Cách đây mấy chục năm, khi chưa có đường Võ Nguyên Giáp, mỗi lần đi Khánh Vĩnh tôi cảm giác thật xa. Đi viết bài cũng có, đi theo các đoàn từ thiện cũng có; cũng đã từng té xe ở khu kinh tế mới Diên Tân. Lúc đó đường rải đá lục cục rất khó đi, hoặc những con đường đất đầy bụi mấp mô chạy xuyên qua các làng vùng cao vắng lặng. Trụ sở UBND huyện ngày đó, một tòa nhà mới xây vôi ve còn mới. Những con đường ít ỏi mới làm của thị trấn cũng mang tên những người con của núi rừng như đường Pi Năng Xà A, đường Cao Văn Bé…
Và quán Cây Da ở dưới gốc một cây đa lớn cành lá xùm xòa xanh tốt, có thời từng là quán hàng gần như độc nhất ở thị trấn. Huyện tiếp khách đều mời ra quán, cán bộ ở lại ăn trưa cũng ra quán. Các đoàn từ thiện, đoàn công tác cũng dừng lại ăn trưa tại quán. Vậy mà giờ tìm không ra. Lại thấy có tới 2 quán Cây Da nhưng không quán nào còn gợi lại hình bóng cũ. Có lẽ vì thị trấn đã có chợ và nhiều hàng quán khác.
Một góc thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: VĨNH THÀNH |
Nhưng kỷ niệm đầu tiên của tôi với Khánh Vĩnh phải là dốc Ama Meo. Khi chiếc xe U-oát của UBND huyện dừng trên đỉnh dốc cho chúng tôi đứng ngắm trời mây, nhìn xuống dưới thung lũng thấy bạt ngàn “bông lau” tím trắng ngả nghiêng trong gió, tôi hỏi anh cán bộ huyện “bông lau dưới kia tiếng Raglai gọi là bông gì?”. Anh cán bộ ngơ ngác. Bông nào đâu? À, không phải lau, mía đó chị, mía trồng không bán được bà con bỏ cho trổ cờ luôn đấy! Lời đáp như đám mây buồn phủ lên khung cảnh lãng mạn của núi rừng. Tôi vẫn nhớ cảm giác buồn hụt hẫng lúc đó.
Dốc Ama Meo nay đã mở rộng thành con đường đèo rải nhựa láng o và hình như đã được bạt núi cho bớt dốc hơn, nhìn xuống thung lũng không còn thấy thăm thẳm như ngày ấy. Trên đỉnh dốc ung dung một quán cà phê võng. Sang chân dốc bên kia đã có một quán nước sát bên đường. Cái tên Ama Meo có nghĩa cha Meo, người cha có đứa con tên Meo, nhưng người chủ quán có lẽ không hiểu nghĩa của tên dốc nên tấm bảng hiệu treo trên thân cây trước cửa quán ghi thành “A Meo dốc quán”. Dù dốc (có vẻ) không còn cao như ngày xưa nhưng ngồi nghỉ chân trong A Meo dốc quán, nhìn những xe tải chở đầy gỗ keo đã lột vỏ trắng phau ì ạch bò lên vẫn thấy đúng là… dốc.
Đến xã Cầu Bà hỏi thăm già làng năm xưa, già làng mất đã lâu. Những gò đồi mấp mô đã được san bằng phẳng. Một con đường trục chạy xuyên giữa làng và nhà dân san sát hai bên, một mô hình quen thuộc như đã được sắp xếp quy hoạch lại cho quy củ. Vẫn những căn nhà dựng trên nền đất nhưng sân nhà và những con đường đất nhỏ ngang dọc trong làng đều rất mịn màng sạch sẽ. Một nét văn minh riêng của Cầu Bà. Duy có con đường trục giữa làng có lẽ từng được rải nhựa nhưng đã hư hỏng nặng. Tất nhiên không còn thấy những con heo đen dẫn bầy heo con lốc xốc chạy trên đường như ngày nào nữa.
Đến xã Sơn Thái tìm cây cầu treo bắc qua sông Trang nối 2 làng Bố Lang và Giang Biên, mới biết cây cầu treo bằng song mây bước đi nhùng nhằng nhũng nhẵng năm nào nay đã được thay bằng cây cầu bê tông, không lớn lắm nhưng dư sức cho những chiếc xe máy thỉnh thoảng lại phóng qua. Người làng Bố Lang hình như đã dời vào phía trong sâu hơn, cách xa mặt đường. Nói hình như vì cảnh vật đã khác nhiều, tôi không dám chắc. Chỗ làng cũ nay là quán Đá Cuội và những hàng quán khác, cách đó không xa là khu nhà hàng Suối Đá Hòn Giao mà khách lên xuống Đà Lạt theo đường đèo Khánh Lê vẫn dừng chân. Ngày trước, tất cả những căn nhà ở Bố Lang đều ở sát 2 bên đường, đều làm bằng lồ ô dựng trên nền đất. Nay phần nhiều đã có nhà xây hoặc vách gỗ, chỉ còn vài ba căn nhà lồ ô như hiện thân còn lại của quá khứ.
Cầu treo Thác Ngựa bằng sắt. |
Đầu làng Giang Biên (hay Yang Biên?) đã lừng lững một quán bún bò, cháo lòng có “vifi” (wifi - chủ quán viết nhầm). Bún và cháo đều không được ngon nhưng nhiều, lại có cô bé phục vụ xinh xắn. Tuy phát âm tiếng Việt còn ngọng nghịu khó khăn nhưng khi tôi thanh toán xong, chào để đi tiếp cô vẫn biết chúc khách “Đi chơi vui vẻ!” kèm nụ cười thật dễ thương. Còn thương hơn khi có một thanh niên trong làng đi rừng về vào quán mua đá lạnh, cô bé trở nên linh hoạt tự nhiên hẳn. Cả hai ríu ran nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc mình thật thoải mái. Sự kỳ diệu của tiếng mẹ đẻ, bỗng dưng tôi nhận ra và mừng. Muốn hỏi tên cô, sực nhớ người T’rin không có họ. Chỉ có chữ “Cà” trước tên để chỉ giới tính người nữ và chữ “Hà” để chỉ người nam. Với tất cả những đổi thay đó, Sơn Thái vẫn cho cảm giác một xã vùng sâu, vùng xa điểm tận cùng của huyện, điển hình là các con đường trong làng trật trẹo đất đá.
Ngoài thác Yang Bay, Khánh Vĩnh còn có "Ngựa Lồng, Trâu Đụng, Yàng Say/Qua ba thác ấy khoanh tay mà ngồi" (ca dao kháng chiến). Thác Ngựa Lồng nay có lẽ là cầu Thác Ngựa. Thác Trâu Đụng nghe nói cũng đã có cầu Thác Trâu. Bây giờ đang mùa khô, nước sông gần cạn đáy. Phải mùa mưa lũ mới thấy thác dữ thế nào. Bên cạnh đường tràn mới vẫn còn vết tích những tảng bê tông và rọ sắt đựng đá hộc của đường cũ bị lũ cuốn chưa trôi xa. Còn trên cao kia là cây cầu treo bằng sắt.
Dọc đường nhìn các địa danh thôn Suối Sâu, cầu Cà Hon… nghe thương làm sao, thương như núi rừng.
Đang ở Khánh Vĩnh mà nhớ Khánh Vĩnh. Nhớ thôi, không hẳn tiếc.
VÂN HẠ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin