Mẹ tôi gần 90 tuổi, nhiều bệnh, ở với gia đình em gái tôi. Đã gần hai tháng nay tôi không dám đến thăm mẹ dù hai nơi cách nhau chỉ 30 phút đi xe máy. Tôi và anh trai chỉ hỏi thăm mẹ qua em gái. Đa phần câu trả lời của em là mẹ ổn.
Mẹ tôi gần 90 tuổi, nhiều bệnh, ở với gia đình em gái tôi. Đã gần hai tháng nay tôi không dám đến thăm mẹ dù hai nơi cách nhau chỉ 30 phút đi xe máy. Tôi và anh trai chỉ hỏi thăm mẹ qua em gái. Đa phần câu trả lời của em là mẹ ổn.
Hồi mới công bố dịch Covid-19, em tôi thường xuyên lấy thông tin trên các báo điện tử xuống và in ra cho mẹ đọc. Sau này, tin số người nhiễm và chết trên thế giới nhiều quá, em không dám cho mẹ biết nữa. Ngay cả tin “cách ly xã hội”, em cũng không nói cho mẹ vì mong muốn mẹ an tâm và vui vẻ. Tôi nghĩ, với mẹ, việc tôi và anh trai không đến thăm có lẽ bà chỉ biết là có dịch, còn tình hình diễn biến thế nào bà không rõ lắm.
Nhiều bạn bè tôi trên facebook thường có những câu trạng thái tương tự, rằng đã lâu rồi không dám đến thăm mẹ vì sợ nếu xui rủi mang lây nhiễm cho người cao tuổi. Có lẽ họ cũng có cùng tâm trạng như tôi: Không đến thăm mẹ thì áy náy, mà thăm mẹ thì nguy cơ cao.
Có một clip khá dễ thương nhưng sâu sắc, khiến người xem phải suy nghĩ được lan truyền trên mạng facebook từ trang của một người Tây Ban Nha, có gần ngàn lượt chia sẻ. Một ông cụ, đoán là ông ngoại ngồi ghế tài xế một chiếc ô tô mở cửa đang cài lại khẩu trang cho cô cháu gái khoảng 5 - 6 tuổi, đứng dưới đất. Cô bé mặc áo mưa loại nhựa trong, mỏng. Hai bàn tay cô mang đôi găng tay màu trắng. Người ông sau khi cài khẩu trang rồi kéo mũ áo mưa trùm kín đầu, mặc cho cháu xong mới đứng dậy, đưa cháu đến một chiếc ô tô khác đậu cách đó khoảng 2m. Ô tô này cũng đang mở cửa, có một người đàn ông trung niên ngồi ở ghế tài xế đón cháu, đoán là bố, trong trang phục cảnh sát. Chiếc xe có chữ police. Người bố ôm đứa con gái bằng cái ôm thân thương, trìu mến nói lên được nỗi nhớ nhung xa cách. Trong đại dịch Covid-19 này, có thể đoán câu chuyện như sau. Người bố làm nhiệm vụ đã lâu chưa về nhà. Bố nhớ con gái hay con gái nhớ bố, nhờ ông ngoại đưa bé đến gặp bố. Để tránh lây lan cho bé, ông ngoại và bố phải bàn biện pháp bảo vệ bé. Một bên là ông ngoại trang bị bảo hộ cho cháu, một bên chỉ là cái ôm thương yêu của người bố nhưng khiến người xem xúc động.
Hay hình ảnh một bác sĩ làm công việc chống dịch về thăm nhà trong giữa đợt công tác. Những đứa con định chạy ùa ra ôm bố thì có tiếng bố bảo dừng lại. Họ chỉ có thể gặp nhau bằng ánh mắt, từ khoảng cách an toàn hơn 2m. Rồi hình ảnh con cái đến thăm cha mẹ ở viện dưỡng lão chỉ nhìn nhau bày tỏ tình cảm hay lưu luyến qua bức tường kính.
Để thấy rằng, không ai ngờ được, một ngày thế giới lại có những câu chuyện lạ lùng như vậy. Con người không còn được phép thể hiện tình yêu thương qua những cái hôn, ôm nhau, bắt tay… Một vật cản vô hình ngăn chặn con người bày tỏ tình yêu thương bằng cử chỉ, tiếp xúc, thậm chí phải đứng cách xa nhau 2m là giới hạn an toàn tránh lây nhiễm.
Nhìn những tấm hình ghi lại cảnh vắng lặng đến lạnh người trên thế giới ở những nơi mà trước đây luôn đông đúc, không ai không buột lên câu hỏi: “Đến bao giờ trở lại như ngày xưa?”. Và hỏi thêm, trở lại như trước rồi, liệu những suy nghĩ của chúng ta có còn như xưa?
Tôi có một album hình mà tôi đã chụp hôm ấy trên bờ biển Nha Trang. Tôi vừa đuổi lũ bồ câu bay lên vừa bấm máy. Tôi đặt chế độ liên tục, bấm ào ào, không nghĩ mình sẽ thu được những gì. Lúc về đổ hình ra máy tính, thật thú vị khi ấy có một người đang đuổi lũ bồ câu cùng với tôi. Những tấm hình hồn nhiên, sống động, tự nhiên.
Để hiểu ra, từ những ngày “biến động” này, những điều bình thường, đôi khi vô nghĩa trước đây lại quý báu biết bao nhiêu.
Có một câu hỏi mà nhiều bạn lan truyền trên facebook: “Khi hết dịch bạn sẽ làm gì?”. Thường là những câu trả lời tếu, vui: sẽ đi ăn với người này, đi chơi với người kia, sẽ gặp người nọ… Còn tôi, đầu tiên tôi sẽ đến thăm mẹ vì đã quá lâu rồi để nói những lời cần nói với mẹ. Hay chỉ là cắt móng chân, chải tóc cho mẹ. Rồi sau đó tôi sẽ về biển. Tôi sẽ đuổi lũ bồ câu cho nó bay lên và thỏa thích bấm máy. Chắc chắn sẽ có một ai đó phụ với tôi xua lũ bồ câu.
Ước mơ đơn giản vậy thôi nhưng có một thứ vô hình ngăn cách khiến tôi thấy xa vời vợi!
KIM DUY