10:08, 16/08/2019

Đợi em trước cổng trường

Tôi xách ba lô đến vùng kinh tế mới. Mọi người nghĩ tôi tình nguyện làm điều cao đẹp nhưng thực chất đó là một cuộc chạy trốn. Tôi muốn đi thật xa, đến nơi không ai biết mình để không phải đau khổ vì mối tình với chàng sinh viên yêu bốn năm chia tay trong một giờ.

Tôi xách ba lô đến vùng kinh tế mới. Mọi người nghĩ tôi tình nguyện làm điều cao đẹp nhưng thực chất đó là một cuộc chạy trốn. Tôi muốn đi thật xa, đến nơi không ai biết mình để không phải đau khổ vì mối tình với chàng sinh viên yêu bốn năm chia tay trong một giờ.


Lúc đến vùng núi heo hút, tôi nghĩ dưới vòm trời này chắc mình là kẻ khốn khổ nhất. Nhưng không, em đã đến và làm tôi thay đổi. Em là ngôi sao nhỏ giữa chốn thâm u. Gia đình em dắt díu nhau từ Thanh Hóa vào vùng kinh tế mới. Khi đó em mới học xong lớp 5. Còn bây giờ em là lớp trưởng lớp 9A do tôi chủ nhiệm, năng nổ hoạt bát, biểu hiện rất toàn diện nên tôi vui mừng, đặt vào em nhiều kỳ vọng.                                
Nhà em nghèo. Gọi là nhà chứ nó trông giống cái lều hơn.Vì vậy, không khi nào em rủ bạn học về chơi. Không phải em mặc cảm nghèo, mà không muốn bạn bè thấy bộ dạng của ba: lòng khòng, thốc thếch, bộ dạng của một người nghèo nghiện rượu. Em nói: ba uống rượu nhiều hơn người ta uống nước. Hiếm khi ba tỉnh táo, nhưng khi không có giọt rượu nào trong bao tử thì ba rất thương vợ con.


Em học giỏi, làm cũng giỏi. Một buổi học, một buổi bẻ mì, nhổ mía. Gia cảnh nhà em đang khó khăn mà. Chị đi học Đại học Sư phạm, ba đổ bệnh, mẹ cũng lên nương, ra rẫy nhưng hay đau nhức chứ đâu mạnh mẽ như mọi người nghĩ. Một cậu học trò ở tuổi chơi tuổi ngủ lại trở thành trụ cột gia đình.


Học kỳ 2 lớp 9 bắt đầu 2 tuần thì được tin ba em mất vì ung thư dạ dày. 2 tuần sau, tới lượt chị gái nằm gọn dưới bánh xe tải. Hai cái tang lớn trong vòng nửa tháng. Cú sốc quá lớn đã biến em từ một học sinh giỏi trở thành trung bình, từ một học sinh ngoan hiền trở nên ngỗ ngược, bất trị.


Mọi biểu hiện của em đều làm cho tôi lo lắng, có lúc cảm thấy khó chịu tới mức không chấp nhận được. Kiểu như em không coi ai ra gì: áo quần xộc xệch, khăn quàng nhét lòng thòng trong túi, tất cả các môn học chỉ ghi một quyển vở, muốn ngồi chỗ nào thì ngồi. Trong tiết học, em tự ý đi ra đi vào, hay cố tình để bạn bè nhìn thấy trong túi thập thò một gói thuốc và cái quẹt như thách thức với nội quy trường lớp. Em còn trốn học liên tục… Nếu tôi nhắc nhở thì em đáp lại bằng cách hất mặt hoặc cười đểu.


Tôi không có khái niệm “học sinh cá biệt”, tôi quan niệm nếu tình thương chưa đủ sức cảm hóa thì sẽ dùng rất nhiều tình thương. Vậy là tôi cố tình tiếp cận em như một sự tình cờ. Tôi muốn mọi thứ diễn ra thật tự nhiên, chỉ có sự chân thành tự nhiên mới làm nên điều kỳ diệu.


Sau những lần cô trò đi bộ từ trường về nhà, sau những cuộc tiếp xúc cởi mở và thân thiện, mối quan hệ cô - trò tiến về hướng chị - em. Nam dễ dàng hỏi mượn tiền cho mẹ uống thuốc hoặc thổ lộ chuyện em cần mua ít tư trang cá nhân và tôi sẵn sàng đưa em. Ngay cả lúc phải đi ứng tiền cho em mượn tôi cũng không bận tâm. Không quá lạc quan nhưng tôi tin mình ít nhiều sẽ cảm hóa được em.


Nhưng mọi sự đã không như tôi nghĩ. Càng quan tâm, càng dễ tha thứ thì Nam lại càng ngỗ ngược. Lớp tôi hầu như ngày nào cũng có chuyện và đều bắt nguồn từ em. Nhỏ nhặt là chuyện tự ý leo lên bàn ghế, nói hỗn với thầy cô. Lớn hơn là gỡ cây chống cửa đánh bạn. Có hôm em đến trường sớm đập phá tường rào... Chẳng biết có lý do gì nhưng em cứ trốn tránh, tôi dốc lòng cũng không có cơ hội gặp. Tôi biết mình bất lực.


Liên tục phạm lỗi, những lỗi tày đình nên Hội đồng nhà trường quyết định đưa trường hợp của em ra kiểm điểm. Tôi nghe tin liền tức tốc tới nhà, mẹ em chảy nước mắt nói hôm qua em cuốn đồ đạc đi rồi, cũng chẳng biết em đi đâu, làm gì. Tôi nghe xong chẳng biết an ủi thế nào, vì lòng tôi cũng bời bời tan nát.


***


Tôi xuống phố chuẩn bị cho năm học mới thì tình cờ thấy em và bạn bè vào quán cà phê. Tôi mừng quá, kêu to, Nam ơi, cô nè.


Sau một hồi trò chuyện thì biết em đang phụ việc cho một tiệm sửa xe, ăn ở tại đó, tiền trả mỗi ngày được 100.000. Tôi nói chuyện em tự ý bỏ học khi nhà trường chưa có một hình thức kỷ luật nào thì em nói: Lúc ấy nghe tin nhà trường đang họp bàn hình thức kỷ luật em, nhẹ nhất cũng thôi học, biết vậy thì còn đến trường làm gì hả cô? Ngừng một lát rồi em tiếp: Tội trạng của em thì hình thức kỷ luật đó là thích đáng. Giờ nghĩ lại thấy mình hồ đồ quá. Mấy tuần lang bạt em hiểu phần nào nỗi khổ của đứa trẻ không được đến trường.


- Vậy em có tính đi học lại? Sắp khai giảng rồi.


- Thưa cô, không.


- Tại sao?


- Mặt mũi nào em dám tới trường nữa. Thầy cô chắc giận em lắm, mà bạn bè cũng không đứa nào dám chơi nữa.


- Ai cũng có sai lầm, quan trọng là biết sửa. Thầy cô và bạn bè đang dõi theo em, không ai quay lưng với em cả.


- Dù vậy em cũng không đủ dũng khí, em xin lỗi cô.


Em nói xin lỗi bằng trái tim, tôi cảm nhận được khi nhìn vào mắt em.


- Cô không muốn nhận lời xin lỗi của em lúc này. Ngày khai giảng, cô sẽ đợi em trước cổng trường, cô muốn em xin lỗi bằng cách trở lại trường.


Em không nói gì sau kỳ vọng của tôi nhưng nhìn ánh mắt ăn năn kia, tôi tin ngày khai giảng sẽ lại gặp em ở cổng trường.



. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Nhàn