Bạn rời xa thành phố vài năm. Khi quay trở lại, bạn chợt loay hoay kiếm tìm một góc phố thân quen. Nhưng dòng đời bộn bề với những sự đổi thay. Nha Trang cũng thế. Bây giờ đi trên đường Trần Phú gần như không còn những lứa đôi chở nhau thật chậm, thỏ thẻ chuyện yêu đương, ngắm biển và hít thở không khí trong lành.
Bạn rời xa thành phố vài năm. Khi quay trở lại, bạn chợt loay hoay kiếm tìm một góc phố thân quen. Nhưng dòng đời bộn bề với những sự đổi thay. Nha Trang cũng thế. Bây giờ đi trên đường Trần Phú gần như không còn những lứa đôi chở nhau thật chậm, thỏ thẻ chuyện yêu đương, ngắm biển và hít thở không khí trong lành. Thay vào đó là những dòng xe cộ hối hả, đâm dọc, đâm ngang và luôn tắc đường. Thành phố bây giờ có rất nhiều tòa nhà chọc trời, có quá nhiều quán trà sữa và cũng lắm quán bar để lớp trẻ có chỗ vào đó vui chơi. Lẽ tất yếu của một thành phố phát triển là vậy đó, bởi ngay cả con người cũng thay đổi theo thời gian.
Vậy nhưng, có những ký ức vốn thuộc về nỗi nhớ. Người đi xa quay về chốn cũ, bỗng giật mình khi lạc vào một không gian khác, tần ngần trước căn nhà ngày xưa là giàn hoàng anh nở vàng, nay trở thành một quán ăn. Hay có khi tìm về nơi xưa xa lắc, nơi vụng dại trao lá thư tay tỏ tình, nay nơi ấy đã là một bãi giữ xe… Mà trên mạng có rất nhiều icon trái tim, ai còn viết những lá thư ngây thơ nuôi dưỡng cuộc tình? Những ký ức gợi nhớ ấy luôn ở lại trong tâm tưởng của những người từng sống và lớn lên ở Nha Trang, rồi vì một lý do nào đó trong cuộc hành trình của cuộc sống mà rời khỏi, đến một nơi chốn khác, nay quay về và hoài nhớ. Hoài nhớ ấy đôi khi là nhớ về những hàng cây đã cũ, một quán cà phê đã không còn hay một quán ăn xa khuất.
Đó là hàng cây phượng và cả cây muồng vàng trồng dọc con đường Phan Thanh Giản (nay là đường Pasteur). Con đường ngày ấy râm bóng mát, dịu dàng trong mùa hạ râm ran tiếng ve. Là con đường Bá Đa Lộc (nay là Lý Tự Trọng) với những cây bã đậu rợp mát là chỗ để đêm đêm đôi lứa hẹn hò. Là bãi biển khi ấy chưa quy hoạch thành công viên đẹp như bây giờ, còn rất nhiều hàng cây bã đậu và những cây dương liễu tạo dáng còn nhỏ. Biển khi ấy vắng du khách, hay nói đúng hơn là không có du khách. Đôi lứa cùng đi xe đạp song song, dắt xuống bãi biển, ngồi giữa ánh trăng vàng 16 thầm thì to nhỏ, còn ngoài kia sóng biển vỗ rì rào. Ngày đó, những chiếc velo giống như một sự lãng mạn, khi cô gái mặc áo dài trắng ngồi một bên sau lưng, một tay ôm eo chàng trai phía trước. Những chiếc velo một thời ấy nay không còn.
Tôi nhớ không gian các trường học. Trường Nữ trung học (nay là THCS Thái Nguyên) với các cô nữ sinh tóc dài thả vai, tan học cứ đi từng nhóm, nói cười với nhau. Trường Võ Tánh (nay là THPT Lý Tự Trọng) là trường dành cho học sinh nam. Những cuộc tình Võ Tánh - Nữ trung học sau này có một số thành đôi lứa. Trường Thánh Tâm là trường nữ do các nữ dòng tu mở ra, trên đường Lê Thánh Tôn (nay là Mẫu giáo Hương Sen) luôn tấp nập các chàng trai si tình đứng đợi ở những gốc cây cổ thụ trước trường, sau đó theo chân về như bài hát Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy. Trường Bá Ninh (nay là Đại học Khánh Hòa) của Công giáo dạy các học sinh nam cũng đầy huyền thoại…
Có đôi khi tôi nhớ lại thời trẻ với quán kem Khả Khánh trên đường Phan Bội Châu, nhớ phở Hợp Lợi trên đường Lý Thánh Tôn, nhớ cả con đường Thái Nguyên ngày xưa rợp bóng hai hàng me hay bãi biển vẫn còn những dây muống biển bám vào bãi cát trắng nở những bông hoa tim tím. Để nhớ ngày ấy trên bãi biển Nha Trang vẫn còn nhặt được những vỏ ốc dạt trôi từ xa thẳm đến ở trọ.
Nha Trang vẫn có những điều để nhớ trong bóng gương xưa…
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG