Sáng nào chị cũng đi tắm biển từ rất sớm. Tại đây, chị gặp mấy chị cùng lứa tuổi, cùng sở thích tắm biển vào sáng sớm, thế là quen nhau…
Sáng nào chị cũng đi tắm biển từ rất sớm. Tại đây, chị gặp mấy chị cùng lứa tuổi, cùng sở thích tắm biển vào sáng sớm, thế là quen nhau…
Dưới làn nước trong vắt của buổi mai, cả nhóm vừa bơi vừa nói đủ thứ chuyện. Chẳng hạn như: dạo này không biết ăn gì vì cá ngộ độc, thịt tẩm hóa chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu… Đôi khi, các chị quay sang bàn tán về mấy bộ phim đang chiếu trên ti vi như: Mẹ kế, Cô dâu 8 tuổi…
Hôm nay, do chị D. vắng mặt vì phải vào TP. Hồ Chí Minh lo đám cưới cho con trai, cả nhóm chuyển sang chủ đề con cái. Bà A. khoe: “Cũng giống con chị D., con trai mình đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, lương khởi điểm hơn chục triệu”. Chị B. nói : “Con gái mình là nhân viên một công ty nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh. Lương hơn ngàn đô la! Đó là chưa kể tiền ăn trưa, tiền điện thoại, xăng xe…”. Ánh mắt chị C. rạng rỡ: “Con gái mình được học bổng cao học tại Úc rồi lấy chồng, ở lại bên đó luôn”. Mọi người chúc mừng, khen chị C. có con giỏi giang. Xong, mọi người quay sang chị: “Thế còn chị? Con học ở đâu? Có việc làm chưa? Khá không?”.
Chị chợt động lòng. Hai đứa con của chị, một trai một gái đều là học sinh giỏi, học tại 2 trường đại học hàng đầu ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng sau khi tốt nghiệp, cả hai đều về Nha Trang với mẹ, nhận công tác ở cơ quan tỉnh, thu nhập hàng tháng của tụi nó chỉ đủ tiêu xài hết sức dè xẻn… Nghe vậy, chị nào cũng nhao nhao trách: “Lỗi tại chị, bắt mấy đứa về làm chi cho khổ vậy?”. Chị lắc đầu: “Tụi nó tự quyết định!”.
Không biết có phải muốn an ủi chị, giọng chị A. chợt trầm ngâm: “Bất đắc dĩ lắm mấy đứa mới ở lại TP. Hồ Chí Minh. Ăn cơm bụi, ở nhà thuê, tốn kém lắm. Thành ra, quay đi quay lại, chưa hết tháng đã hết tiền”. Bà B. gật đầu phụ họa: “Thuyền lớn thì sóng lớn! Thu nhập của con mình tính bằng đô la thì nó tiêu xài cũng theo đô la. Quần áo, giày dép hàng hiệu mua bằng đô la. Đám cưới, sinh nhật… bỏ phong bì bằng đô la. Học phí tiếng Anh cũng bằng đô la… Vậy nên, nghe lương cao mà cũng không thấy đâu hết. Với lại, làm cho công ty nước ngoài bận đến nỗi nó đã qua tuổi 30 từ lâu mà vẫn chưa có chồng. Tôi đang lo quá!”. Chị C. thở dài: “Mới đầu, thấy con được đi du học, tui vui lắm, tự hào lắm. Nhưng mà… Mấy năm rồi tui không được gặp con. Nhớ lắm. Không như mấy chị, bất cứ khi nào muốn thì “a lô” gọi chúng về hoặc vào thành phố thăm con”. Chị A., chị B. cùng xua tay, lắc đầu: “Úy! Đâu có! Tụi nó bận túi bụi, làm sao về? Tháng trước, ông xã nhập viện mổ dạ dày mà có đứa nào nghỉ phép chăm cha được ngày nào đâu. Mà mẹ có vào trong đó cũng chưa chắc gặp”. Chị C. ngơ ngác: “Thật sao? Vậy mà tui tưởng…”. Rồi chị C. quay sang chị, cười buồn: “Hóa ra, chỉ có chị là sướng nhất. Giờ mình chỉ muốn được như chị”.
Chị im lặng mỉm cười. Có lẽ chị C. nói đúng. Dù các con chị đã có gia đình riêng, nhưng bất cứ khi nào mẹ cần, chỉ một tin nhắn hay cuộc gọi, chúng đều có mặt. Đặc biệt, Chủ nhật nào, căn nhà nhỏ của chị cũng rộn rã tiếng cười khi đám con cháu tụ tập. Đó là điều mà các chị bạn đều mong muốn nhưng không thể có.
Giao Thủy