00:14, 14/09/2024

Những mùa gặt đi qua…

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Tháng Chín đến, ấy cũng là khi mùa gặt vụ lúa hè thu ở quê tôi bắt đầu. Dưới bầu trời cao xanh vời vợi với những đụn mây tựa như những đám bông trắng khổng lồ nhởn nhơ trôi, cả cánh đồng rộng qua thời kỳ làm đòng, căng sữa, giờ đã phủ kín màu một vàng bởi bao bông lúa chín, uốn cong, trĩu hạt. Lúa nối nhau thành biển, lao xao từng đợt trong gió, mới nghe tưởng chừng như tiếng sóng. Vào những ngày này, khắp các xóm, nhà nào cũng rộn ràng lo chuyện gặt hái, vì thời tiết sắp vào mùa mưa lụt, không thu hoạch kịp nước sẽ ngập. Nước ngập, có nghĩa là lúa sẽ bị thối, lên mộng, coi như cái đói cận kề. “Một hạt trong nhà bằng ba hạt ngoài đồng”, chính vì thế, ở một số thửa ruộng, có đôi gié lúa chưa đến độ chín người ta cũng thu hoạch. Đâu chỉ có vụ hè thu, cả vụ đông xuân cũng vậy. Khi lúa đến độ chín, tất cả phải tập trung cho việc gặt hái, vì tuy không bị lụt, nhưng dưới nắng, lúa bị dễ rụng.

Ảnh: Công Định

Thời xưa, chưa có máy gặt đập liên hợp như bây giờ, vì vậy, vào ngày mùa, ở quê tôi nhà nhà đều dựa vào sức người. Ngoài liềm, người ta còn mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ như: Quang gánh, đòn xóc, dây lạt, dây thừng để buộc… Đối với người nông dân, cuộc sống dựa vào mảnh vườn, thửa ruộng nên không có gì vui sướng hơn khi lúa được mùa. Ở khắp cánh đồng, tuy phải làm việc vất vả nhưng nơi nào cũng râm ran tiếng cười, nói. Chỗ này người ta khen giống lúa được hạt, chỗ kia bàn chọn giống cho mùa sau. Trên những con đường nhỏ dẫn về làng, nhiều đoạn gập ghềnh, lồi lõm vết chân trâu, người gánh lúa phải lần dò bước thấp, bước cao trong khi đôi vai hằn đau bởi các vết chai sần, nhưng ai nấy cũng hớn hở, gặp nhau đều đon đả, cười vui.

Không chỉ bận rộn ngoài đồng mà còn bận cả ở nhà. Nhiều gia đình, lúa cắt về, có nơi dựng bồ để đập, có nơi chất thành đống rồi cho trâu đạp lên. Chưa kể còn những công đoạn cần làm tiếp theo như: Giê lúa, phơi lúa, phơi rơm, phơi rạ.

 

Với bọn nhỏ chúng tôi, đến vụ mùa, nhiều đứa phải giúp cha mẹ cắt lúa hoặc làm những việc nhẹ như trải rơm rạ ra phơi, đảo lúa cho khô…, nhưng đa phần còn lại có thể gọi là mùa vui. Ở những đám ruộng vừa gặt xong, trong khi thả trâu ăn, chúng tôi nhặt rơm, xếp lại trên những cành cây khô để làm nhà, hay chơi trò đuổi nhau, đánh trận; chơi chán, có khi dùng rơm quấn lại thành những con cúi, đốt lên, tạo khói, un vào mấy hang ếch cho chúng nhảy ra để bắt lấy mang về nhà làm thịt nấu cháo. Còn trên những mảnh ruộng gặt chưa  hết, châu chấu thường tụ lại rất đông, con nào cũng mập tròn, chúng tôi tha hồ vây bắt rồi đốt rơm lên nướng. Đây là món ăn rất ngon, vì những chú châu chấu mập bóng cả thân, khi nướng lên không chỉ chảy mỡ béo ngậy mà còn tỏa ra mùi thơm thơm rất thích, nhất là khi mùi thơm ấy hòa lẫn với mùi ngai ngái của rơm cháy lan ra trong gió. Chưa hết, đôi khi trên những đám ruộng mới cắt lúa, bắt gặp mấy chú chim cuốc nhỏ lạc mẹ đi lang thang, chúng tôi thường mang về nhà, nuôi cho chim lớn hơn rồi thả chúng vào những bờ tre…

Có hình ảnh khó quên trong mùa gặt đó là rơm rạ. Rơm rơi vãi trên bờ ruộng, trên những lối đi. Rơm trải đầy trên những mảnh đất trống trong vườn. Cũng như nhiều nhà khác, sau mùa gặt, nếu vào vụ hè thu, cha tôi thường chọn một số rơm rạ tốt phơi riêng, để dành đánh tranh lợp chuồng heo, chuồng trâu. Số còn lại cũng phơi thật khô, chất thành ụ cao, nện cho chặt lại, giống như một cái nấm khổng lồ, để dành, rút dần cho trâu, bò ăn trong những ngày mùa đông mưa bão.

 

Mùa gặt là mùa vất vả, dù là đông xuân hay hè thu, song với người dân quê đó là mùa hạnh phúc. Không có gì vui bằng được tận hưởng thành quả của mình sau những tháng ngày dày công chăm sóc, nhất là khi lúa đã phơi khô xong xuôi, cất vào nhà. Trong làng, gia đình nào đó dù nghèo đến mấy, bình thường nhiều bữa phải độn thêm khoai, thêm sắn, giờ đây ít ra cũng được ăn vài ngày cơm trắng. Những nồi cơm lúa mới bao giờ cũng dẻo thơm, ăn với thứ gì cũng thấy ngon miệng. Chưa kể, có gạo mới, ai cũng muốn thưởng cho mình, nhà này xay bột đổ bánh xèo, bánh bèo, nhà kia làm bánh đúc. Đến cả đám gia súc như con gà, con vịt, con ngỗng… vào những ngày mùa trông cũng mập mạp hơn, đi lại trong sân ngó bộ thư thái, ung dung hơn những ngày trước đó…

Ở quê tôi có tục cúng cơm mới. Thường thì khi lúa ngoài đồng đã thu hoạch xong, mang về nhà phơi khô đâu vào đó, người ta liền sửa soạn một mâm cơm để cúng ông bà. Cúng xong, nhà này mời nhà kia. Tuy không lớn như ngày giỗ hay ngày Tết, chỉ một bữa cơm, có khi dung dị, đơn sơ, nhưng lễ cúng cơm mới luôn trang nghiêm, được tổ chức thành tâm, thể hiện sự tri ân đối với tổ tiên, đồng thời qua đó người dân quê muốn tạo thành sợi dây nối chặt thêm nghĩa xóm, tình làng.

Nhiều người Việt lớn lên, mang trong mình hình ảnh một cánh đồng quê với bao sắc màu của những mùa gặt đi qua. Hình ảnh ấy cũng đã trở thành những vùng ký ức lung linh trong nhiều tác phẩm thi ca. Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý từng có một bài thơ rất hay mang tựa đề “Về hoàng hôn mùa gặt”, trong đó có đoạn nói lên tâm trạng sâu lắng của mình: “Bỏ lại sau lưng những đèn xanh đỏ/những nhà sáng loáng kiêu sa/những bụi bặm ồn ào phố xá/những chen chúc cuồn cuộn dòng đời/Ta trở về hoàng hôn mùa gặt/nơi chân rạ thơm mùi ký ức/mặt trời quê lặn vào hạt thóc/chín giấc mơ trên ngực cánh đồng/Cuối ngày, tắm gió mênh mông/sương bùn thấm lòng chân rười rượi/lặng im nghe mùa gọi/lặng im nghe chiều đi…”. Còn đây là một đoạn trong bài thơ “Mùa gặt” của nhà thơ Hồ Bắc: “Lúa phơi vàng hạt đồng trên/Vàng qua đồng dưới, lại lên giữa làng/Thôn nghèo vui cảnh mùa sang/Trong ngoài tiếng gọi, rộn ràng nhịp chân/Mùi hương dạ mới thơm ngần/Thơm từ khói bếp, thơm vần ngõ xa”…

HOÀNG NHẬT TUYÊN