Trường đảo Trí Nguyên tên chính thức là Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, nhưng tôi vẫn thầm gọi bằng cái tên khác là trường đảo. Trường bao gồm nhiều điểm trường nhỏ trên các đảo có dân cư. Lần đầu tôi biết tới trường đảo cách nay đã hai mươi năm, khoảng năm 2004. Lần đó, tôi được theo một chuyến ghe đò đi dự lễ tổng kết năm học ở các điểm trường đảo. Được biết, cứ vào dịp tổng kết hoặc khai trường, Trường đảo Trí Nguyên lại thuê ghe đò chở Ban Giám hiệu ghé từng điểm đảo để dự như vậy, nhân tiện đón các thầy cô giáo về trường chính dự lễ tổng kết. Có 2 ghe đò chở người của Ban Giám hiệu đi 2 tuyến điểm trường khác nhau. Tuyến tôi theo ghé các đảo: Hòn Một, Đầm Bấy, Vũng Me.
Điểm trường Đầm Bấy. (Ảnh chụp năm 2012) |
Điểm trường Hòn Một nằm sát mép nước dưới chân đảo, gồm 2 phòng học và 1 phòng ở cho giáo viên. Lễ tổng kết được tiến hành tại một trong hai phòng học vì không có sân trường. Chỗ sân trường sát mép nước chỉ trơ trọi một cây bạch đàn khô trồng trên đống đá làm cột cờ. Phòng học trong ngày lễ được trang hoàng bằng một khăn trải bàn in hoa màu xanh lơ phủ lên mặt bàn giáo viên bằng gỗ đã cũ. Trên bàn có một bình hoa nhựa nhiều màu. Hàng chữ lớn “lễ tổng kết...” được viết trên bảng đen bằng cả phấn màu xen lẫn phấn trắng.
Dự lễ tổng kết có hơn hai chục học sinh tiểu học cùng với từng đó các bậc phụ mẫu. Các ông ba còn tương đối chỉnh tề tươm tất, ngồi có vẻ nghiêm trang, còn các bà má thì đứng ngồi tùy thích, người nào cũng cắp theo ít nhất một em bé. Trong quang cảnh đó, hai cô giáo trẻ đi vào từ ngoài cửa với miệng cười tươi và khuôn mặt trang điểm đẹp làm cả phòng học sáng bừng. Một cô mặc áo dài màu hồng thêu hoa đỏ trên tay và vạt áo, một cô mặc đầm đen áo trắng.
Lúc một cô giáo bắt đầu đọc báo cáo tổng kết cũng là lúc ngoài khung cửa sổ cuối lớp bắt đầu nhô lên những cái đầu tóc ướt nhẹp nước biển của những thằng con trai ở tuổi học trò nhưng có lẽ không phải học trò. Có đứa thò đầu vào trong lớp. Có đứa trèo cả lên thành cửa sổ ngồi vắt vẻo vì cửa sổ chỉ là một ô trống, không có chấn song hay khung sắt. Chúng thản nhiên nói chuyện, cười đùa chỉ trỏ, kêu giật tên mấy đứa học trò đang ngồi dự lễ trong phòng rồi liệng xoài non bộp bộp vào, làm tụi học trò đang ngồi dự lễ cũng cựa quậy không yên. Phần cuối buổi lễ là tiết mục khen thưởng. Lễ trao thưởng đang diễn ra hào hứng thì một cô giáo vội đi xuống cuối lớp, ngó qua cửa sổ gọi lớn một cái tên nào đó và nói: “Về thay đồ lên nhận thưởng mau lên!”. Trong đám trẻ đang bơi lặn bùm bũm dưới biển có một đứa chạy vọt lên. Cô giáo vui vẻ thản nhiên quay lên... Buổi lễ chỉ gói gọn trong một giờ, để sau đó các cô giáo cùng Ban Giám hiệu xuống ghe tiếp tục tới đảo khác.
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3 (điểm trường đảo Trí Nguyên) trong ngày khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Minh Chiến |
Điểm trường Đầm Bấy trịnh trọng hơn, không “vui” như Hòn Một. Có lẽ vì dạy ở đây là 2 thầy giáo, không phải 2 cô. Học trò tất cả chỉ có 10 em. Điểm trường Đầm Bấy những năm đó bắt buộc phải là các thầy, là nam giới, vì ra Đầm Bấy ghe buộc phải đi qua mũi Thạch Dự là chỗ thường có sóng "đá gà" rất nguy hiểm. 2 ông thầy này cũng mới ra tiếp nhận điểm trường thay cho 2 thầy trước đã dạy ở đây 8 năm vừa đổi vào bờ. Các phụ huynh cũng hào hứng khi nhắc đến 2 thầy giáo cũ. Họ nói bữa chia tay 2 thầy, lũ học trò “khóc thôi là khóc”.
Khác với Hòn Một và Đầm Bấy, điểm trường Vũng Me không dưới chân đảo mà tọa lạc trên sườn núi cao, gần đỉnh núi đảo, phải leo theo lối mòn để lên. Có lẽ vì vậy buổi lễ cũng trật tự, yên ổn hơn.
Trên đường quay về Trường đảo Trí Nguyên, ngồi trên ghe tôi được nghe các cô giáo kể về những kỷ niệm. Có kỷ niệm dễ thương như có cô khi mới ra nhận điểm trường, đêm tối đang một mình ngồi nhớ phố nhớ nhà thì bất ngờ một nhóm học trò cầm đèn đi lên. Thì ra mấy trò này nghe có cô giáo mới ra đã rủ nhau đi bắt con vú nàng về nấu một nồi cháo chào đón cô. Hay có lần cô giáo đang tập cho học trò đánh trống thì một phụ huynh chạy lên, giận dữ la: “Biển đang yên đang lành sao tự nhiên gõ trống, muốn gì hả?”. Rồi chuyện các học trò lớp 5 thường bỏ học để đi biển. Có trò khi lên xin phép nghỉ còn nói “Cô cho em nghỉ một tuần đi biển, khi về em sẽ cho cô con cá dài” (cá thu)...
Các điểm trường đảo đều chỉ có cấp tiểu học. Học hết lớp 5, nếu muốn học tiếp lên lớp 6 học trò phải về đảo Trí Nguyên mới có trường trung học cơ sở. Nếu gia đình không có ghe riêng đưa đón hàng ngày chỉ còn cách mang gạo về Trí Nguyên ở trọ hay ở nhờ nhà người quen. Vì vậy, phần nhiều trẻ chỉ học hết lớp 5 là nghỉ, có khi chưa tốt nghiệp cũng bỏ ngang. Khi cô giáo đến nhà vận động, phụ huynh nói có tốt nghiệp rồi nó cũng quên hết thôi; hoặc học cũng đi biển, không học cũng đi biển được!
Sau lần đó tôi không có dịp được trở lại Hòn Một và Vũng Me nữa. Riêng Đầm Bấy, tôi còn được trở lại thêm vài ba lần, lần cuối là năm 2012, khi đó đảo không còn ghe đò, tôi phải đi nhờ ghe đò Bích Đầm. Ghe đang chạy “nửa đường” thì gặp một chiếc ghe của Đầm Bấy đang dừng đậu trên biển nên đã ghé lại gửi tôi qua. Sau đó tôi mới biết chiếc ghe này dừng để chờ cho một học trò “quá giang”. Cô học trò nhỏ này sống cùng gia đình trên một nhà lồng nuôi cá trên biển.
Nay tất cả đã thành kỷ niệm tuy Trường đảo Trí Nguyên vẫn đó. Thế hệ học trò ngày đó giờ đã là những thanh niên ngoài hai mươi, ba mươi. Cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường. Cảm ơn các thầy cô giáo trẻ năm xưa đã cho tôi cơ hội gặp gỡ.
VÂN HẠ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin