụng dịch vụ… sòng phẳng vậy đó! Vậy nên thầy mà lỡ đét đít mấy cậu học trò nghịch ngợm, dễ bị mất việc. Vậy nên người có tiền cho con học trường quốc tế, trường chất lượng cao. Học phí khác, đương nhiên chất lượng dạy học sẽ có khác.
Vẫn biết kiến thức của nhân loại, cho dù là những điều phổ thông nhất thì luôn tăng theo cấp số nhân theo thời gian. Nhưng thử hỏi có trường lớp nào nhồi nhét cho học trò được tất cả kiến thức phổ thông? Học cái gì và bao nhiêu cho đủ? Nếu theo quan niệm vậy, chắc học trò hàng ngày đi học phải dùng… xe kéo chở sách đi theo mất.
Nhớ lại những ngày xưa, thời của nhà thơ Giang Nam “Ngày hai buổi đến trường, tôi yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…”. Nhà trường đúng nghĩa là nơi khai phóng tâm hồn, trang bị cho học trò cách thức, phương pháp tiếp cận kiến thức cơ bản. Để rồi từ đấy là quá trình tự học, tự trang bị kiến thức suốt đời.
Bao giờ lũ trẻ đến trường với những tình cảm tinh khôi, trong trẻo như thời xưa?
Thủy Ngân