Sau cơn mưa đầu mùa, đại ngàn trở nên hùng vĩ và dịu dàng một màu xanh ngan ngát. Bầu trời quang đãng, trong trẻo… Ông Linh hướng đôi mắt nhìn quanh, trong lòng lắng lại một cảm giác thật bình yên. Những thanh âm quen thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người thương binh già gần một phần tư đời người canh gác cho sự bình yên của rừng. Hơn 20 năm rồi còn gì? Nhanh thật. Thấm thoát…!
Sau cơn mưa đầu mùa, đại ngàn trở nên hùng vĩ và dịu dàng một màu xanh ngan ngát. Bầu trời quang đãng, trong trẻo… Ông Linh hướng đôi mắt nhìn quanh, trong lòng lắng lại một cảm giác thật bình yên. Những thanh âm quen thuộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người thương binh già gần một phần tư đời người canh gác cho sự bình yên của rừng. Hơn 20 năm rồi còn gì? Nhanh thật. Thấm thoát…! Ông mỉm cười, khẽ lắc đầu, bâng quơ nghĩ. Một nỗi niềm khó nói thành lời dâng trào trong khóe mắt cay xè của ông. Giờ là lúc ông phải nghỉ ngơi vì tuổi cao. Công việc giữ rừng sẽ được giao lại cho những người trẻ có sức khỏe và tâm huyết hơn. Thực ra ông không muốn nghỉ tí nào, nhưng ông thấy mình đã không còn đủ khỏe mạnh như xưa để đảm đương nhiệm vụ được nữa.
- Cháu chào bác Linh? Cháu là A Tình, người sẽ thay bác làm công việc giữ rừng sau khi bác nghỉ. Cậu thanh niên trạc tuổi 30, dáng người cao ráo, nước da nâu, miệng cười tươi rói thoăn thoắt bước lại chủ động bắt tay ông Linh, cắt dòng miên man ở ông.
- À… Thì ra cậu là người mà ban quản lý rừng mấy hôm trước có nói với tôi?
- Dạ, cháu cũng nghe ban quản lý rừng, nhất là người dân trong bản kể nhiều về bác. Mấy đứa bạn cháu, ai cũng mơ ước làm chức này chức khác, cháu chỉ mong được làm nghề giữ rừng như bác thôi… Những lời bộc bạch của A Tình khiến ông Linh càng cảm thấy tự hào về việc làm đã gắn bó với ông mấy chục năm nay. Ông chưa kịp nói gì thì A Tình lại tiếp tục:
- Bác biết vì sao không? Vì đây là quê hương của cháu. Vì núi rừng đại ngàn này đã nuôi dưỡng, chở che và cho người dân bản cuộc sống yên bình. Cháu muốn bảo vệ rừng, muốn giữ cho núi rừng đại ngàn mãi mãi xanh như thế này thôi bác ạ.
Từng chữ, từng lời của cậu thanh niên trẻ tuổi sao giống ông ngày xưa đến thế. Ông ngỡ như đang gặp lại mình cái tuổi 30 đầy sung sức.
Những năm tháng chiến tranh, dẫu là anh chàng đặc sệt phố xá, ấy vậy mà khi lên rừng chiến đấu, ông Linh băng rừng vượt núi thoăn thoắt cứ y như người sinh ra ở rừng. Bom đạn chiến tranh vẫn không thể nào tàn phá nổi những cánh rừng với màu xanh ngút ngàn. Mỗi lần được nghỉ ngơi sau những cuộc hành quân kéo dài, ông Linh thường thích ngồi ngắm cảnh rừng. Cây cối xanh um, mát rượi. Tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng thác gầm, vượn hú… Cảnh rừng mê hoặc ông từ lúc nào chẳng biết. Ông đã từng tâm sự với những đồng đội của mình, rằng nếu sống sót trở về, ông sẽ xin làm nghề giữ rừng. Nghe vậy, đồng đội ông chỉ cười, bởi người ước được làm đám cưới với cô hàng xóm đã thầm thương trộm nhớ bấy lâu, người lại ước mình được làm công chức… Vậy mà, trong số ấy có nhiều mơ ước mãi mãi chỉ là ước mơ. Hơn hai mươi năm canh rừng, không ít đêm, ông Linh bần thần ngồi thủ thỉ với đồng đội, với những người đã khuất. Ông nhắc lại ước mơ của từng người bằng cái giọng bùi ngùi, tiếc nuối. Có khi, ông khóc như một đứa trẻ vì nhớ đồng đội.
Trở về từ chiến trường, ông lấy vợ, rồi có 3 đứa con. Khi nghe ông trình bày nguyện vọng được đi giữ rừng, trong lòng vợ ông cũng có đôi chút buồn. Là bởi nhà ở phố, con cái ăn học thành tài, có dư kinh tế lo cho ông bà cuộc sống tươm tất, nhưng ông đã quyết thì đành chiều. Thay vì than vắn thở dài, vợ ông chủ động cùng ông vượt đường đèo mấy chục cây số lên tận ban quản lý rừng trình bày nguyện vọng. Ông vui sướng khi ý nguyện của mình được chấp nhận. Biết bà một mình dưới phố thui thủi, ông rủ bà lên cùng. Rau cỏ, hoa lá, trái cây… sẵn có từ rừng. Bà nghe ông nói mà mủi lòng. Có vợ có chồng vẫn hơn. Những lúc ông ốm đau, sao có thể thiếu sự yêu thương chăm sóc của bà được. Nghĩ vậy, mắt bà đã rơm rớm. Ngày họp gia đình, mấy đứa con của ông bà ngồi bên nghe bà thủ thỉ và đưa ra quyết định như thế, chúng đều im lặng, sau đó đều đồng ý.
Những ngày đầu, cả ông và bà còn sức khỏe nên giữa không gian yên tĩnh, hoang sơ của núi rừng, từ việc phát cây, khoanh nuôi cây con, trồng thêm cây mới nhằm lấy lại màu xanh cho rừng ở những nơi đất trống, những nơi bị lâm tặc phá hoại là vô vàn những kỷ niệm vui buồn. Chẳng đếm hết số lần cả ông lẫn bà bị bầy muỗi rừng đánh gục bằng những trận sốt rét, co giật. Mấy lần ông phải đưa bà xuống phố nằm viện, rồi gọi con cái đến thay nhau chăm sóc. Chúng càu nhàu, bà chỉ cười. Còn ông thì chỉ biết an ủi: Dần sẽ quen thôi.
Với ông, rừng là lẽ sống còn. Ông nhớ như in mấy lần bị lâm tặc hù dọa nhưng ông chẳng sờn lòng. Ông biết đó chẳng ai khác chính là thằng A Sình trong bản. Vì mấy lần nó bẫy thú, bị ông phát hiện và yêu cầu về đồn viết bản tường trình, nó có vẻ tức tối lắm. Biết vậy, ông chủ động gặp A Sình để nói chuyện bằng lý lẽ chân tình. Thế mà A Sình đã nghe theo. Không những thế, từ đó, A Sình còn là người đi tuyên truyền cho người dân trong bản biết trân trọng, giữ rừng rồi bảo vệ các loài động vật quý hiếm trong rừng nữa.
Ông Linh đứng đó, mắt nhìn khắp khu rừng bấy lâu mình gắn bó. Cây vẫn xanh, muôn loài chim vẫn gióng lên khúc hát đại ngàn… Để giữ cho đại ngàn xanh mãi, ông đã phải đánh đổi bằng nước mắt và cả bằng máu. Nào lời đe dọa, nào lời mua chuộc và đặc biệt là nỗi đau vì sự tàn ác của bọn lâm tặc, giăng dây điện quanh nhà khiến cho người vợ thân yêu của ông qua đời. Đó cũng là câu chuyện buồn, ông không muốn nhắc tới dẫu đã hơn mười năm. Cái chết của vợ khiến ông áy náy, hối hận mãi đến bây giờ. Thế nhưng ông không nản chí. Ông cũng không tự đánh mất mình. Mấy chục năm làm nhiệm vụ giữ rừng là từng ấy thời gian ông luôn ngẩng cao đầ3u tự hào.
- Bác giao lại nhiệm vụ cao cả này cho cháu. Cháu hãy thay bác, hãy cùng với mọi người giữ mãi cho đại ngàn có được màu xanh muôn thuở.
A Tình nhìn ông với lòng quyết tâm cao độ:
- Bác cứ yên tâm về xuôi nghỉ ngơi. Khi nào nhớ rừng, bác lại lên thăm! Chúng cháu sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Tốt lắm! Ông Linh mỉm cười an lòng.
Từ trên cao, mưa vẫn lác đác rơi. Có hai người cùng nhau bước đi giữa rừng, chuyện trò râm ran trong nhịp thở bình yên của đại ngàn.
. Truyện ngắn của Lê Thị Xuyên