10:03, 08/03/2019

Tình yêu còn mãi

Bố tôi mất sau một cơn bạo bệnh. Hơn hai phần ba cuộc đời cùng mẹ bươn trải khắp nơi, đến lúc tuổi xế chiều, tưởng được an nhàn thì bố tôi lại ra đi, bỏ lại mẹ tôi với nỗi đau khôn tả.

Bố tôi mất sau một cơn bạo bệnh. Hơn hai phần ba cuộc đời cùng mẹ bươn trải khắp nơi, đến lúc tuổi xế chiều, tưởng được an nhàn thì bố tôi lại ra đi, bỏ lại mẹ tôi với nỗi đau khôn tả.

 


Ngày bố mất, mẹ lặng lẽ ngồi bên di ảnh bố mà không nói lời nào, bà cũng không khóc lóc hay vật vã như bao phụ nữ khác khi mất chồng. Mẹ chỉ ôm di ảnh bố, ngay cả khi mệt quá thiếp đi giữa khói nhang nghi ngút. Sau khi đưa tang, mọi người trở về và làm theo tập tục, đốt những vật bố tôi yêu thích để ông có thể mang đi xuống suối vàng. Mẹ tôi cho đến lúc ấy cũng  không nói gì. Rồi bác Hai cùng các anh tôi bưng chậu lộc vừng ra định đổ dầu lên đốt cho bố vì đó là chậu lộc vừng mà bố thích nhất khi còn sống, thích đến mức những ngày cuối cùng, dù rất mệt nhưng bố vẫn đòi mẹ đẩy xe lăn ra thăm cây.


Đúng lúc ấy, bất ngờ mẹ lao ra, giữ tay bác lại và nhất định không cho đốt. Bác Hai tôi ngạc nhiên lắm. Mẹ rất yêu bố và luôn chiều theo mọi sở thích của bố. Lẽ ra mẹ tôi phải là người đầu tiên đề nghị để bố mang  cây lộc vừng này đi. Vậy mà bây giờ mẹ lại tìm đủ mọi cách để giữ cây lại. Mẹ lặng yên không nói gì, hì hục đẩy chậu cây lại góc sân trong ánh nhìn khó hiểu của anh chồng.


Chuyện mẹ tiếc cây lộc vừng đến tai chú Tư, chú vội chạy sang gặp mẹ. Chú Tư vốn rất hiểu lý lẽ và mẹ cũng tôn trọng chú nhất trong số các anh em của chồng. Nhưng cho dù chú Tư nói thế nào mẹ cũng không đồng ý. Ngay cả bên ngoại tôi, các cậu mợ và các dì cũng không ai thuyết phục được mẹ cho cây lộc vừng đi theo bố.


Ban đầu, thấy mẹ như vậy tôi cũng nghĩ đơn giản, mẹ thích thì cứ giữ lại thôi. Nhưng lâu dần, nghe nhiều lời ra tiếng vào, bỗng dưng tôi cũng thấy mẹ hình như vô tâm, tiếc với người chồng đã khuất cả một cây cảnh. Mẹ vẫn yên lặng trước sự chỉ trích của mọi người và hàng ngày chăm sóc cây lộc vừng rất kỹ lưỡng, kỹ hơn cả khi bố tôi còn sống.


Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoắt đã đến ngày mãn tang bố. Trong khi nội ngoại hai bên đang lúi húi chuẩn bị sắp cỗ cúng thì mẹ mang nước ra tưới cây lộc vừng. Khi cỗ cúng đã xong mẹ vẫn loay hoay ngoài sân, chú Tư ra sân định nhắc chị dâu. Nhưng ra đến nơi, chú đứng sững sau lưng mẹ một lúc rồi quay vào. Chú khẽ bảo tôi: “Con hãy giúp mẹ chăm sóc cây lộc vừng nhé. Đừng để nó héo tàn”.


Tôi tròn mắt nhìn chú: “Nếu cây chết thì có thể đi theo bố cháu rồi. Sao phải chăm hả chú?”.


Chú Tư trầm ngâm một lúc rồi chậm rãi: “Ai cũng nghĩ là mẹ con vô tâm. Nhưng...”. Nói đến đây chú lại yên lặng, hướng ánh mắt có chút hối hận về phía mẹ rồi đi vội xuống nhà dưới bỏ mặc tôi đứng ngẩn người ra giữa sân.


 Sau khi thắp nhang xong xuôi, mẹ lại ra ngồi cạnh cây lộc vừng, mắt đăm đăm nhìn, tay vuốt ve từng chiếc lá mãi cho đến khi tôi mang xấp giấy đến để mẹ đốt cho bố. Khi mớ giấy hàng mã vừa cháy đến những mảnh cuối cùng, mẹ đứng vội dậy đi vào góc hè lấy cái chai nước khoáng đổ lên cây. Tôi nghĩ chắc mẹ lại đổ rượu cho bố như mọi lần. Bất ngờ, que diêm trên tay mẹ rực cháy và cây lộc vừng biến thành một ngọn đuốc. Chú Tư cuống cuồng chạy ra phụ tôi dập lửa nhưng cũng chẳng cứu nổi cây. Thế là tôi đành đứng bên cạnh chú và mẹ, nhìn cây lộc vừng quắt queo dần trong ngọn lửa mà chẳng biết nên vui hay nên buồn. Mẹ lặng lẽ nhìn chậu cây cảnh đang cháy ngùn ngụt, mắt đỏ hoe khẽ nói: “Giờ thì tạm biệt ông”.


Lúc này chú Tư mới ghé tai tôi nói nhỏ: “Vừa nãy,  nghe mẹ cháu trò chuyện với bố cháu chú mới biết, cứ nhìn thấy cây lộc vừng là bà lại thấy hình ảnh bố cháu đang cắt tỉa cây. Vì thế mẹ cháu muốn giữ lại để giữ lại hình ảnh bố cháu trong căn nhà, mặc mọi người trách móc. Vậy mà sao giờ lại đốt rồi..?”.


Mấy hôm sau, tôi gặng hỏi mãi mẹ mới nói: “Mẹ rất muốn giữ cây lại như giữ hình bóng của bố con. Nhưng đã đến lúc bố con được siêu thoát nên mẹ không thể khiến bố bịn rịn mà không yên lòng được”.


Nghe mẹ nói tôi nghẹn lời, quay đi ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra. Lúc này tôi mới hiểu câu nói của mẹ khi nhìn cây lộc vừng bốc cháy ngùn ngụt mà mắt đỏ hoe: “Giờ thì tạm biệt ông”.


. Truyện ngắn của Tạ Hương Nhuận