Lúc tôi ra Hà Nội, tiết tr'ời đã chớm đông nhưng không lạnh. Mấy cô gái trẻ ở cơ quan tíu tít rủ bạn phương Nam đi chụp hình với hoa cúc trắng mà bây giờ mọi người gọi là cúc họa mi đang nở rộ trên triền đê Tứ Liên sông Hồng! Người Hà Nội luôn mê hoa, chơi hoa sành điệu thành phong cách Tràng An.
Lúc tôi ra Hà Nội, tiết tr'ời đã chớm đông nhưng không lạnh. Mấy cô gái trẻ ở cơ quan tíu tít rủ bạn phương Nam đi chụp hình với hoa cúc trắng mà bây giờ mọi người gọi là cúc họa mi đang nở rộ trên triền đê Tứ Liên sông Hồng! Người Hà Nội luôn mê hoa, chơi hoa sành điệu thành phong cách Tràng An.
Ảnh minh họa. |
Không phải bây giờ, mà từ rất lâu người Hà Nội đã chơi hoa, trên những con phố luôn có những người bán hoa dạo. Nếu ngày xưa là gánh nên mới có truyện “Gánh hàng hoa” nổi tiếng của Khái Hưng, thì nay là rổ hoa để lên xe đạp dắt đi, đó chính là nét riêng của Hà Nội. Người bán hoa là các chị, các em đúng chất quê mùa, thật thà, giản dị, sẵn sàng phục vụ những khách hàng khó tính nhất. Đó chính là những lẵng hoa thuần chất quê miền ven đô nơi phố thị. Hà Nội có rất nhiều shop hoa trên phố sang trọng nhưng người chơi hoa thứ thiệt chỉ thích mua hoa từ “gánh”. Một người chị sành chơi hoa nói với tôi rằng, mua hoa của người bán hoa dạo có cảm giác như mới hái từ luống hoa ở bãi đất triền sông, còn thoang thoảng hơi đất phù sa, gió lộng. Còn người nơi xa đến định cư thì mua bông hoa gánh từ người con gái mộc mạc bán sẽ hồi nhớ đến quê hương, cánh đồng và cảm nhận được đôi chân mình đã từng bước đi trên mảnh đất quê nay đã xa.
Mua hoa cần chất mộc mạc, giản dị, thì sử dụng hoa lại cực kỳ cầu kỳ, quý phái. Tuy nhà cửa ở Hà Nội rất chật hẹp, bé nhỏ nhưng người Hà Nội luôn dành những góc không gian đẹp nhất để đặt lọ hoa. Mùa nào hoa đó, khi tu hú sang mùa, nắng hạ tới thì nhất định có những bông sen còn búp hồng. Không phải ngẫu nhiên người Hà Nội ví hoa sen như dáng người thiếu nữ Hà Nội xưa, nhiều danh họa như Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái hết mực vì vẽ sen với thiếu nữ. Heo may mùa thu thì phải có hoa cúc. Cúc có nhiều loại nhưng người Hà Nội thích những loại bé nhỏ, giản dị như tỉ muội, họa mi... hay các loại hoa sao. Mùa đông lạnh giá thì phải hoa hồng, hoa loa kèn. Còn mùa xuân, người Hà Nội xưa đã truyền lại cho hậu thế về chơi hoa thủy tiên, cành đào phai. Không có cành đào ngày xuân thì như không có Tết.
Cùng với những loài hoa truyền thống, người Hà Nội bây giờ chơi rất nhiều hoa: chút hồng bằng lăng, li ti hoa sưa trắng, ngào ngạt hoa sữa hay nhánh ti gôn... tất cả đều được yêu thích. Có cảm giác rằng người Hà Nội yêu quý thiên nhiên và tạo hóa, bất cứ loài hoa nào khoe sắc hay tỏa hương người ta đều đón nhận với tình yêu từ âm thầm tới miên man...
Không có nơi nào mà cứ tới mùa hoa người ta lại rủ nhau ra vườn để ngắm, để chơi và chụp ảnh. Mùa sen nở, những con đường tới Hồ Tây chật ních người, xuân về trong sương giăng giá buốt nhưng thấp thoáng những làn môi thiếu nữ xuýt xoa khen lộc hoa đào. Hay mùa hoa cải vàng, hoa cúc tỉ muội... cũng dập dìu người tới chơi. Bởi thế mới có chuyện nhiều nông dân chỉ trồng hoa để bán vé cho người người tới chụp ảnh vườn mình mà kiếm bộn tiền. Có phải vì sự say mê đó đã lan tới tận miền cao nguyên đá Hà Giang, người ta trồng thứ hoa dại tam giác mạch thành vườn như người nông dân Hà Nội trồng cải cho ra hoa vàng để phục vụ người thích trải nghiệm với thiên nhiên hoang dại?
Hà Nội bây giờ có thể phai nhạt nhiều thứ nhưng chơi hoa thì vẫn mãi là thú chơi rất ấn tượng, bởi đó là tâm hồn của “làng lúa làng hoa”.
Dương Trang Hương