Cơn mưa bắt đầu từ lúc xong bữa cơm trưa. Con gái dọn bàn, mang chén bát bỏ hết vào trong bồn. Ông nói lên nghỉ đi, để đó bố rửa. Thanh toán xong bồn rửa chén và lau sạch bóng cái bếp, ông kéo ghế dựa ngồi ngó ra cửa. Đây là cửa sau nhà, nhìn xuống khu vườn của hàng xóm.
Cơn mưa bắt đầu từ lúc xong bữa cơm trưa. Con gái dọn bàn, mang chén bát bỏ hết vào trong bồn. Ông nói lên nghỉ đi, để đó bố rửa. Thanh toán xong bồn rửa chén và lau sạch bóng cái bếp, ông kéo ghế dựa ngồi ngó ra cửa. Đây là cửa sau nhà, nhìn xuống khu vườn của hàng xóm. Mưa lâm râm thong thả, gió nhẹ nhàng mơn man đám hoa hồng. Trên bãi cỏ sót vài con chim sẻ lơ láo. Rồi mưa vội hơn, nặng hạt. Bụi mưa lấm tấm nhảy vào chỗ ông đang ngồi nhưng ông không muốn đứng lên đóng cửa và như thường lệ là giấc ngủ trưa. Ông quay nhìn đồng hồ. Ba tiếng nữa ông có một cái hẹn, đã định hồi tháng trước. Từ nhà ông đến chỗ hẹn phải đến hai mươi cây số. Mưa thế này, đi hay không đi không phải là câu hỏi đặt ra với một người nghiêm túc như ông, để vướng vào cái tâm lý chần chừ, e ngại.
Từ khi nghỉ hưu hai năm trước, ông ít ra đường, và khi con gái bảo vệ xong luận án tốt nghiệp thì ông thấy chẳng còn lý do để ra khỏi nhà nữa. Hơn hai mươi năm ngoài đường mỗi ngày, đồng hành trường lớp với các con, quá đủ để ông không còn phải bận tâm về những chuyện phố xá. Thật ra, ông không “úm” con đến mức vậy nếu không có một lần con gái bị thằng say rượu kéo lết đi cả chục mét khi cô dừng xe đợi đèn đỏ, vào năm thứ ba đại học. Từ đó, chiếc xe máy của cô phủ bụi và hai cha con lại tiếp tục cùng nhau, chuyện trò vui vẻ như ngày xưa trải dài từ mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp. Quen việc đưa đón con cái nên mưa, nắng, khuya, sớm với ông không thành vấn đề mà ngược lại, ông yêu mưa, thích nắng, yêu đường phố và thích cái dòng xe cộ xuôi ngược ồn ào, để chẳng bao giờ phải bận tâm về thời gian chờ con trước cổng trường, đó là lúc ông được quan sát, ngẫm ngợi. Từ rất lâu rồi, ông nhìn đời qua kính lọc, con người sống ở đâu, tại sao phải sống nơi đó, làm gì, khi nào, sống với ai… ý nghĩa cuộc đời quan trọng là sống thế nào để hạnh phúc. Ông quý trọng việc lo lắng cho con cái, ngược với vợ ông, bà luôn cảm thấy thoải mái trong công việc của bà ngoài xã hội. Không hẳn ông hài lòng về một gia đình êm ấm, nhà cửa khang trang, công việc ổn định cho đến ngày nghỉ hưu; theo ông, đó chỉ là điều kiện cần nhưng thiếu điều kiện đủ cho một bài toán có đáp số đẹp. Mà, đời làm gì có bài toán giải ra đáp số hoàn hảo?
Lan man những ý nghĩ như thế, ông thiu thiu lúc nào không hay cho đến khi con gái từ trên lầu xuống, lay ông: “Bố có cuộc hẹn với người bạn cũ ở quê vô, phải không? Mấy giờ, sao bố chưa đi?”. Ông nhìn ra bên ngoài, mưa ầm ào, mù mịt. Ông nói với con gái: “Nửa tiếng nữa, bố đi”. “Bố có ăn cơm chiều không?”. “Chưa gặp làm sao bố biết. Con cứ nấu đi, bố không về kịp thì cất thức ăn vào tủ lạnh mai hâm lại”.
Và, ông rời khỏi nhà trong cơn mưa xối xả, tối trời. Mưa quất vào mặt ông ran rát suốt quãng đường hai mươi cây số như thế cho đến khi ông gặp bà, một người bạn cùng lớp thời ở trường sư phạm, sau đúng bốn mươi năm xa cách.
Lúc bà hồn nhiên ôm chầm lấy ông vui mừng, òa vỡ thì ông có chút ngượng nghịu, nhưng thoáng qua nhanh. Ông hơi sững sờ khi thấy bà chẳng khác gì hồi ấy, một nét đẹp vĩnh cửu, ngoài sức tưởng tượng của ông, từ gương mặt đến dáng hình. Say đắm, cương nghị, đảm đang.
Mưa ngớt dần rồi lất phất bụi mỏng. Bà ngồi lên xe, vòng tay ôm lấy bụng ông, tự nhiên theo một phản xạ của thói quen ngồi sau xe máy trong tư thế an toàn, thế nhưng ông lại cảm giác khác lạ như có chút gì đó trìu mến, yêu thương. Giọng bà thật sát, gần gũi:
“Em nhận ra anh ngay…”.
Trời lại ào mưa, lần này thật to, hứa hẹn dai dẳng. Ông vội quay xe vào một quán cà phê và họ ngồi ở đó trong cơn mưa chiều lạnh lùng, giằng co, sấm chớp nhưng ấm áp, nhẹ nhàng.
Bà kể ông nghe quãng thời gian ông rời quê vào thành phố. Năm sau bà lập gia đình. Ông quay ngược đồng hồ, lúc đó ông vẫn còn long đong lận đận, tương lai tối mù, nhìn đâu cũng thấy ngõ cụt, mười năm sau nữa ông mới gặp vợ ông bây giờ. Bà không khẳng định có hạnh phúc với người chồng là bạn học thời cấp ba hay không, nhưng ông ấy đã mất rồi nên bà thấy không cần phải kể lại chi tiết cuộc sống hôn nhân. 15 năm nay, một tay bà lo toan ba đứa con học xong đại học, dựng vợ, gả chồng và bà đang có hai cháu nội, ngoại để chăm. Bà thấy cuộc sống như thế là ổn. Giải trí duy nhất của bà là phim Hàn Quốc và bà không mong gì hơn.
Ông hỏi bà có nghĩ đến việc tìm một người nào đó nương tựa cuối đời? Bà nói, bây giờ mọi thứ yên lành, bà già rồi, nghĩ chi đến điều quá khó ấy, rắc rối lắm!
Họ nói với nhau nhiều chuyện, ông ôn kỷ niệm nào bà đều kể lại vanh vách, không sót một chi tiết. Năm đó, một trong những lý do ông ra đi vì mối tình tuyệt vọng, bế tắc với một người, nếm đủ cả thương yêu, thù hận… Bà nói: “Lần em đến nhà anh, thấy anh tóc tai bù xù, râu không cạo, thất thần, suy sụp, tiều tụy, em ứa nước mắt!”
Mưa chiều đỏng đảnh, lúc ầm ào, khi lay phay kéo dài đến tối. Ông chở bà đi ăn rồi họ chia tay.
Lúc đưa trả lại ông chiếc mũ bảo hiểm, bà nắm chặt tay ông, giọng mềm, nhẹ, chân tình:
- Ngày ấy anh để em đứa con thì em đã không đi lấy chồng.
. Truyện ngắn Đào Thị Thanh Tuyền