22:39, 27/09/2024

Cassette - Hoài niệm một thời đã xa

XUÂN THÀNH

Mới đây, khi đến nhà một người bạn, nhìn thấy chiếc máy cassette nằm ơ hờ trong tủ kính, chợt giật mình nhận ra, dường như bây giờ không còn mấy người nghe băng cassette. Giữa thời đại nhạc số, chiếc máy nghe nhạc một thời được các gia đình nâng niu đã trôi vào quên lãng.

Năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan lần đầu tiên ra mắt băng compact cassette với khẩu hiệu "Nhỏ hơn một bao thuốc lá", cùng với đó là chiếc máy nghe cassette. Đến năm 1965, những băng nhạc cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường. Theo nhà sưu tập Phương Chánh Hùng (TP. Nha Trang), máy cassette đã du nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975, nhưng phải đến cuối thập niên 70, loại máy nghe nhạc này mới dần phổ biến. Những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, máy nghe băng cassette rất đắt. “Khoảng năm 1980, người thân ở nước ngoài gửi về cho ông ngoại tôi chiếc máy cassette JVC - M70. Chiếc máy này khi đó được mua ở Mỹ với giá tương đương 1,4 cây vàng, khi về Việt Nam nếu bán lại còn có giá cao hơn”, ông Hùng chia sẻ.  

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng bên cạnh chiếc máy cassette JVC - M70.

Thời kỳ hoàng kim của máy và băng cassette là giai đoạn 1985 - 1995. Các tiệm chuyên bán máy cassette nổi tiếng ở Nha Trang có thể kể đến như: Tường Nghiêm, Tứ Hải, Phúc Lành, Quang Phó… Dù không còn đắt đỏ như giai đoạn trước đó nhưng để sở hữu những chiếc máy cassette của các thương hiệu nổi tiếng như: Sharp, Sony, JVC... cũng mất đến mấy chỉ vàng. Cùng với sự phổ biến của những chiếc máy cassette, nghề bán và sao băng cassette làm ăn rất khấm khá. Các tiệm bán băng cassette "vang bóng một thời" chính là: Phú Sĩ (đường Phan Chu Trinh), Giang Quân (đường Bạch Đằng), Nghĩa (đường Huỳnh Thúc Kháng)… Ngoài bán các băng nhạc được phát hành mới ở trong nước, các tiệm này còn thu băng cassette từ các băng cối được sản xuất trước năm 1975 và từ băng, đĩa nhạc nước ngoài để bán cho giới yêu nhạc. Không chỉ sao y nguyên băng, các tiệm còn làm các băng nhạc tuyển theo yêu cầu của khách hàng. Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Liên từng kể, thời ấy bà thường đến tiệm Phú Sĩ để mua, thu băng cassette về nghe. Bà thường mua những băng nhạc có những bài hát của ABBA, Boney M, Modern Talking, sau này có thêm Whitney Houston, Diana Ross, Celine Dion... Bà Phan Thu An (phường Phước Tiến, Nha Trang) còn nhớ cho đến thập niên 90 bà vẫn thường đi mua, đặt tiệm băng đĩa thâu các băng nhạc tuyển chọn các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có băng nhạc Sơn Ca 7 lừng danh một thời.

 

Từ thành phố đến thôn quê, đâu đâu cũng vang lên tiếng nhạc từ máy nghe cassette. Còn nhớ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, hầu như đám cưới nào ở quê tôi cũng mở nhạc của Boney M, Modern Talking… để tạo không khí. Có thêm nhạc, đám cưới xôm tụ hẳn lên. Cũng nhờ có máy cassette, lứa 8x như tôi biết đến giọng hát của Thu Hiền, Bảo Yến, Ngọc Sơn, Tuấn Vũ... Lớn lên chút nữa, tôi cùng bạn bè thường canh sóng radio nghe những bài hát của Michael Learns to Rock, Backstreet Boys, The Moffatts, các bài hát trong chương trình Làn Sóng Xanh... để thu lại vào băng. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn nhớ cảm giác dùng bút chì cho vào bánh răng quay để gỡ rối băng cassette. Lắm khi dây băng bị rối gỡ không được đành phải cắt bỏ một phần. Không có keo để dán, tôi thường lấy mủ lá cây lêkima, vú sữa để nối dây băng. Những chiếc băng cassette nhỏ xinh đã là một phần kỷ niệm không quên của thời tuổi trẻ đã xa.

Một phần trong bộ sưu tập băng cassette mà ông Phương Chánh Hùng lưu giữ.

Thời hoàng kim của máy nghe nhạc cassette đã qua nhanh! Từ cuối thập niên 90, với sự phổ cập rất nhanh của đầu máy nghe đĩa CD, những băng cassette không đủ sức cạnh tranh và dần dần rơi vào quên lãng. Với sự phát triển của nhạc số, phim kỹ thuật số…, các tiệm cho thuê, bán băng đĩa cũng dần đóng cửa. Nhiều gia đình vẫn còn giữ lại những chiếc máy cassette thân thuộc một thời nhưng không mấy ai còn giữ lại những chiếc băng cassette. “Bây giờ là thời đại công nghệ số, đến đĩa nhạc bán còn khó thì nghề thu âm băng cassette làm sao có đất sống”, nhạc sĩ Kiên Thanh từng lý giải với tôi trong một cuộc trò chuyện cách đây khá lâu. Khi người nghe có thể dễ dàng tìm và lưu trữ những bản nhạc yêu thích qua các ứng dụng trên điện thoại như: Apple Music, Spotify, iTunes… thì thật khó để “yêu cầu” lớp trẻ hôm nay phải yêu thích những chiếc đĩa than, băng cassette, CD. Thế nhưng, băng cassette vẫn chưa hoàn toàn biến mất trong đời sống này. Những người ưa hoài cổ vẫn âm thầm lưu giữ những chiếc máy, băng cassette. Điển hình như nhà sưu tập Phương Chánh Hùng đang lưu giữ khoảng 30 máy cassette, gần 200 băng cassette với đầy đủ thể loại như: Cải lương, nhạc trữ tình, nhạc quốc tế, trong đó có những băng nhạc còn mới nguyên (chưa bóc tem) được ông mua từ các trang bán hàng trực tuyến. Từ băng nhạc của danh ca quốc tế cho đến những vở cải lương một thời nức tiếng như: Nửa đời hương phấn, Lá sầu riêng, Phạm Công - Cúc Hoa… đều hiện diện ở đây. Thi thoảng, ông lại với tay bật máy, bỏ chiếc băng nhỏ xinh để tìm lại hoài niệm một thời đã xa.

Những năm gần đây, một số hãng thu âm quốc tế cũng bắt đầu phát hành các băng nhạc cassette trở lại. Các băng cassette ghi âm tiếng hát các ngôi sao ca nhạc như: Ariana Grande, Taylor Swift... đã có doanh số bán ra rất tốt. Tại Việt Nam, hãng đĩa Thời Đại cũng phát hành album dưới định dạng cassette cho các ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Nguyên Hà và ban nhạc Cá Hồi Hoang… Tuy nhiên, theo nhận định của giới sành nghe nhạc, rất khó để những chiếc máy nghe nhạc cassette phổ biến trở lại trong đời sống thường nhật. Thật khó để thế hệ trẻ hôm nay yêu thích những chiếc băng cassette khi nhạc số đã đi vào tất cả ngõ ngách của đời sống. Dấu hiệu “hồi sinh” của băng cassette chỉ là ánh nắng lóe lên trong hoàng hôn của một phương trời viễn mộng, là thú vui của những người có lòng hoài cổ. 

Bài, ảnh: XUÂN THÀNH

Video: LÊ NA