Lần này về quê, đi trên Quốc lộ 26, từ trung tâm thị xã Ninh Hòa đến núi Đeo (xã Ninh Xuân), tôi không còn cảm giác xa ngái như ngày xưa. Bởi lẽ, con đường này giờ đông đúc phương tiện tham gia giao thông hơn xưa rất nhiều. Có như thế tôi mới thấy, đời sống của người dân ngày càng tốt lên; ô tô, xe gắn máy xịn chạy đầy đường.
Lần này về quê, đi trên Quốc lộ 26, từ trung tâm thị xã Ninh Hòa đến núi Đeo (xã Ninh Xuân), tôi không còn cảm giác xa ngái như ngày xưa. Bởi lẽ, con đường này giờ đông đúc phương tiện tham gia giao thông hơn xưa rất nhiều. Có như thế tôi mới thấy, đời sống của người dân ngày càng tốt lên; ô tô, xe gắn máy xịn chạy đầy đường.
Ngày trước, xóm Bầu Sen (xã Ninh Phụng) - nơi tôi ở, mặc dù nhà mặt tiền Quốc lộ 26, nhưng thi thoảng mới thấy có một chiếc ô tô tải ầm ì chở hàng chạy qua. Đêm đến, không gian rất tĩnh mịch, nhà nào cũng đóng cửa đi ngủ sớm vì chẳng có phương tiện giải trí nào. Thời đó, phần lớn người dân nơi đây đều nghèo, làm gì có ti vi để xem, điện cũng không có vì nhà đèn chỉ cung cấp điện cho khu vực thị trấn. Xe đạp cũng là phương tiện xa xỉ. Muốn đi “đổi gió”, mấy anh em chúng tôi thường cuốc bộ hơn 3 cây số đến tận trung tâm Ninh Hòa, bởi rất hiếm khi có gánh hát hoặc đội chiếu phim về phục vụ tại xã.
Ba tôi kể, ngày xưa, khu vực nhà chúng tôi heo hút lắm, xung quanh chỉ toàn bụi bờ, lau sậy. Hồi đó, ngoài mấy sào ruộng, gia đình tôi còn làm rẫy ở khu sườn Đông núi Đeo. Vùng rẫy chủ yếu trồng bắp và những loại hoa màu. Cứ mỗi khi đến mưa tiểu mãn, người dân làm rẫy bắt đầu trỉa bắp. Khi bắp trổ cờ, trái bắt đầu có hạt non, những người đàn ông phải luôn túc trực ở rẫy để xua đuổi chim, thú phá hoại. Cứ đến thời gian đi giữ rẫy, ba tôi thường chỉ đem một ít gạo. Do điều kiện đi lại xa xôi, khó khăn nên những người giữ rẫy thường chỉ nấu cơm trong mấy ngày đầu. Phần lớn thời gian còn lại, khi hạt bắp đã tạo bột thì lương thực chính là bắp. Những món được người ở rẫy thay đổi khẩu vị là bắp luộc, bắp nướng, bắp rang hạt tươi rưới nước muối, canh hạt bắp rau đay. Chỉ ngần ấy món nhưng cũng đủ ấm cái dạ dày đợi đến ngày thu hoạch.
Mẹ tôi kể, khi tôi còn nhỏ, mỗi khi lên rẫy, một đầu gánh bà thường chuẩn bị những vật dụng cần thiết như: dầu lửa, muối, mắm, cá khô… cho ba tôi; còn đầu kia là một chiếc thúng bố trí chỗ ngồi an toàn và êm ái cho tôi. Kẽo kẹt quang gánh trên đoạn đường cả chục cây số mới lên đến rẫy. Rồi khi từ rẫy về, tôi cũng được ngồi một đầu gánh, còn đầu kia nào là bắp, đu đủ, bí, đậu xanh, có khi là bó củi… Mỗi lần thu hoạch bắp, mặc dù tư thương đến mua tại rẫy nhưng ba tôi vẫn không quên dành riêng mang về làm quà cho các con mấy quả bắp búa (bắp trái to, được chặt giữ luôn cả cây).
Bây giờ, nơi ấy không còn là rẫy. Nhiều nhà dân đã mọc lên. Tôi được biết, theo dự kiến, khu vực xã Ninh Xuân sẽ được quy hoạch thành trung tâm của một huyện mới khi thị xã Ninh Hòa chia tách. Rồi đây, Ninh Hòa sẽ đổi mới, Ninh Xuân cũng đổi mới. Tôi đã cảm nhận được sự thay đổi đó đang diễn ra từng ngày. Người dân đang trông chờ một ngày gần đây, Quốc lộ 26 sẽ được mở rộng thênh thang. Và như thế, con đường ở quê tôi sẽ càng nhộn nhịp hơn…
ĐẠI HẢI