Tôi và Kiên quen rồi yêu nhau khi cả hai cùng học ở Trường Đại học Nha Trang. Trong khi nhà tôi khá giả thì Kiên xuất thân từ một làng chài nghèo ở Vạn Ninh. Tốt nghiệp phổ thông, anh đi nghĩa vụ quân sự và được phân công ra Trường Sa.
Tôi và Kiên quen rồi yêu nhau khi cả hai cùng học ở Trường Đại học Nha Trang. Trong khi nhà tôi khá giả thì Kiên xuất thân từ một làng chài nghèo ở Vạn Ninh. Tốt nghiệp phổ thông, anh đi nghĩa vụ quân sự và được phân công ra Trường Sa. Cuộc sống ở đó dù khó khăn cách mấy cũng chẳng là gì với một chàng trai đã dạn dày sóng gió từ nhỏ như Kiên. Sau 5 năm bám đảo, về đất liền, Kiên thi đậu vào ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường Đại học Nha Trang.
Con nhà giàu, lại có chút nhan sắc, xung quanh tôi có không ít chàng trai vây quanh, vậy mà tôi lại chọn Kiên. Không như các cặp đôi khác, chúng tôi ít có thời gian đi chơi, vì ngoài giờ lên giảng đường, Kiên phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng số tiền kiếm được không bao nhiêu nên tôi biết Kiên sống rất kham khổ. Mấy lần tôi đề nghị Kiên bỏ việc vì quá vất vả, tôi sẽ chu cấp toàn bộ cho anh hoặc hãy coi như tôi cho mượn, mai mốt đi làm trả lại, nhưng Kiên luôn từ chối một cách cương quyết.
Không chỉ vậy, Kiên luôn từ chối khi tôi muốn đưa anh vào nhà hàng để thử cho biết các món ăn sang trọng. Chỉ thỉnh thoảng có tiền, Kiên rủ tôi tới quán bánh canh bột lọc thím Bảy. Hôm đó, đang ăn bánh canh, tôi hỏi, bao nhiêu thứ sao anh không thích, lại thích món này? Kiên trầm ngâm kể, ngày xưa nhà nghèo, nhiều tháng liền cả nhà phải ăn bột củ mì. Má anh nghĩ cách chế biến bánh canh bột lọc. Hồi đó chỉ là bánh canh “chay”, làm gì có chả cá như bây giờ. Vậy mà thấy ngon ghê. Thảo nào!
Rồi Kiên nhìn tôi: “Anh đã có quyết định nhận việc”. Tôi lơ đãng: “Vâng! Em biết rồi, về chỗ ba em hả? Tôi nói vậy bởi trước đó không lâu, tôi đã báo với Kiên là ba tôi đã đồng ý nhận Kiên về công ty. Thế nhưng, Kiên lắc đầu: “Không, anh sẽ về quê”. Tôi tròn mắt: “Anh điên sao, quê anh nghèo rớt, về đó làm gì?”.
Kiên chậm rãi: “Em biết không, ngày trước, khi còn nhỏ, quanh làng anh um tùm các loài cây đước, mắm, bần… Vậy mà bây giờ, người ta phá hết. Hậu quả là, các cơn bão vừa qua cuốn trôi một nửa số nhà trong làng… Anh muốn về quê, xây dựng lại hệ sinh thái rừng ngập mặn”.
Tôi nhăn mặt: “Anh đúng là thiếu thực tế, mơ ước viển vông, xa vời…”. Kiên khẽ nắm tay tôi, dịu dàng: “Anh biết là rất khó khăn, nhưng anh sẽ cố gắng. Anh hy vọng sau khi tốt nghiệp, em cũng sẽ về đó với anh”. Tôi giật tay ra, cáu kỉnh: “Không đời nào. Làm sao tôi có thể sống ở nơi chỉ có gió cát ấy?”.
Trước khi đi, Kiên gọi điện hẹn gặp, nhưng tôi từ chối. Tôi hy vọng, vì yêu và nhớ tôi, Kiên sẽ sớm quay lại Nha Trang.
Hóa ra tôi sai. Một tháng sau đó, chính tôi tìm về làng chài nghèo, có những con đồi đầy gió cát. Kiên đón tôi với vẻ mặt rạng rỡ. Chúng tôi phải băng qua một trảng cát dài nóng bỏng, rồi những bãi bùn hun hút, dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa. Anh chỉ những khoảng lầy nham nhở, trơ lại vài gốc cây khô: “Năm trước, chỗ này là rừng đước, mắm… um tùm. Vậy mà….”. Anh lắc đầu, buồn bã.
Chừng nửa giờ sau, chúng tôi đến chỗ rừng ngập mặn còn sót lại. Một cái chòi dựng đơn độc trên mấy cái cọc. Tôi ngồi xuống cái giường đơn được ghép bằng mấy tấm ván mỏng, nhìn xung quanh: Một cái bàn nhỏ, mấy cuốn sách, vài bộ quần áo… Trong góc chòi kê 3 hòn gạch, một cái nồi, mấy cái chén… Tôi băn khoăn hỏi, sao Kiên có thể bỏ thành phố để về đây, sống cực khổ như vầy?
Tiễn tôi về, anh vẫn giữ nguyên nụ cười hiền khô ấy: “Anh hy vọng, thỉnh thoảng em ra đây với anh nhé”. Tôi lầm lũi bước, im lặng thay cho câu trả lời. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi về nơi đó.
Thời gian, khoảng cách và cả tính ương bướng của 2 đứa đã làm chúng tôi mãi xa nhau. Mấy năm sau, tôi lấy chồng, có một cuộc sống sung túc. Vậy mà, thật lạ là tôi vẫn hay nhớ về Kiên, nhất là những khi đi ngang qua quán bánh canh thím Bảy…
Một tối thứ Bảy, tôi rủ chồng: “Em muốn đến thăm những ngọn đồi cô đơn ở Vạn Ninh”. Chồng tôi gật đầu: “Ừa! Anh nghe nói ở đó vừa khai trương khu du lịch sinh thái rừng đước rất đẹp. Mai mình đi”.
Đến nơi, tôi rất ngạc nhiên nhìn những khoảng rừng xanh tươi ngập trong nước nối tiếp nhau thay cho những trảng cát mênh mông hay những bãi bùn nhão nhoẹt trước đây. Khoảng chục chiếc lều tranh được dựng trong các lùm đước. Lối đi là những đoạn đường nối bằng gỗ ván, với tay vịn là những thanh tre, thanh đước chắc chắn. Trong những chiếc lều tranh, rất đông người đang bận rộn: Cánh đàn ông câu cá vì không những cá nhiều vô kể mà khi câu lên còn được miễn phí. Phụ nữ thì nhóm bếp, nướng cá và các đặc sản khác, trẻ con lăng xăng chạy nhảy, chơi đùa…
Càng ngạc nhiên hơn khi tôi biết chủ khu du lịch là Kiên. Qua chừng ấy năm mà anh dường như không thay đổi. Vẫn màu da rám nắng và nụ cười hiền khô. Anh vui vẻ chào đón chúng tôi, bắt tay chồng tôi, giới thiệu người phụ nữ xinh đẹp đang đứng sau quầy lễ tân: “Bà xã anh”. Bắt gặp ánh mắt họ nhìn nhau đầy âu yếm, tôi hơi chạnh lòng: Chưa bao giờ chồng tôi dành cho vợ một ánh nhìn như thế.
Tôi quay đi, nén tiếng thở dài, chắc Kiên rất hạnh phúc. Vậy mà tôi đã từng nghĩ Kiên thật sai lầm khi bỏ cả tương lai tốt đẹp để trở về với rừng ngập mặn…
. Truyện ngắn của Trần Thị Giao Thủy