Ngôi trường nằm cách TP. Nha Trang khoảng 20 cây số, nằm sát Quốc lộ 1. Trường chỉ có 2 dãy nhà lợp ngói đỏ nằm trong một cái sân rộng trải sỏi, thấp hơn mặt đường nên con đường vào trường là một con dốc nhỏ mà mỗi khi đi xe đạp đến trường các thầy cô giáo trẻ thường thả cho xe tự do chạy xuống dốc, đến sát mái hiên mới dừng lại. Dãy nhà dài chính giữa của trường gồm 6 phòng dùng làm phòng học, còn dãy nhà ngắn hơn phía chiều rộng của sân thì dùng làm văn phòng hành chính, có dành 3 phòng làm nơi nội trú cho các thầy cô giáo ở các nơi đến công tác. Lúc đến trường lần đầu tiên, mọi người được giới thiệu phía sau trường là một cánh rừng ngập mặn và xa chút nữa là biển. Đó là Trường Phổ thông cơ sở Ninh Ích, nay là Trường Tiểu học số 2 Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa).
Ngày khai giảng đầu tiên của Trường Phổ thông cơ sở Ninh Ích, năm 1977. |
Ngoại trừ thầy hiệu trưởng đến từ một tỉnh phía bắc, các thầy cô giáo đều là người Nha Trang, đầu tuần ra dạy học, cuối tuần mới về nhà. 2 căn phòng dành cho các cô giáo trẻ thường nhộn nhịp hơn vì ngoài giờ lên lớp, các cô có nhiều việc để làm hơn các thầy. Trường không có cấp dưỡng nên các cô đảm trách việc nấu cơm. Lúc đó nơi này cũng có một cái chợ nhưng các cô chẳng biết mua bán gì. Cứ đầu tuần mọi người từ nhà ra trường đều có mang theo chút thịt cá gì đó nên những bữa cơm đầu tuần nhìn cũng tươm tất. Nấu nồi cơm và luộc thêm món rau là thành bữa ăn tương đối giống cơm nhà mình. Đến giữa tuần, những bữa cơm chỉ còn bầu, mướp mua của người dân đi ngang trường, đem luộc rồi chấm với tương chao. Gần cuối tuần, bữa cơm chỉ để ăn có lệ vì ai cũng nôn về nhà nên nấu cơm xong, ra mấy vồng khoai lang sau vườn trường ngắt mớ đọt lang vào luộc rồi chấm mắm cũng xong. Ở cái bồn hoa nhỏ phía trước cửa phòng mấy cô không biết từ khi nào đã thấy 2 cây ớt hiểm rất sai trái. 2 cây ớt mặc nhiên mà lớn, mà ra trái cho các cô có thêm gia vị trong những bữa cơm giữa sân trường heo hút dù chỉ cách thành phố nhộn nhịp 20 cây số.
... và Trường Ninh Ích bây giờ. |
Ngôi trường nhỏ xíu vậy mà có nhiều chuyện để nhớ, nhớ nhất là chẳng nghe ai cãi nhau với ai, mà hình như thương nhau hơn. Hình như lúc đó tất cả đều thấy cùng chung nỗi niềm khi đáng lẽ phải được vui vẻ ở phố đèn hoa rực rỡ thì các thầy cô giáo của trường phải làm việc dưới những ngọn đèn dầu chỉ vừa sáng như đom đóm, đủ soi sáng trang giáo án nhỏ. Ngày trôi qua theo những tiếng còi tàu mỗi đêm sầm sập chạy ngang trường. Có một đêm, một cô giáo nổi cơn sốt rét, cơn bệnh có từ mùa lao động hè năm trước. Cả sân trường náo động, người nhóm lửa sưởi ấm cho cô, người chạy vào xóm tìm thầy thuốc. Không có trạm xá, không có thầy thuốc chuyên môn, đêm ấy trôi qua rất dài, nhờ trời cơn sốt rét cũng lui sau một đêm các thầy cô giáo trẻ thức trắng để chăm sóc bạn và sáng hôm sau lên lớp bình thường như không có gì.
Tuổi trẻ thật hồn nhiên nên những ngày tháng của chúng tôi ở ngôi trường đó trôi qua cũng êm đềm. Những buổi chiều các thầy giáo đạp xe chở các cô giáo vào ngôi trường ở sâu trong xóm xa để dạy các lớp học bổ túc văn hóa, rồi ở lại đợi để đón bạn về. Những đêm công tác như những buổi dạo phố vui vẻ, con đường quốc lộ không thấy dài mà trở nên ngắn hơn để nối dài bước chân cho những người trẻ. Những buổi chạng vạng sau bữa cơm chiều bạn bè rủ nhau mang đàn ra ngồi ở trụ cờ giữa sân trường cùng nhau đàn hát, chuyện trò. Đi tiếp con đường sẽ đến con đèo Rọ Tượng nhưng nhìn ngược lại sẽ là đường về phố, khoảng cách không xa mà cũng không gần, đủ giữ chân các thầy cô ở lại với học trò.
Nhưng con đường sẽ thật sự xa nếu có ngày một cơn bão đi qua, ngôi trường nằm giữa thung lũng, một bên là núi và một bên là biển sẽ hứng trọn những cơn gió dữ dội, thổi lồng lộng. Học trò nghỉ học, những phòng học đóng kín cửa tránh bão, căn bếp trống trơn mưa tạt ướt mèm không thể nổi lửa nấu cơm, thầy cô buồn hiu, đội mưa ra đường đón xe về phố. Những chiếc xe đò đầy ắp người không dừng lại, cứ đưa tay xin quá giang bất cứ chiếc xe nào. Rồi cũng có xe ngừng lại vì người ta cũng biết đứng ở đoạn đường đó chỉ có các thầy cô giáo đón xe để về nhà. Những ngày ấy rất vui và thấy thương ngôi trường nhỏ của mình quá đỗi.
Sau năm 1983, chương trình địa phương hóa giáo viên các trường học ở Ninh Hòa được thực hiện thì các bạn giáo viên ở Nha Trang được điều về quê nhà nếu có nhu cầu. Thật ra thì ngoài những cô giáo đã xây dựng gia đình vui vẻ ở lại làm dâu, còn hầu hết đều mong muốn trở lại gần gia đình để làm việc. Từ đó mô hình tập thể nho nhỏ ở các trường huyện cũng không còn, nhưng những ai đã trải qua những ngày đi dạy học xa nhà trong thời điểm đó đều không bao giờ quên những kỷ niệm trong thời mình mới ngoài 20 tuổi.
Nhiều năm tháng đã đi qua, các thầy cô giáo ngày ấy, trẻ nhất cũng đã chạm vào cột mốc xưa nay hiếm. Mỗi khi gặp nhau, ai cũng hăng hái nhắc lại chuyện cũ mà cười vui vẻ, có người còn tiếc vì mình chưa lần nào ra tới cánh rừng ngập mặn phía sau trường, chưa ăn được con cua nào nằm dưới chân mấy cây đước. Ngôi trường nhỏ ngày xưa cũng không thay đổi nhiều, mỗi khi có dịp đi ngang trường cũ thì cố gắng nhìn lại nơi chốn kỷ niệm xưa. Cái hàng rào kẽm gai đã được thay thế bằng một bức tường xi măng sơn vàng vững chãi che khuất tầm mắt người đi đường. Nếu dừng lại trước cổng sẽ nhìn thấy mặt sân cũ đã được nâng cao nên nhìn sân cũng nhỏ bé hơn xưa. Trong sân có mấy cây bàng cao mà hồi đó không có nhưng chắc cũng được trồng đã lâu nên cây cao lớn, cành rậm rạp, mùa lá rụng sẽ thấy sân trường đầy lá bàng rơi.
Thời gian như nước chảy qua cầu, học trò của trường cũng đã lớn và đã vài thế hệ tiếp nối. Vậy nên có ai về thăm lại trường xưa cũng chỉ vì yêu chứ không có gì tiếc nuối vì mình đã một thời biết sống cống hiến cho đời rất đẹp.
LƯU CẨM VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin