06:08, 10/08/2019

Băng qua ngày mưa

Mấy năm gần đây, thời tiết như một cô nàng đỏng đảnh, nóng lạnh thất thường. Rồi mưa gió bão bùng liên miên.

 

Mấy năm gần đây, thời tiết như một cô nàng đỏng đảnh, nóng lạnh thất thường. Rồi mưa gió bão bùng liên miên.

 

Ảnh Internet.

Ảnh Internet.


Có những ngày mưa, ngồi trong căn phòng nơi huyện nhỏ, nhìn mưa gió cuồng nộ rú rít quất ràn rạt bên ngoài mà rùng mình khi hình dung ra dòng nước cuồn cuộn chảy trên các đường phố như có lần đã thấy. Những chiếc xe tải lênh khênh nước ngập nửa bánh, xe máy, xe ô tô nhỏ ngập bủm trong khối nước đang quay cuồng cuộn chảy.


Những ngày mưa sầm sì sùi sụt thường gợi lên trong lòng người những cảm xúc nhung nhớ bâng khuâng. Cũng có những người mưa hay nắng vẫn chẳng thể ngơi tay làm việc. Những cơn mưa tháng Sáu của ngày xưa mẹ đi cấy lúa. Ruộng nước mênh mông, cắm cây lúa xuống mà chỉ thấy loi ngoi đốm lá mạ non. Gió thổi tốc mảnh áo mưa che trên lưng và muốn giật phăng chiếc nón ra khỏi đầu. Mồ hôi và nước mưa chảy ròng ròng theo quai nón đang cắn chặt bằng răng để giữ cho gió khỏi cuốn đi. Vị mặn của mồ hôi trộn cùng nước mưa của trời đất. Cắm xong đám mạ cuối, lon xon bước về giữa màn mưa giờ đã ngớt hạt mà lòng thênh thênh một ước vọng mùa vàng sắp tới.


Mùa mưa ở Tây Nguyên là khi cà phê vừa ra hoa và đậu quả. Những chùm cà phê non da xanh mướt căng tròn xếp đều tăm tắp trên cành. Vài tháng nữa thôi, bắt đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch, mùa khô chớm đến là màu xanh vỏ quả sẽ dần đổi thành màu vàng, màu đỏ au. Để đến lúc đó, người nông dân phải băng qua những ngày mưa dầm, chân sục trong lớp đất bột nhão nhoẹt, thứ đất đỏ bám rất lâu trên bàn chân người. Rồi cũng phải băng qua những ngày hay đêm tưới tắm cho cà phê bung hoa đúng độ, rồi còn sâu rầy gây bệnh... Ngay cả khi cà phê hái về đến nhà thì vẫn còn đó những ngày phơi phóng, nếu là trời mưa thì phải che đậy bạt bọc cho khỏi sũng ướt. Đợt nào mưa dầm lâu thì cà phê nhân bị đen và chất lượng sẽ không được như ý. Ngày nay, cũng chưa có nhiều lắm những nhà có máy sấy cà phê để chủ động hơn khâu này. Và người dân vẫn phải phơi thủ công, chịu sự thất thường của mưa nắng nhà trời.


Những lúc đi qua nắng gắt hay mưa lũ ầm ầm, có bao giờ bạn hỏi vì sao thời tiết trở nên như thế? Có lẽ không cần nhìn xa nghĩ lâu khi nhìn những ngọn núi quả đồi mà  thảm thực vật đang ngày một thưa thớt. Những hàng cây và khoảng xanh trong lòng đô thị cũng hiếm dần. Làm sao mà thiên nhiên không nổi giận và trút vào con người những sự đỏng đảnh thất thường của mình?


Cũng đã có nhiều người xuýt xoa khi nhìn những dãy phố thưa thớt dần tán lá xanh, khiến cái nắng của những buổi trưa hè càng thêm gay gắt và không khí hầm hập hơn. Có chủ trương “trồng cây” và “phủ xanh đồi trọc”, chúng ta cũng đã trồng bổ sung cây xanh cho đô thị hay các triền đồi, ngọn núi. Những hàng cây mới đã bén rễ và mọc lên, nhưng bao nhiêu năm mới có được một hàng cây tỏa bóng mát và rì rào hát trong nắng mỗi độ ban mai? Đã có những tiếc nuối, những ngẩn ngơ và ngậm ngùi khi thấy một cây to chừng trăm tuổi tự nhiên héo tàn bất chấp sự cứu vãn của con người.


Rồi theo tự nhiên, cây cũng như người sẽ nối tiếp nhau lớn lên và tỏa bóng. Những nắng mưa sẽ lại khiến cây và người đều cùng phải băng qua. Nếu không thế, đâu còn gọi là một vòng tạo hóa?


Chỉ mong tất cả chung tay cùng nhau giữ lại màu xanh để băng qua những ngày mưa, mùa mưa bớt phần giông gió, những dòng sông sẽ hiền hòa tỏa ra muôn hướng, dâng cho đời lớp mù sa mỡ màng và mùa thu hoạch ấm no.


Cho lòng người nhẹ thênh thênh dẫu trong ngày âm u hay nắng gắt. Bởi mặt đất quanh ta vẫn xanh một màu xanh cây lá sum suê…


Bích Thiêm