Bão thì có xa lạ chi với đất nước mình. Năm nào chả có chục cơn bão từ biển vào đất liền. Sống chung với giông bão đã trở thành một phần trong đời sống người dân xứ mình như lời bài hát "Đất nước tôi, từ thuở còn nằm nôi, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa…" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Bão thì có xa lạ chi với đất nước mình. Năm nào chả có chục cơn bão từ biển vào đất liền. Sống chung với giông bão đã trở thành một phần trong đời sống người dân xứ mình như lời bài hát “Đất nước tôi, từ thuở còn nằm nôi, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa…” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Nhưng hiếm có năm nào bão đến sớm như năm nay. Mới đầu tháng 7 âm lịch mà đã có tới 6 cơn bão hướng vào đất liền. Khí hậu biến đổi sao đó, mấy năm gần đây bão thường vào các tỉnh phía Bắc. Dẫu bão có vào vùng nào thì cũng đất quê mình. Thương những vùng quê đang oằn mình chịu mưa lũ, bão bùng… Phía chân trời xám chì, ngỡ như nghe thấy câu ca dao xưa: “Cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về…”, để mà thương những bờ vai oằn nặng lo toan của những mẹ, những chị, những người phụ nữ sinh ra chỉ để tảo tần hy sinh cho gia đình, chồng con chứ chưa biết thế nào là những niềm vui riêng...
Cảm giác chờ bão đổ vào luôn gây tâm trạng ngột ngạt, thấp thỏm âu lo. Nhớ tháng 12-2006, cơn bão Durian hướng thẳng vào Nha Trang. Khi đó toàn thành phố lo chằng chống nhà cửa, chính quyền lo di dời dân những nơi nguy hiểm, tiếng loa thông báo vang vang, những đường phố vắng ngắt… cảm giác thắt ngực, đối đầu với nguy cơ quá sức chịu đựng. Rồi may sao, cơn bão đang hướng vào Nha Trang lại đột ngột đổi hướng, cứ chạy song song với bờ biển và rồi đâm ngoặt vào, tàn phá thành phố Vũng Tàu.
Mà lạ, có một thời cơ quan khí tượng khu vực có truyền thống bất thành văn là lấy tên phụ nữ đặt cho các cơn bão nhiệt đới khu vực Thái Bình Dương. Những tên phụ nữ thật đẹp gắn liền với những tan hoang sau cơn bão… Sau này, phong trào nữ quyền lên cao, nhiều tổ chức đấu tranh cho nữ quyền đã phản đối truyền thống này, vì bão luôn gắn liền với sự tàn phá. Truyền thống bất thành văn này ngày nay đã được thay thế bằng sự đề cử tên gọi khác nhau của các cơ quan khí tượng các nước trong khu vực. Có thể là tên một địa danh, một loài hoa, một loại cây trái…
Bão đồng nghĩa với sức mạnh tàn phá hoang dại của thiên nhiên. Để rồi những gì nguy hiểm, có sức tàn phá được người ta gắn với chữ bão.
Vậy mà không hiểu sao vào những năm thập niên 50 - 60, khi giới văn nghệ sĩ ai cũng sợ bị quy vào Nhân văn Giai phẩm, tư tưởng suy diễn, quy chụp từng câu, từng chữ là phổ biến, vậy mà Tế Hanh dám viết những câu: “Cơn bão nghiêng đêm/Cây gãy cành bay lá/Ta nắm tay em/Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã/Cơn bão tạnh lâu rồi/Hàng cây xanh thắm lại/Nhưng em đã xa xôi/Và cơn bão lòng ta thổi mãi”. Có nỗi niềm chi lớn hơn nỗi sợ bị quy chụp để nhà thơ viết những dòng này? Trái tim người nghệ sĩ neo đậu điều chi, để sát bên nhau qua được cơn bão thật, mà rồi có cơn bão lòng cứ dằng xé triền miên.
Mà thôi, trong mỗi người là thế giới riêng. Đằng sau những gương mặt nghiêm nghị kia, tươi vui kia, rạng ngời kia… ai có thể biết lại đang giấu một cơn bão nhỏ trong lòng.
Nhưng có điều ít người biết, trong cơn bão mịt mù, tâm bão lại luôn là một khoảng lặng nhỏ tương đối. Một khoảng lặng ẩn nén những chực chờ, chuẩn bị cho sự bùng nổ.
THỦY NGÂN