Có những lúc mỏi mệt trong cuộc hành trình cơm áo, tôi thường mơ được trở về 2 ngôi nhà cũ ở Thành. Một là nơi tôi sinh ra, một là khi tôi lớn lên và rời đi.
Có những lúc mỏi mệt trong cuộc hành trình cơm áo, tôi thường mơ được trở về 2 ngôi nhà cũ ở Thành. Một là nơi tôi sinh ra, một là khi tôi lớn lên và rời đi.
Những đồ vật và cách ba má tôi bài trí trong 2 ngôi nhà cũ ấy tái hiện rõ nét trong ký ức. Còn lại cho đến bây giờ một vài thứ, đặc biệt 2 cái giường giống hệt nhau là những vật kỷ niệm của ba má để lại.
Má tôi kể rằng, ba tôi đặt đóng những món đồ gỗ ấy như: 2 cái giường, cái tủ đựng quần áo, bàn viết… vào năm ba má cưới nhau, 1955.
Ngôi nhà đầu tiên ba má tôi thuê, có 2 gian trên và dưới. Gian nhà trên chia làm ba, một bên ba tôi làm phòng khám bệnh, ba tôi là y sĩ thời ấy, chính giữa đặt bộ salon và một bên là nơi ngủ. Trong gian ngủ có 2 cái giường hai bên, giữa là tủ quần áo cao. Trên 2 cái giường đó, chúng tôi từ sơ sinh đến lớn lên, qua những cơn đau bệnh có khi hiểm nghèo. Tôi nhớ những lúc tôi và anh trai nóng sốt đến mê sảng mà mẹ tôi thường bảo là chưa qua cái đốt khó nuôi. Phía sau tủ có một khoảng trống cách tường là nơi chúng tôi chơi trò trốn tìm.
Rồi ba tôi cất nhà mới, cạnh nhà cũ. 2 cái giường được đặt chung trong một phòng. Ba má một giường, tôi và em gái một giường. Kỳ lạ thay, qua nhà mới tôi không còn những cơn nóng sốt mê sảng nữa để lớn lên dần, phổng phao.
Biến động thời cuộc, một số đồ gỗ thời ba má tôi cưới nhau lần lượt ra đi như cái đi-văng, bộ salon và một số thứ khác nhưng 2 cái giường, cái tủ và 2 bàn làm việc được giữ lại.
Từ ngôi nhà này, chúng tôi lớn lên, đi học xa, trở về rồi lập gia đình ra riêng. Ba tôi mất, má tôi bán nhà ở Thành, theo con về thành phố. Toàn bộ đồ gỗ được mang theo. Vợ chồng em gái tôi ở với má.
Rồi em gái ra riêng, má tôi bán nhà lần thứ hai khi tuổi đã cao, không thể ở một mình. Những món đồ gỗ chia cho hai chị em. 2 cái giường rời nhau sau hơn 60 năm cùng sinh ra, kề cận nhau. Phần tôi một cái giường, tủ quần áo lớn, bàn viết của ba.
Tôi mang những đồ gỗ ấy về nhà mình, kêu thợ sửa lại chỗ bị hư và làm mới bằng vec-ni. Cái tủ còn đẹp và chắc chắn lắm, tôi chỉ cần làm lại phần sau bị hở. Nhờ thợ mộc giảng giải tôi mới biết toàn bộ là gỗ hương, ngày xưa người ta chú trọng kiểu dáng, chạm trổ, vec-ni bóng loáng đẹp đẽ bên ngoài, bên trong hơi thô, chủ yếu bào láng, không như đồ gỗ bây giờ trong ngoài nhìn đều đẹp, nhưng lại không bền bằng. Còn cái giường không đúng tiêu chuẩn như bây giờ, khi mua tấm nệm tôi phải nhờ cắt bỏ đi 5cm chiều dài. Điều đáng nói là từ ngày đem chiếc giường về nhà, tôi có giấc ngủ êm, ít mộng mị. Cảm giác bình yên như những ngày thơ ấu ngủ bên cạnh ba, mẹ, em…
Sau khi nghỉ hưu, tôi có việc phải vào Sài Gòn giúp đỡ con cái. Ở thành phố, dù không lạ nhà nhưng tôi thường có những giấc ngủ chập chờn. Vậy mà, về lại ngôi nhà mình ở Nha Trang, ngả lưng trên chiếc giường là vật kỷ niệm của ba má, tôi ngủ giấc đầy, sâu. Tôi hiểu đó là cảm giác an tâm, bình yên quen thuộc, thân thương, kiểu như trẻ con nhớ hơi mẹ vậy!
Nhiều đêm ở thành phố, tôi nhớ hơi ấm cái giường cũ. Ký ức trải dài miên man. Những ngày tôi nóng sốt, có bàn tay má mát lạnh sờ trán, có ba hỏi han muốn ăn gì để ba mua. Một thời bao cấp lập gia đình ra riêng, nuôi con mọn, khó khăn chồng khó khăn. Thời triền miên thiếu ngủ khi các con còn nhỏ… Chỉ nghĩ nhiêu đó thôi, tôi lại mua máy bay giá rẻ để về nhà. Ngôi nhà của tôi, có chiếc giường, cái tủ, bàn viết là kỷ vật của ba má. Có giấc ngủ bình yên, đầy, sâu, êm ái.
* * *
Rồi gia đình em gái tôi chuyển vào Sài Gòn. Ngôi nhà của em cho thuê toàn bộ. Những đồ vật không dọn đi theo, em chia sẻ cho bạn bè, người quen. Riêng cái giường được chuyển qua nhà tôi. Như vậy, sau 60 năm kề cận và 5 năm rời xa, 2 cái giường, kỷ vật của ba má từ ngày mới cưới nhau đã “đoàn tụ” về nhà tôi.
Tôi về Nha Trang, ngắm 2 cái giường, ký ức tràn về. Tôi lần tay theo thành giường và miên man nhớ. 60 hơn cho tuổi của 2 chiếc giường và sẽ lâu hơn nữa vì gỗ còn chắc chắn lắm. Nếu chiếc giường biết nói, nó sẽ kể lại cho tôi nghe đầy đủ những câu chuyện thời thơ ấu. Và, tôi làm sao biết được tâm sự của chúng lúc rời xa đến khi được đoàn tụ?
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN