22:35, 21/06/2024

Nhớ hồ cá Trí Nguyên xưa

MY ANH

Tình cờ nhóm bạn trẻ rủ tôi sang đảo Trí Nguyên chơi. Đứng trước bến đò mới, nhìn qua mặt biển chạng vạng hoàng hôn rập rờn sóng nước, tàu thuyền qua lại thấy làng biển lớp lớp nghiêng theo sườn đồi làm tôi bồi hồi. Bến đò nay gần đảo hơn so với bến đò xưa nên thấy gần gũi bởi tất cả đều trước mặt. Lên tàu trả 5.000 đồng, đi chừng 5 phút tàu đã cập bến nhẹ nhàng. Mọi người đi làm ở TP. Nha Trang buổi chiều trở về nhà trên đảo bình thản, nhẹ nhàng đầy thư thái. Có lẽ đó là phong cách của làng biển xưa nơi này, nay vẫn còn nguyên như màu nước, màu trời, màu xanh đồi núi trên đảo.

Nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ 
những tấm hình kỷ niệm 
chụp tại Hồ cá Trí Nguyên đầu thập niên 80. 
Ảnh: L.N
Nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những tấm hình kỷ niệm chụp tại Hồ cá Trí Nguyên đầu thập niên 80. Ảnh: L.N

Tôi nhớ cách đây hơn 40 năm, khi đó tôi mới là một thiếu niên đi theo bạn ra hồ cá Trí Nguyên chơi vào một ngày cuối tuần. Hồ cá Trí Nguyên - địa danh du lịch biển nổi tiếng bậc nhất miền Nam trước ngày đất nước giải phóng cho đến thập niên 80. Bất cứ ai đến Nha Trang chơi, du lịch luôn nhớ đến Viện Hải dương học, Biệt điện Bảo Đại và hồ cá Trí Nguyên. Hồ cá ở đảo Trí Nguyên là công trình nhân tạo huyền thoại do một người dân bản địa có tên là Lê Cẩn xây dựng năm 1971. Nhiều người vẫn nhớ đến 3 ô hồ vuông vức ở eo biển, trong đó có nuôi các loại cá dữ như cá mập, cá nhám, cá đuối, cá ngão…; hồ cá cảnh có cá mó xanh, cá mao tiên, cá thiên thần, cá khoang cổ và cá tổng hợp đủ loại cá chim, cá bè, cá dìa, đặc biệt là hàng trăm con đồi mồi bơi lội rong chơi trong hồ cá làm vui mắt du khách.

Ghe  tàu bên vinh đảo Trí Nguyên.
Ghe tàu ở đảo Trí Nguyên.

Đầu thập niên 80, khi tiếp quản, ngành Du lịch tỉnh đã tôn tạo thêm, làm nhà thủy tạ trên hồ để du khách ăn uống ngắm nhìn cá tôm tung tăng dưới chân mình. Hình ảnh hồ cá Trí Nguyên được in trên các bưu ảnh đi khắp Việt Nam và thế giới như một biểu tượng của Nha Trang - thành phố thùy dương cát trắng lung linh sắc màu thủy sản. Thật không ngờ mấy chục năm sau, chúng ta phát hiện ra một quần thể san hô tầm cỡ thế giới để hình thành “công viên biển Hòn Mun” nay là Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. Nhiều người thích thủy cung xây trên nền 3 hồ cá xưa, nhưng tôi vẫn thích sự nguyên sơ của nó. Đó là hồ cá sáng tạo nhất Việt Nam của “kỹ sư” Lê Cẩn: Ông không xây bê tông mà dùng đá, san hô xếp lớp thành bờ thành để nước biển với hồ liên thông nên biển trong veo thì hồ cũng vậy. Du khách đi tản bộ trên bờ thành ngắm nhìn, dưới làn nước trong veo, bầy cá hớn hở quẫy đuôi hóng theo từng bước chân người đi để chờ đợi quà là những mẩu bánh mì.

Ngày đó, đảo Trí Nguyên có ít dân chài sống ven bờ tây và nam hướng về mũi Chụt - Cửa Bé. Người dân đi lại bằng thúng hay thuyền chèo. Sau này, dân số phát triển, họ đi tàu máy từ cảng Cầu Đá. Chất hoang sơ của Trí Nguyên đã làm cho du khách thuở đó thấy mê mẩn ở Bãi Sỏi, Bãi Tranh… Lũ trẻ chúng tôi vượt qua con dốc nhỏ, băng qua đồi cây lúp xúp mọc đầy cây dao xanh nõn rập rờn để cắm trại tắm biển. Tôi vẫn nhớ lần đó sau cơn mưa đêm, biển nơi đây trắng xóa, phẳng lặng mát rượi. Có cô bạn cho tôi mượn cuốn truyện cổ Andersen, mở ra gặp truyện “Bà chúa tuyết” làm tôi mê mẩn…

Một quán ăn vặt chiều ở đảo Trí Nguyên.
Một quán ăn vặt chiều ở đảo Trí Nguyên.

Nay trở lại tôi chưa thể đến hồ cá xưa vì biết nơi đây đang có dự án du lịch lớn nên tha thẩn trong xóm làng, ghé qua chợ cuối ngày đôi chút đìu hiu, đi con đường nhỏ gặp những ngôi nhà cổ xưa để hoang vắng cỏ cây mọc đầy sân. Tôi cảm nhận chất làng biển vẫn còn lưu luyến chốn này qua ánh mắt, nụ cười và cử chỉ của những con người nơi đây: Người phụ nữ khiêm tốn ngồi bán hàng rong bên vệ đường, những người đàn ông ngồi nhâm nhi ly bia trong sân tối, thanh niên ngồi bờ kè thả cần câu cá dìa, hay bầy trẻ thơ chạy vào sân trường rợp bóng cây vắng vẻ. Tất cả đều hồn hậu, thật thà. Một chị đi cùng kể với tôi rằng, ở đảo mọi thứ đều có chút khác với Nha Trang, đó là sống an nhiên tự tại. Nhịp sống thư thái. Hàng hóa từ đồ ăn, thức uống tới gia dụng đều bán với giá rất phải chăng. Vì thế, không phải ngẫu nhiên nhiều người thân quen hay ra đảo những buổi chiều để thư giãn, ăn uống. Tôi thầm ước dịp Tết đến xuân về mình sẽ có dịp quay lại làng đảo để cảm nhận chất xuân man mác của miền xưa xa vắng đã qua. Có lẽ thời gian trôi đi nhưng làng biển nơi đây vẫn lưu giữ tất cả quá khứ. Ai đã một lần đến làng biển đảo Trí Nguyên sẽ như tìm lại một góc Nha Trang nơi miền chân sóng...

MY ANH