Cứ mỗi lần về thăm Nha Trang, dừng chân trên cầu Trần Phú, nhìn về phía đồi La San, lòng tôi lại bồi hồi với bao cảm xúc. Trên ngọn đồi kia, nơi có nhiều tòa nhà cao tầng ẩn sau những hàng cây xanh lá là ngôi trường mà chúng tôi đã từng theo học với tên gọi Trường Đại học Hải sản; là nơi chúng tôi từng gắn bó với bao kỷ niệm của thời sinh viên tươi trẻ vào những năm đất nước vừa hòa bình, thống nhất.
Một góc Trường Đại học Nha Trang. Ảnh Internet |
Còn nhớ, năm 1977, khi tôi trúng tuyển vào khóa 19 (1977 - 1982) Khoa Nuôi trồng thủy sản thì Trường Đại học Hải sản vừa được chuyển từ Hải Phòng vào Nha Trang đúng một năm. Đồi La San nơi trường tiếp quản đặt cơ sở là một ngọn đồi rộng lớn trên 20ha, nằm ở vị trí đẹp thuộc diện nhất, nhì của Nha Trang. Đứng trên đồi có thể quan sát được một phần thành phố hay ngắm nhìn những chiếc thuyền ở phía biển khơi xa. La San là tên của một vị thánh thuộc dòng tu Công giáo Rôma, có tên gọi đầy đủ là Jean Baptiste de La Salle - người sáng lập ra dòng Sư huynh các trường Công giáo trên thế giới, hay còn gọi là Dòng Lasan. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, trên con đường truyền giáo, một số sư huynh thuộc dòng tu trên từ Pháp đã đến Việt Nam để xây dựng hệ thống trường La San ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Năm 1930, sau nhiều chuyến khảo sát tại Nha Trang, các tu sĩ quyết định đặt tượng thánh La San và xây dựng tập viện, nhà nguyện… trên ngọn đồi này, từ đó đồi La San đã trở thành địa danh có tiếng của thành phố.
Tác giả trong một lần về thăm trường. |
Tuy nằm ở một vị trí rộng, đẹp, có những công trình kiến trúc độc đáo, cổ xưa, nhưng gần nửa thế kỷ trước, cơ sở vật chất và mọi hoạt động của Trường Đại học Hải sản còn nhiều hạn chế. Một phần do trường mới chuyển từ nơi khác tới, phần khác do cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc và cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam đang diễn ra nên mọi thứ rất thiếu thốn. Cả đời sống, sinh hoạt của sinh viên cũng vậy, đầy ắp khó khăn. Tôi nhớ, lớp chúng tôi ngày ấy có trên 50 người, đến từ các vùng, miền đất nước, trong đó có 13 nữ. Do thiếu chỗ ở nên các bạn nữ được phân ở chung trong một căn phòng với 7 chiếc giường 2 tầng, kê san sát nhau. Việc ăn uống hàng ngày nhà trường lo, nhưng vì tiêu chuẩn thấp nên các món ăn thường đơn giản. Canh thì toàn nước nên chúng tôi gọi là “canh toàn quốc”. Cơm thì thường được một chén kèm một cái “nắp hầm”. Gọi như vậy vì đây là món làm từ bột sắn, nặn thành bánh rồi luộc lên, trông như cái nắp hầm. Nơi tắm rửa, giặt giũ cũng chật chội, lại đông người nên luôn phải chờ đợi. Không ít lần, chờ lâu quá, mấy chị em đành hứng nước rồi tìm nơi kín đáo để tắm…
Một góc Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: AN NGUYỄN |
Khó khăn là vậy, nhưng ai cũng cố gắng học tập, rèn luyện. Thường ngày, trừ Chủ nhật, vào 5 giờ sáng, tiếng kẻng của trường vang lên, tất cả sinh viên đều thức dậy, mùng mền được ai nấy xếp gọn gàng tựa như trong quân ngũ, sau đó mọi người ra sân tập thể dục. Những trường hợp vi phạm quy định được các anh chị trong Đội Cờ đỏ nhắc nhở, có khi còn bị nêu tên trên loa phát thanh của cư xá nên ai cũng thực hiện nghiêm túc. Vào giờ lên lớp hay đến phòng thí nghiệm, trừ trường hợp ốm đau hoặc phải nghỉ vì lý do chính đáng, tất cả hầu như ít ai dám vắng mặt. Buổi tự học cũng vậy. Trong khung giờ quy định, không ai được lang thang, bỏ bê việc ôn bài… Học bơi cũng là môn bắt buộc, do đó, cũng như tất cả các lớp thuộc các khoa khác, lớp chúng tôi thỉnh thoảng theo lịch lại tập trung xuống bãi dương gần Hòn Chồng để tập. Buổi đầu, nhiều bạn đã bị uống nước no cả bụng, nhưng tập hoài cũng quen dần.
Đi thực tập là một hoạt động không thể thiếu đối với sinh viên các khoa của Trường Đại học Hải sản ngày ấy. Riêng Khoa Nuôi trồng thủy sản, chúng tôi không chỉ đến các cơ sở nghiên cứu mà còn tới những nơi nuôi trồng thủy sản như: Đầm Thị Nại (Quy Nhơn), đầm Ô Loan (Phú Yên), đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa)… Có kỷ niệm thật khó quên, đó là lần chúng tôi đi thực tập về kỹ thuật nuôi tôm ở Quy Nhơn. Khi cơ sở này xả đìa, các công nhân bất ngờ tặng chúng tôi một mớ tôm, con nào con nấy tươi rói. Cả nhóm mừng quá, đời sinh viên cực khổ, trong lúc thiếu ăn, được bữa tôm hấp ngon ngọt, ai cũng hớn hở, nhớ hoài. Có bạn còn nói vui: “Ở đìa sướng hơn ở trường!”. Ngoài đi thực tập, nhiều chương trình ngoại khóa khác cũng thường xuyên được nhà trường tổ chức, qua đó việc học tập lý thuyết kết hợp với thực tế ở các lớp, các ngành học ngày được nâng cao.
Có thể nói, ngôi trường thân yêu nằm trên đồi La San lộng gió là nơi chắp cánh, trang bị những kiến thức cơ bản để sinh viên nhiều khóa thuộc Khoa Nuôi trồng thủy sản cũng như các Khoa Cơ khí, Khai thác, Chế biến bước vào đời. Với lớp chúng tôi, chính nhờ được các thầy cô đào tạo bài bản mà hầu hết anh chị em khi ra trường đã phát huy tốt năng lực của mình, trở thành những cán bộ thủy sản nòng cốt ở các địa phương sau ngày đất nước giải phóng. Có bạn trở thành chủ doanh nghiệp nổi tiếng trong việc sản xuất tôm, cá giống các loại, cung cấp cho cả nước; có bạn đã xây dựng được những trang trại nuôi tôm, nuôi hàu để kinh doanh với quy mô lớn…
Từ đồi La San nhìn về thành phố. Ảnh: AN NGUYỄN |
Trường Đại học Hải sản sau này được đổi tên là Trường Đại học Thủy sản (năm 1981), rồi tiếp đến đổi thành Trường Đại học Nha Trang (năm 2006). Các giảng đường, phòng thí nghiệm, ký túc xá, nhà truyền thống, sân bóng… theo thời gian tất cả giờ đây đều được xây dựng khang trang, hiện đại rất nhiều so với ngày xưa. Quy mô nghiên cứu, đào tạo cũng tăng gấp nhiều lần. Hiện nay, trường có tới 20 khoa, viện, trung tâm nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ; đào tạo 50 ngành/chuyên ngành trình độ đại học, 19 ngành trình độ thạc sĩ và 11 ngành trình độ tiến sĩ với khoảng 15.000 sinh viên theo học, đến từ mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới… Cảnh quan trong trường cũng thay đổi đến ngỡ ngàng, tựa như một công viên rộng lớn, nên thơ. Trên các lối đi, chỗ nào cũng ngập tràn màu xanh của những cây xà cừ, cây bàng cổ thụ, cây liễu rủ bóng… xen lẫn với màu đỏ của hoa giấy, màu vàng của hoa keo và hoa hoàng hậu…
Mỗi lần trở về thăm trường cũ là một lần chúng tôi có thêm niềm tự hào về sự lớn mạnh, đổi thay của trường, và tất nhiên kỷ niệm những ngày ngồi bên nhau trên giảng đường lại ùa về. Cả những năm gần đây, khi đã thành ông bà nội, ông bà ngoại, vậy mà lúc dự gặp mặt kết hợp tham quan do lớp tổ chức tại những địa bàn như: Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Ninh Bình hay Cà Mau, Bến Tre, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế… những câu chuyện về Trường Đại học Hải sản ngày nào cũng trở thành đề tài râm ran suốt cả chuyến đi.
Trường Đại học Hải sản - một thời mãi nhớ!
HƯƠNG PHẠM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin