- Thôi! Hoãn đến mai vậy.
Vừa nói Tùng vừa khép cửa phòng làm việc, khoác áo và đi ra cổng. Cơn bão Katrina làm sạt mất mấy trăm mét đường nối giữa hai tỉnh nên kế hoạch đón đối tác ký hợp đồng đã không thực hiện được. Chiếc xe cũng bị hư nên chàng bảo lái xe đem đi bảo dưỡng, còn chàng đón xe buýt về. Bác tài cứ áy náy, còn chàng lại thấy thú vị khi ôn lại cảm giác như thời sinh viên vẫn thường mua vé xe buýt tháng để đi đi về về từ nhà đến trường. Chiếc xe trờ đến, chàng bước lên xe khi cơn mưa vẫn còn lất phất.
- Thôi! Hoãn đến mai vậy.
Vừa nói Tùng vừa khép cửa phòng làm việc, khoác áo và đi ra cổng. Cơn bão Katrina làm sạt mất mấy trăm mét đường nối giữa hai tỉnh nên kế hoạch đón đối tác ký hợp đồng đã không thực hiện được. Chiếc xe cũng bị hư nên chàng bảo lái xe đem đi bảo dưỡng, còn chàng đón xe buýt về. Bác tài cứ áy náy, còn chàng lại thấy thú vị khi ôn lại cảm giác như thời sinh viên vẫn thường mua vé xe buýt tháng để đi đi về về từ nhà đến trường. Chiếc xe trờ đến, chàng bước lên xe khi cơn mưa vẫn còn lất phất.
Xe dừng ở bến đầu tiên. Một nhóm khách lố nhố trèo lên xe. Người áo mưa, kẻ áo khoác che đầu, đôi cậu thanh niên đầu tóc ướt nhẹp. Họ rũ áo mưa, lo dọn chỗ. Rồi xe chạy và mọi người yên vị chỗ của mình. Nhìn những dòng nước mưa chảy nhòe bên cửa xe, chàng chợt thấy có cảm giác gì lạ lạ. Mọi khi đi xe riêng, thường chàng hay ngả đầu lơ mơ ngủ, giấc ngủ của những người bận rộn với công việc. Cơn bão hôm nay giúp chàng sống lại cảm giác của ngày là sinh viên, chắc cũng như mấy cậu trai trẻ này, để đầu trần chạy trong mưa cho kịp chuyến xe buýt. Lại một bến tiếp. Lên xe là mấy người phụ nữ tay xách nách mang, có cả hai đứa trẻ chừng ba, bốn tuổi. Chàng đứng dậy nhường ghế cho người phụ nữ cùng đứa con nhỏ. Người mẹ vừa khẽ nói “cảm ơn anh” vừa ngồi xuống ghế. Cô ý tứ quay người, nhưng chàng vẫn kịp thấy một bên vạt áo ướt hết, chắc hẳn cô đã nhường chiếc áo mưa tiện lợi để che cho đứa con. Ánh mắt cùng đôi hàng mi của cô khiến chàng chợt nghĩ đến Miên, cô kế toán của công ty với đôi mắt đen láy, cặp chân mày đen mượt, đôi môi đỏ mọng cùng một dáng đi yểu điệu. Cánh đàn ông - trong đó có chàng - vẫn thường nói những lời tán tụng nàng. Điểm đặc biệt ở Miên đó là nụ cười và giọng nói đều ngọt ngào. Sự ngọt ngào đủ để che đi những bực tức, bất bình hay chán ghét ai đó. Trước mặt họ, nàng vẫn mềm mỏng, dịu dàng và bộc lộ sự quan tâm thân thiết, nhất là khi người đó có ảnh hưởng đến con đường phát triển sự nghiệp của nàng. Chàng biết Miên đã gần chục năm nay. Công việc của một quản đốc và kế toán khiến họ thường đi cùng nhau. Và rồi những nắng mưa dọc đường, những bữa tiệc chiêu đãi của cơ sở đã khiến họ gần lại bên nhau. Giờ trong hình dung của chàng, nàng đang lơ đãng ngắm trời mưa qua khung cửa.
Bây giờ, nhìn người mẹ trẻ cùng những người khác trong chiếc xe ướt át này, thốt nhiên chàng thấy những vất vả, cực nhọc mà họ phải trải qua. Đến bến bên cổng Trường Cao đẳng Văn hóa có một đôi bạn trẻ - chắc là sinh viên lên xe. Nhìn chàng trai ân cần đỡ tay và đứng sát bên cạnh như muốn che chắn cho cô gái, chàng bất chợt khẽ mỉm cười. Hình như cũng có lần chàng cùng Miên đi ca nô trên sông Tiền và cô cũng dựa vào chàng y như thế. Nhớ lại vẻ mặt của Miên khi ấy, nhìn trời mưa, chàng tự nhiên nhớ lại câu hát đang thịnh hành lúc đó:
- Ôi mỹ nhân... mỹ nhân mưa ơi!
Bên cạnh chàng, mấy bà mấy cô vẫn râm ran bàn tán về một gia đình nào đó với quan niệm: “Chờ con vào đại học thì sẽ ly hôn”. Người thì bảo: “Làm thế là đúng, vợ chồng khi không còn tình thì nên nghĩ đến cái nghĩa mà đối xử với nhau, cho con cái có bố có mẹ”. Mấy cô trẻ hơn thì kiên quyết: “Sống không được thì bỏ nhau cho đỡ khổ. Đâu ai được sống hai lần đâu?”. Chàng đang hình dung ra gã kia, chắc hẳn là phải chán nản đến độ nào mới thổ lộ ra chuyện trong nhà cho thiên hạ bàn tán. Chàng không tin là người ta có thể giấu được con trẻ trong nhà sự nguội lạnh tình cảm với nửa kia của mình. Bé Na - con chàng, khi mới có sáu tuổi nhưng mỗi lần vợ chồng chàng giận nhau thì nó luôn ít cười nói hẳn. Có lần nó hỏi: “Ba mẹ giận nhau à?” và đáp lại câu hỏi: “Sao con nói vậy?” thì nó nói tỉnh khô: “Con thấy ba mẹ không nói chuyện với nhau, mà có nói cũng không nhìn mặt nhau, không cười cùng nhau. Con với bạn Tú giận nhau cũng hay vậy”.
Thế còn chàng và vợ chàng… Liệu còn yêu nhau không? Chàng thầm hỏi và lẩn thẩn tìm câu trả lời. Hơn chục năm ở cùng nhau, đã quá quen những thói quen của nhau. Mỗi ngày đi làm cùng nhau, tối về cùng nhau bên mâm cơm. Cơm xong, khi chàng ngồi bên bàn làm việc thì nàng cũng đang cầm điện thoại nói chuyện với nhóm bạn của nàng. Khoảng 10 giờ đêm là tắt đèn đi ngủ. Cứ như thế, lâu dần mọi sự si mê dường như bay đi đâu mất. Thế nhưng, không một phút nào cái ý nghĩ thay đổi có trong đầu chàng, kể cả lúc giận nhau. Đơn giản vì chàng biết vợ mình vẫn là người đảm đang chu đáo mọi việc, chỉ có đôi khi công việc nhiều, còn chàng hay lông bông cùng đám bạn nhậu thì nàng mới giận. Nghe các bà các cô bàn tán sôi nổi, chàng hơi giật mình: “Có khi nào vợ mình cũng đang bất bình với mình như người vợ trong câu chuyện kia không? Mình cũng nhiều khi không hỏi han, nói chuyện với cô ấy. Cũng có mấy lần bé Na và mẹ về đến nhà, con bé và cặp xách thì khô ráo, riêng cô ấy thì tóc tai ướt nhoẹt. Có lẽ hai mẹ con cũng như mẹ con người phụ nữ kia…”. Nghĩ đến đó, tự nhiên chàng thấy dâng lên trong lòng nỗi day dứt và thương cảm với vợ. Những làn mưa quất ràn rạt bên ngoài cửa kính, đôi tiếng xuýt xoa vì ướt lạnh, tiếng con nít ọ ẹ khóc, tiếng phụ nữ dịu dàng dỗ dành con… càng làm cho cảm giác ấy lớn lên trong lòng chàng.
Chuyến xe rồi cũng về đến bến gần nhà chàng. Chàng ghé mua quả bưởi da xanh, món mà thời mới cưới chàng hay mua cho vợ ăn vặt. Rồi chàng bước những bước chân rộn ràng háo hức. Chàng đã hình dung ra cảnh vợ sẽ bước ra mở cổng đón chàng.
- Em ơi!
Đáp lại lời chàng gọi là sự im lặng. Một con chim sẻ bay vù lên từ mảnh sân nhỏ đã lốm đốm rêu xanh. Buổi trưa hai đứa con đều ở lại trường bán trú nên nếu chàng không về thì vợ chàng sẽ ở nhà một mình. Hôm nay…
- Chú ơi! Cô đi thăm bà Tư rồi. Chìa khóa chỗ cũ, cô nhờ cháu nói vậy.
Chàng xoa đầu cô bé hàng xóm rồi mở cửa vào nhà. Cất túi tài liệu, chàng đi vo gạo rồi bật nồi cơm điện. Lâu lắm rồi chàng mới lại nấu cơm và chợt thấy việc này thú vị không kém việc viết tiểu thuyết ngôn tình.
- Từ giờ mình sẽ chăm “viết” như thế này! Chàng bất chợt tủm tỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy.
Chàng mở tủ lạnh, lấy bó rau ra lặt. Một thoáng sau, đĩa rau luộc xanh mướt và đĩa tôm rang đỏ au cùng đôi chén đã đặt sẵn sàng trên bàn ăn.
Chàng ngồi chờ với sự nôn nao pha chút hồi hộp, cứ như ngày xưa, khi mới bắt đầu cuộc sống vợ chồng son…
.Truyện ngắn của BÍCH THIÊM