Năm tôi lên 6, 7, có một bà thím trong xóm mỗi lần gặp mặt chị em tôi là lại nhìn trân trân, vẻ hả hê trịch thượng, má mấy đứa mày hồi đó có chửa trước phải trốn nhà bỏ đi nè, gái chửa hoang bỏ nhà theo trai...
Năm tôi lên 6, 7, có một bà thím trong xóm mỗi lần gặp mặt chị em tôi là lại nhìn trân trân, vẻ hả hê trịch thượng, má mấy đứa mày hồi đó có chửa trước phải trốn nhà bỏ đi nè, gái chửa hoang bỏ nhà theo trai... Chị em tôi lớn lên trong tình yêu thương đủ đầy của gia đình hai bên nội ngoại, không hiểu ý bà ấy là gì. Chỉ có điều cha mẹ vẫn thường nói, sau này đứa nào ưng ai, cha mẹ sẽ không bao giờ ngăn cản, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, miễn là người tử tế, biết yêu thương nhau thật tình. Mà vậy thật, sau này gả con gái như cho, khỏi cần so tuổi, vấn kế thầy bà.
Rồi cũng tới một ngày má tôi thú thiệt. Ngày xưa có chàng tú tài và cô hàng nước chưa từng một ngày đến trường yêu nhau, bất chấp thị phi, gia đình ngăn cấm. Khi chuyện phải đến đã đến, hai người bỏ lại tất cả, mộng một ngày khoa bảng võng lọng đón nàng về dinh. Cha mẹ tôi trôi dạt đến một vùng đất mới, tự thân lập nghiệp. Giai đoạn lưu lạc cay đắng muôn phần này ân nhân lại là những người không hề có máu mủ ruột thịt. Cha kể, một người đạp xích lô không hề quen biết tình cờ gặp đôi trẻ đang lang thang tìm nơi trú ngụ bèn kêu về nhà mình cho ở nhờ. Nhà tranh vách đất tuềnh toàng trong một mảnh đất cằn cỗi toàn xương rồng bàn chải, vợ chồng chủ nhà người tráng bánh tráng, người đạp xích lô. Đến bây giờ, cha mẹ tôi vẫn nặng lòng chưa đền ơn được cho ân nhân lúc bà đang bụng mang dạ chửa, chồng thư sinh thất nghiệp. Cha tôi làm gia sư cho con họ, má giúp việc nhà. Khi kiếm được công việc và dọn đi, đôi bên khóc như mưa.
7 năm sau đó, khi đã yên ổn mọi bề, 3 mặt con, cha mẹ tôi mới quyết định gói ghém tất cả về quê. Nội ngoại đuề huề. Chuyện cũ chẳng ai nhắc lại, trừ bà thím đó.
Không cưới xin, không coi ngày, không lễ lạc. Không biết má tôi có từng mơ một lần mặc áo cô dâu, bước ra giữa trầm trồ quan viên hai họ hay không? Tấm hình đầu tiên cha mẹ tôi chụp chung trong tiệm với áo dài và sơ mi cà vạt là ra vẻ hợp hôn nhất, chỉ khác chút xíu là có thêm 3 đứa trẻ đang quấn một bên. 60 năm đã qua kể từ khi đôi trẻ đi theo tiếng gọi của con tim, giờ phình ra thành 10 đứa con, đại gia đình con cháu dâu rể hơn 40.
Thế hệ của tôi lớn lên trong thời gạo tem củi phiếu, có miếng ăn cứu đói là may mắn rồi nên lễ lạc cưới xin ai cũng như ai. Tổ chức tại cơ quan đoàn thể với tiệc ngọt kẹo bánh trà lá còn được khen là đời sống mới. Còn lại hầu hết chỉ đãi khách gói gọn trong sân nhà, mươi bàn là đã quá tươm tất. Gia đình tự nấu, tự dọn, tự biên tự diễn. Áo dài cưới của chị Hai tôi được cắt sửa lại từ một cái áo dài màu hồng sen còn khá mới của má. Tôi cũng vậy, thiệp cưới mua loại in sẵn ngoài hiệu sách về gò lưng viết tay, cỗ bàn má nấu, sát giờ nhà trai tới mới đi rửa mặt chùi lọ nghẹ. Hồi ấy đón dâu bằng xe lam 3 bánh chạy bình bịch thả khói đen sì đã là sang chảnh. Chưa một lần trang điểm mà cô dâu 20 tuổi dám tự mua phấn nụ chì kẻ son môi về tự xử, chụp xong cái hình, uống xong miếng nước là còn trơ cái mặt mộc tự tin tiếp khách kiêm chạy bàn. Khách tham dự toàn lễ mễ quà, nhớ cái thau nhựa màu đỏ mừng cưới nhất bởi ngay đêm đó được khui gấp ra cho chú rể… nôn vì say. Nhưng chắc đám cưới ngày ấy vui thật, bởi gần như là sự kiện hot của khu phố, bên trong tổ chức thì bên ngoài người lớn, con nít cũng bu tới coi, thấy ai hát hò làm trò đều vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. MC bao giờ cũng là người trong họ, thêm cây đàn guitar thành ra tưng bừng ngay.
Giờ thì mỗi lần đi đám cưới ở các nhà hàng ba bốn năm sao về lại tự hỏi, sao lại giống nhau đến vậy. Giống từ chuyện trễ giờ tiệc, khai tiệc, ăn tiệc giống đi. Nhìn mặt quan khách thấy ai cũng cố che giấu sự nhạt nhẽo và cam chịu, còn cô dâu chú rể và tứ thân phụ mẫu thì chất chứa đầy nỗi niềm. Lại ước mơ một ngày nào đó sẽ chủ động thay đổi, sẽ làm thế này, thế kia.
Rồi thời tới thế không tới. Trở thành người trong cuộc, chạy vạy cho con cái với bao nhiêu lo toan bời bời chất chồng, công sức tiền của đi vay đi mượn. Gánh nặng trút từ vai này sang vai kia. Sức đâu mà đổi thay, lại thôi kệ, lại giao phó cho cái gọi là dịch vụ, nghĩ mình còn thấy chán mình. Rồi đến khi mình cầm cái thiệp của người ta, lại nghĩ đến hồi người ta nhận thiệp của mình mà thương qua thương lại làm sao… Mới biết, chống cự lại cái nếp quen thuộc đã ăn sâu khó đến dường nào.
Hay bây giờ rảnh rỗi bắt đôi tình nhân 80 tuổi làm đám cưới đi, chắc không đụng hàng, vui chất ngất luôn. Chừng đó chắc phải định nghĩa soái ca và nàng thơ lại…
ÁI DUY