10:01, 09/01/2018

Neo vào hạnh phúc

Chị, một nhà giáo đã nghỉ hưu. Cùng với người bạn đời, căn nhà nhỏ ở phố thành ra có hai vợ chồng già, vì đứa con gái duy nhất chẳng chọn xứ này làm chốn ở, mà cứ lang bạt đến những vùng đất xa xôi ở trời Tây.

Chị, một nhà giáo đã nghỉ hưu. Cùng với người bạn đời, căn nhà nhỏ ở phố thành ra có hai vợ chồng già, vì đứa con gái duy nhất chẳng chọn xứ này làm chốn ở, mà cứ lang bạt đến những vùng đất xa xôi ở trời Tây. Cuộc sống của chị nghe qua cũng thật bình lặng, hàng ngày hết đi chợ, cơm nước, rồi lại đọc sách, dạo biển cùng chồng, cùng chở nhau ra mảnh đất quê ở ngoại thành, nơi có căn nhà cấp bốn xây đã mấy năm, chăm mảnh vườn nhà. Thỉnh thoảng lắm mới có đứa học trò cũ nào đó ghé thăm. Dạo này, chị có thêm niềm vui khi gia nhập hội những chị em nhà giáo, nghỉ hưu có, còn dạy học có, thỉnh thoảng gặp nhau ở cà phê vườn nào đấy. Gặp nhau tám chuyện cho đỡ nhớ trường, nhớ lớp. Cũng từ cái hội ấy, chị nhiễm luôn thú vui trồng hoa hồng của cả nhóm. Này hồng Pháp, hồng Sapa, hồng cổ… chị mua về trồng thử, hàng ngày tưới tắm, chăm bón, rồi đợi hồng đơm bông.


Vậy mà ngồi trước mặt tôi, có lúc chị không giấu được nỗi buồn. Buồn đứa con gái, chỉ kém tôi dăm tuổi, cứ mải mê bên những khung trời xa lạ. Chị bảo nó là đứa cá tính. Chị sinh con ra, nuôi con lớn khôn nhưng mọi việc lớn nhỏ trong đời mình, nó đều tự quyết định. Từ việc nhất quyết không theo nghề ba mẹ mà học ngành kinh tế, rồi chuyện trải nghiệm cuộc sống ở trời Tây. Đến lúc lấy chồng cũng quyết định một cái rụp, chẳng tổ chức đám cưới đàng hoàng cho chị nở mày nở mặt với người ta, mà chỉ lặng lẽ với một buổi gặp mặt gói gọn khoảng ba chục người thân trong họ. Sau đám cưới, nó theo chồng đến sống ở Na Uy, cũng vừa là đi du học. Cả hơn năm sau, khi qua bên đó thăm con, chị mới ngã ngửa khi biết chúng nó chia tay hồi nào. Nhà cửa bên này chẳng ở, lại đành đoạn đến nơi xa xôi chi để phải sống cảnh ở trọ, không người thân thích. Thương con mà chẳng biết nói sao. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, biết sao được. Hạnh phúc trong tay mình, mình không nắm giữ được thì thôi.


Thật ra, tôi biết con gái chị rất tình cảm. Bởi như chị kể, mỗi bận về nó xách bao nhiêu là đồ cho mẹ, từ áo xống, mỹ phẩm đến mấy ống kem đánh răng…, như thể để mẹ chẳng phải mua gì trong khoảng thời gian dài giữa những lần nó về. Con về. Chị lại chở con trên chiếc Dream cũ, đi chầm chậm trên phố, kể con nghe về những đổi thay ở những góc phố con đường hai mẹ con đi qua. Có khi con với mẹ vào cà phê, nghe nhạc Trịnh, hệt như hai người bạn thân thiết. Cũng có khi mẹ con chẳng nói với nhau câu nào, nhưng chị vẫn cảm nhận hết, nghe ấm vòng tay ôm của con từ phía sau.


Hôm rồi gọi, chị bảo đang ở ngoại thành gieo lại mấy luống rau, trồng mấy cây ăn quả. Chị bảo, hôm bão vừa rồi, căn nhà cấp 4 đấy mà chẳng sao, chỉ tiếc vườn rau dày công chăm sóc đợi Tết thu hoạch mà hỏng cả. Chẳng còn rau ăn, này giàn bầu hồ lô, này mướp, đậu bắp, mồng tơi, đậu đũa..., mấy chục gốc đu đủ, bưởi, xoài cũng chẳng còn. Tôi biết đó là khoảng trời riêng của vợ chồng chị. Khoảng trời ấy như thể để lấp đầy chỗ trống của con để lại, chỗ trống của những nỗi buồn chẳng biết chia sẻ cùng ai. Một tuần chị mấy bận ra ngoại thành, về căn nhà cấp 4, vun vun trồng trồng mà thấy lòng mình bình yên lạ. Lần nào thu hoạch, chị cũng mang cho tôi một bịch to đùng, đủ loại, ăn cả tuần mới hết. Vậy mà giờ… Thôi thì gieo trồng lại từ đầu vậy.


Rồi chị bảo, chị nhớ con. Chẳng biết Tết năm nay nó có về? Năm ngoái nó tạo cho chị sự bất ngờ khi về dịp nghỉ Tết dương lịch, tổ chức sinh nhật muộn cho chị bằng chiếc bámh kem nho nhỏ tự làm. Rồi nó đi một lèo từ đó đến giờ, đâu biết rằng chính sự trở về của nó mới là món quà ý nghĩa nhất dành cho chị vào ngày sinh nhật. Năm nay Tết dương lịch nó chẳng về, chiếc bánh kem sinh nhật chị vẫn có, nhưng là nhận cùng bó hoa từ đứa bạn thân của con. Nó vẫn nhớ đấy thôi, nhưng chuyển tải tình cảm của mình theo cách của nó. Vậy nên chị lại hy vọng Tết này nó sẽ về.


Có lúc chị bảo với tôi chẳng biết cuộc sống như vậy có buồn chán không, nhưng chị cứ lụi hụi cùng chồng chăm sóc đám rau, đám cây vườn nhà, với những chậu hồng không chăm đúng cách thì lại bứng đi trồng lại, thi thoảng tụ tập sớt chia tiếng nói, nụ cười bình lặng của mình với hội nhà giáo già trẻ lẫn lộn để mà rồi ngày tháng cũng trôi qua, để mà rồi lại mong đến ngày con gái trở về. Và dẫu có thế nào, trong chị vẫn luôn hiển hiện về một ngày con gái sẽ xuất hiện trước của nhà, nói với chị rằng lần này con về sẽ mãi ở bên mẹ, sau bao năm tháng lang bạt nơi xa. Ừ thì đôi khi được chờ đợi một ai đó cũng là một niềm hạnh phúc vậy, như thể có cái mà người ta neo vào.


B.T