09:07, 17/07/2020

Một mảnh hồn quê

Đã từng sống ở làng quê, mấy ai lớn lên lại không biết đến cái bếp của nhà mình. Hoặc nhỏ, hoặc to, dù cao hay thấp, có khi do hoàn cảnh, được đặt ngay dưới nền đất ở góc nhà để nấu nướng, nhưng nói đến cái bếp là nói đến một mảnh hồn quê đầy ắp kỷ niệm gắn liền với ngôi nhà yêu dấu mà mỗi lần đi xa không ai lại không nhớ tới.

Đã từng sống ở làng quê, mấy ai lớn lên lại không biết đến cái bếp của nhà mình. Hoặc nhỏ, hoặc to, dù cao hay thấp, có khi do hoàn cảnh, được đặt ngay dưới nền đất ở góc nhà để nấu nướng, nhưng nói đến cái bếp là nói đến một mảnh hồn quê đầy ắp kỷ niệm gắn liền với ngôi nhà yêu dấu mà mỗi lần đi xa không ai lại không nhớ tới.

 

Ngày xưa, ở nhà tôi, bếp là một cái chồ được đóng bằng những khúc gỗ lớn, có chiều cao ngang bụng, trên mặt được lót một lớp đất sét rất dày để chịu nóng. Bếp được đặt ở gian phụ, sát ngôi nhà chính, ngoài bộ bàn ghế để ăn cơm hàng ngày, ở đó còn chứa đầy những thứ chỉ liên quan đến việc nấu nướng như nồi, niêu, rổ, rá, chai lọ chứa gia vị… cùng bao thứ khác, mỗi thứ một ít không thể kể hết tên.


Những bữa ăn đầy ấm cúng của gia đình bắt đầu từ đây! Nhiều hình ảnh, nhiều kỷ niệm với tôi cũng bắt đầu từ đây, để rồi lớn lên theo năm tháng chẳng hề phôi pha. Có những buổi chiều mùa đông rét lạnh, chúng tôi đứa chăn trâu, đứa làm cỏ lúa từ ngoài đồng về thì đã thấy mẹ đứng ngay cạnh bếp với nồi cơm thơm lừng vừa chín cùng trã cá mới kho vừa nhấc xuống, hơi còn nghi ngút. Có những buổi trưa, khi cha đi lên rẫy về, mang theo một ít bắp non vừa bẻ vội, thế là mấy anh em xúm lại, cời than để nướng. Những vụn than hồng nổ tí tách và những trái bắp dần chín, tỏa mùi hương dịu ngọt khắp cả gian nhà.

 
Ảnh: G.C

Ảnh: G.C

 

Quê tôi, ngày xưa cuộc sống rất khó khăn thiếu thốn, chính vì thế, xung quanh bếp, mẹ tôi thường treo những chùm tỏi, chùm hành cho khô rồi dùng dần. Cả những hạt giống để dành gieo vào mùa sau như bầu, bí, hoa vạn thọ, cha tôi cũng treo ở đó. Cái lọ nào đựng mắm, lọ nào đựng ớt, đựng tiêu... mẹ cũng đều xếp có nơi, có chỗ và luôn mua sắm sẵn, phòng khi mưa gió thất thường. Nhà nghèo nhưng mẹ biết lo toan, theo mùa màng, nắng mưa, theo từng buổi chợ, mẹ đã nấu cho cả nhà những bữa cơm ngon canh ngọt. Người dân quê làm ra đồng tiền rất khó, để đỡ tốn kém, từ gian bếp nhỏ, nhiều buổi trưa, mẹ đã ngồi căm cụi làm những món như tương hay dưa muối, tép muối. Rồi cả những món sang hơn như ốc đồng um chuối hay bánh đúc, bánh xèo… mẹ cũng tự tay làm lấy.


Gian nhà bếp theo tháng năm khói đã un đen cả mái tranh lẫn cây cột, thanh rui. Nhưng có mẹ nên với chúng tôi, bao giờ nơi đây cũng là biểu tượng của sự ấm áp, no đủ. Có những năm mất mùa, đói kém, thiếu trên hụt dưới, nhưng bên căn bếp nhỏ mẹ vẫn cố cười tươi, xoay xở để biến sắn khoai thành những món lạ cho chồng con đến bữa được no lòng…


Ở phố thị bây giờ, cũng giống nhiều nhà khác, nhà tôi đã dùng bếp gas, bếp từ và xung quanh được trang bị bao nhiêu phương tiện, dụng cụ hiện đại và sang trọng. Nhưng đôi lúc, vào bếp, lòng tôi lại chạnh nhớ về gian bếp nhỏ ngày xưa. Nhớ nhiều thứ lắm! Dù mẹ già và qua đời lâu rồi nhưng tôi cứ tưởng như mẹ đang còn đâu đây với khuôn mặt mẹ rạng rỡ khi đàn con ngồi quanh cái bàn đặt gần bếp với mâm cơm đã được dọn ra. Nhớ cả hình ảnh trã cá kho mẹ treo lủng lẳng trên chiếc gióng mây nhỏ để dành cho hôm sau nhưng sợ mèo ăn vụng. Nhớ cả chuyện mẹ vội vội vàng vàng mang củ khoai lang lùi vào bếp tro nóng khi thằng em út nắm áo mẹ, nhõng nhẽo: Mẹ ơi, con đói quá à!


Hoàng Anh