23:18, 20/09/2024

Nghe chuyện Bến Cá ngày xưa 

VÂN HẠ

Vào khoảng những năm 50 trở về trước, những người làm nghề lưới đăng ở thôn Phường Củi xưa (thuộc phường Phương Sài, TP. Nha Trang) còn đi biển bằng thuyền buồm chèo tay. Thời đó, những người đi biển chưa biết tới mỏ neo sắt, chỉ có mỏ neo gỗ. Người ta đẽo neo bằng gỗ rồi cột thêm một cục đá. Neo gỗ cũng có chân mỏ để cắm xuống cát. Gỗ ngâm nước mặn vậy mà chắc lắm. Gió bão có khi làm đứt dây mà vẫn không nhổ được neo lên. Một ghe lưới đăng đi biển phải dùng cỡ hơn 30 cái mỏ neo gỗ để vừa giữ ghe vừa giữ lưới, không chỉ dùng một cái mỏ neo sắt như ghe đò bây giờ. Vậy mới có những người chuyên đi núi chặt những loại cây gỗ cứng về đẽo neo bán cho các ghe lưới đăng đặt họ làm.

Đường Bến Cá.
Đường Bến Cá.

“Trang bị” cho thuyền cũng đơn sơ lắm. Dây neo dây buồm thì bện bằng dây mây rừng hay xơ dừa. Chì là những cục đá. Phao lưới làm bằng các ống tre ghép lại. Giàn lưới đan bằng sợi cây xác mấu tước ra se lại thành nhợ, nặng cả tấn. Buồm thuyền đan bằng lá buông rừng. Lá buông lấy trên rừng về người ta phơi khô cho trắng, đan thành những tấm dài cuộn lại thành cuộn như cót ép nhưng mềm dai hơn. Các chủ ghe thường mua cả cuộn về, lấy chỉ xơ dừa may lại thành lá buồm. Buồm lá buông trắng mà nhẹ. Khi nào buồm ải rách lại thay mới. Thuyền buồm cũng có loại lớn, loại nhỏ. Thuyền tẹc là thuyền buồm loại lớn đóng bằng gỗ tốt chuyên chở đá san hô lấy từ biển về bỏ cho các lò nung vôi, cũng có khi để chở bò, tới vài chục con. Còn thuyền buồm nhỏ có thể bỏ lên luôn thuyền tẹc mang theo.

Một góc Bến Cá ngày nay.
Một góc Bến Cá ngày nay.

Người chủ sở đầm phải theo ghe ở trên biển nhiều ngày, chỉ chủ chèo cầm lái với coi ngó hướng dẫn bạn làm, chớ không trực tiếp làm. Bạn là người làm công. Đi biển làm thuê kêu là đi bạn. Chủ sở kêu là thợ. Ăn chia theo “tứ lục”, bạn bốn thợ sáu (tức bạn 4 phần, chủ 6 phần). Nhưng mọi chi phí sắm sửa xuồng ghe, mua lưới mua neo, thay buồm, tiền đấu thầu, tiền đóng thuế chủ phải chịu hết. 2 ghe chính đóng bằng gỗ tốt, mỗi ghe có giá vài ba chục cây vàng. Còn lưới, neo, dây neo dây buồm phải sắm tới cả trăm cây vàng. Dưới chủ sở đầm còn những người kêu là chèo dọc, tức người coi nghề, mỗi ghe một ông. Ông chèo dọc thường lặn xuống thăm lưới, nếu thấy cá vô rồi thì kêu đóng cửa lưới đăng rồi thả lưới rút kéo cá lên.

Nghề lưới đăng chỉ làm được ở những chân đảo có nhiều ghềnh, dựa vô chân đảo để đăng lưới đón cá vô. Hồi đó thường lấy tên các đảo làm tên sở đầm. Đầm đăng là vùng biển quanh chân đảo. Muốn đăng lưới ở sở đầm (đảo) nào phải đấu thầu. Thầu được đầm đảo nào sẽ được toàn quyền đăng lưới ở đầm đó trong 3 năm. Hết 3 năm thầu lại. Chủ một sở đầm được kêu là nghiệp chủ hay chủ nghề, nhưng không có tên sở riêng. Ví dụ khi người đó đấu thầu được đầm Hòn Mun thì kêu là chủ Sở Mun. 3 năm sau thầu lại trúng đầm Hòn Nọc lại kêu là chủ Sở Nọc…

Xóm Quéo xưa và... nay.
Xóm Quéo nay là một tổ dân phố của khu phố Cận Sơn.

Với lá buồm thô sơ như vậy, khi ngược gió hay không có gió phải chèo tay nên khi có bão các thuyền thường không kịp chạy về bờ. Người ta sẽ cho thuyền chạy vào những chân đảo khuất gió không có sóng lớn như Bích Đầm, Đầm Bấy để núp gió tránh bão. Neo thuyền dưới vũng đầm xong, người có thể lên núi đảo ở nhiều ngày chờ tới khi bão qua.

Làm biển cũng tùy trời, có năm biển no có năm biển đói, khi được mùa khi mất mùa. Nhưng lúc kia bù lúc nọ thì lưới đăng hồi đó vẫn no lắm. Cứ mùng bốn Tết hàng năm, các sở đầm lại làm lễ cúng xuất quân, người đổ ra bến coi đông. Lễ cúng làm trong cái đình thờ ông Nam Hải gần bờ sông, trong có đặt sẵn một cái trống. Cúng xong, cả thợ cả bạn cùng xuống ghe. Các nghiệp chủ mặc áo dài đội khăn đóng đứng trước đốt pháo, xong hô to rồi cầm chèo. Mấy chục người trên ghe cũng vừa hô theo vừa đồng loạt chèo. Lần lượt hết ghe này tiếp sau ghe kia. Ghe của những sở lớn đi trước. Hồi đó Bến Cá mát mẻ xanh um, nước sâu, trong lắm.

Đi theo ghe lưới đăng còn có 2 chiếc ghe nhỏ. Một chiếc là xuồng sai để chỉnh sửa neo lưới, đi ra đi vô, về mua rượu, mua thuốc hút, chở đồ ăn, chở nước tắm ra. Một chiếc nữa là ghe phiên chuyên chở cá về hàng ngày. Nghiệp chủ ở lại ngoài đầm đăng, cho ghe phiên chở cá về. Một lần ghe phiên về bến sẽ có một người trên ghe chạy lên đình đánh trống hiệu cho người nhà chủ với các rổi (người mua cá) biết. Cứ nghe trống mấy hồi mấy tiếng là biết ghe của sở nào về. Những người dưới ghe phiên thường xách 2 tay 2 con cá thu hay cá bò chạy lên, có con cá cờ lớn phải xỏ đòn 2 người rinh. Cá chù, cá ồ nhỏ đựng trong những giỏ cần xế. Người ta cân và ghi lại số cá sở đó về chuyến đó bao nhiêu, đưa phiếu cho người nhà chủ sở nắm. Sau đó, ghe phiên nhân tiện chở gạo, rau, thức ăn ra. Chiều tối, nếu có cá sẽ vô thêm một chuyến phụ. Các rổi thường mổ cá tại chỗ, cắt thịt cá thành từng khúc, từng tảng bỏ lên xe ngựa mang đi các nơi bán, kêu là cá xe…

Khoảng tháng 8 âm lịch hàng năm bắt đầu mùa biển động, lưới đăng nghỉ, qua Tết mới bắt đầu đi biển lại. Mấy tháng này, trên Bến Cá lúc nào cũng đông người, bề bộn những đống lưới. Ngày nắng, người ta giặt phơi lưới, vá lưới, sơn xảm thuyền, sửa ngư cụ. Dọc bờ sông lúc nào cũng có những người đàn ông đội nón gụ ngồi thành hàng dài. Họ ngồi đập cây xác mấu, tước xơ se lại thành nhợ để đan lưới. Lưới phải đan bằng sợi se từ cây mấu đỏ. Xác mấu đỏ mọc trên núi cao. Xác mấu trắng mọc dưới sườn núi thấp dễ kiếm nhưng xơ nó chỉ để đan võng nằm, không làm lưới được. Trong làng, ngoài bờ sông đi đâu cũng nghe tiếng đập xác mấu thành quen tai.

Phường Củi là tên gọi chung cho một chòm 3 xóm: Xóm Cây Quéo, xóm Bến Cá, xóm Dọc Rau Muống. Bến Cá có hồi người ta còn kêu là ngư cảng, ghe lưới đăng đi về thường đậu ở đây. Cách nay mười mấy năm, khi bắt gặp 2 bảng tên “Đường Bến Cá” và “Đường Cây Quéo”, tôi thầm cảm ơn người đặt tên đường đã có ý giữ lại tên 2 địa danh này. Nhưng nay tìm lại thì không thấy tên “Đường Cây Quéo” nữa. Chỉ còn một “Xóm Quéo” nay là một tổ dân phố của khu phố Cận Sơn. Tuy vậy, tên “Xóm Quéo” vẫn còn đó, hỏi người dân ở đây, nhất là các cụ cao niên, ai cũng biết.

VÂN HẠ