Những năm gần đây, thế giới đã từng trải qua bao phen khốn đốn với đủ loại dịch bệnh, nào là Ebola, cúm Trung Đông Mers, đại dịch SARS, Zika, cúm gia cầm lây cho người… Nguy hiểm như bệnh SARS, nhân viên y tế điều trị chỉ sơ sẩy một chút là lây nhiễm chết người, nhưng cũng chưa từng thấy đáng sợ như lần đại dịch Covid-19 này.
Những năm gần đây, thế giới đã từng trải qua bao phen khốn đốn với đủ loại dịch bệnh, nào là Ebola, cúm Trung Đông Mers, đại dịch SARS, Zika, cúm gia cầm lây cho người… Nguy hiểm như bệnh SARS, nhân viên y tế điều trị chỉ sơ sẩy một chút là lây nhiễm chết người, nhưng cũng chưa từng thấy đáng sợ như lần đại dịch Covid-19 này. Chỉ mới bùng phát, WHO đã phải nâng mức cảnh báo lên thành đại dịch toàn cầu.
Bắt đầu từ những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu năm, vậy mà chỉ chưa đến 3 tháng sau, mọi ngõ ngách trên thế giới đều căng mình ra chống dịch. Châu Âu văn minh hay nước Mỹ hùng cường bỗng nhiên trở thành ổ dịch của thế giới… Có ai nghĩ nước Anh xa xôi kia lại là nguồn gây bệnh chính cho Việt Nam giai đoạn 2, kể từ chuyến bay VN 0054 ngày 2-3 từ Anh về. Để rồi từ đó trong danh sách hơn trăm người nhiễm bệnh trong tháng này, xuất xứ từ Anh và châu Âu trở về chiếm đa số.
Mọi người từng xem siêu phẩm điện ảnh Titanic hẳn khó quên hình ảnh khi con tàu dần chìm, hành khách hỗn loạn, trên boong tàu ban nhạc vẫn chỉnh tề chơi để động viên tinh thần hành khách. Người Anh vốn nổi tiếng bảo thủ và phớt tỉnh Ăng lê luôn là thế! Cho dù điều gì xảy ra thì họ vẫn cao ngạo đến phút giây cuối cùng. Cứ xem ban nhạc Stereophonics thản nhiên chơi trước hàng chục ngàn người ở Manchester ngày 14-3 và Cardiff tối 15-3 thì rõ, giới trẻ Anh hình như coi dịch bệnh là chuyện của ai đâu.
Nha Trang ngoài việc đón du học sinh và lao động từ nước ngoài trở về, vẫn còn một lượng kha khá du khách Nga, những người đi du lịch khi tình hình dịch bệnh chưa đến nỗi nghiêm trọng. Phú Quốc qua thông tin trên báo thì còn cả chục ngàn du khách. Họ vừa là những hy vọng “nhặt tiền lẻ” cuối cùng của một số cơ sở du lịch, vừa là nỗi lo lắng của rất nhiều người địa phương. Lo khi thấy họ tự tin đi ăn, đi chơi… chả ai biết đến khẩu trang là gì. Nỗi lo nhiều khi thể hiện thái quá đến nỗi Chính phủ và chính quyền địa phương phải có chỉ thị không được kỳ thị với người nước ngoài…
Thời thế thay đổi thật nhanh. Trước đây, thấy hàng xóm từ nước ngoài về, tất cả ngưỡng mộ, trầm trồ: Nhà ấy mới có người ở nước ngoài về! Nay thì thấy có người từ nước ngoài trở về, mọi người cảnh giác: Nhà ấy mới có người từ nước ngoài về đấy, cẩn thận nhé (!) hoặc nghi ngờ: Này, đã đi cách ly chưa? Đại dịch làm cho người ta bộc lộ hết bản chất thật của mình, từ suy nghĩ đến hành động trong đời và ngay cả thế giới ảo trên mạng.
Con vi rút nhỏ đến độ chỉ các nhà khoa học với thiết bị hiện đại mới nhìn thấy, nhưng nó hiện hữu ra ngoài bằng số người khắp nơi trên thế giới mắc bệnh cứ tăng theo từng giờ, bằng hình ảnh sân bay, nhà ga, nhà hàng, đường phố… vắng như chùa Bà Đanh, bằng bao nhiêu người bỗng nhiên mất việc làm. Tất cả đều cầu mong tình trạng này sớm chấm dứt, để cuộc sống trở lại nhịp bình thường.
Có một điều chắc chắn rằng, dù dịch bệnh có diễn biến thế nào, con người cũng vẫn phải vượt lên và sẽ chế ngự, vấn đề chỉ là thời gian. Trong thời gian đó, đòi hỏi mọi người bình tĩnh, trật tự để đương đầu với tai họa, như người Nhật năm xưa trước thảm họa sóng thần.
Hãy nghĩ về những điều tốt đẹp nhất. Hãy để cho đâu đây giai điệu du dương của dàn nhạc trên boong tàu Titanic vang lên, bình tĩnh, trật tự cho đến phút cuối cùng.
Thủy Ngân