Hiếm căn bếp gia đình hiện nay mà thiếu bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại, viba, nướng điện hầm chiên áp suất các kiểu chỉ nhằm phục vụ mục đích nấu nướng chế biến thực phẩm. Giờ sắp nhỏ không còn nghe sai đi nhen bếp lửa lên, hoặc chẻ củi đập than nhồi mạt cưa, thậm chí là xách cái kẹp gắp và vỉ sắt đi qua hàng xóm xin chút lửa nếu chẳng may hộp quẹt diêm cũng cạn. Đứa nhỏ 10 tuổi mà biết nhen bếp lửa hừng lên kể như giỏi rồi, đâu phải như bây giờ chỉ cần cắm điện, bấm nút, mở công tắc...
Ngày còn bé, sáng nào dậy sớm được tôi đều thích ra sân ngồi bên bếp lửa củi cháy tí tách ấm áp của bà ngoại. Bà bán bánh canh đầu ngõ nên 4 giờ đã dậy nổi lửa. Do nồi nước to và nặng nên phải đặt trên cái kiềng ba chân để ngoài trời nấu bằng củi. Ngọn lửa hồng rực giữa màn đêm, có gió tàn bay lách tách lên cao như đom đóm. Gặp củi tươi là nghi ngút khói, nhựa cây màu cánh gián chảy ra xèo xèo, lơ đễnh đẩy củi vô lò là bị dây vô tay vừa phỏng vừa ám mùi. Sợ nhất là khi để mùi khói chui vào thức ăn nước uống đang nấu, mùi hôi hăng hắc rất khó chịu. Khi đó, thập niên 60, căn bếp của mẹ tôi ở xóm nghèo nội thành Nha Trang đã được trang bị một cái bếp dầu lửa và vài cái lò than bằng đất nung lớn nhỏ đủ kích cỡ. Nhen bếp than thì cần có dăm bào củi vụn làm mồi, sang hơn thì có ngo chẻ nhỏ xếp ở dưới rồi chất than lên. Chất không khéo thì ngo lẫn vụn củi cháy hết mà than cứ lì trơ ra. Ngo là gì chắc gen Z bây giờ chịu chết, hồi đó ai đi từ Đà Lạt xuống mà cho khúc ngo chừng 1kg thì mới đúng là sành điệu. Lõi cây thông già làm ngo, chẻ nhỏ ra tươm tướp thơm mùi nhựa, vừa bắt lửa vừa cháy đượm đủ cho than bén lửa. Xong còn phải vớ cái quạt cắm mặt quạt lấy quạt để, gặp than nổ văng tung tóe thế nào cũng bị la. Tôi nhớ căn bếp ngày xưa ấy còn có phụ kiện là cái kẹp gắp than và đôi đũa sắt dài, vài cái rá to nhỏ có hình dạng như cái chảo khoét đáy dùng để đặt nồi ở trên rồi mới đưa lên bếp củi cho đỡ bị đen vành, mấy cái quạt sóng lá cùn mòn cháy sém, cái thau mẻ đựng tro cời ra, cái thùng sắt có nắp kín để “nhốt” than đang cháy…
Thời gạo châu củi quế tiếp theo thì than bỗng dưng thành xa xỉ phẩm, nhà nhà đổ đi kiếm củi. Củi cũng được bán phân phối theo tem phiếu nhưng ra cửa hàng chen chúc mua thì toàn nhận phải củi gộc hoặc củi còn tươi xanh, có ráng cũng chỉ dùng được mấy bữa. Khắp các ngả đường là các gánh củi của những tiều phu bất đắc dĩ. Những cánh rừng ven thành phố mới ngày nào là cấm địa, giờ mở toang đón từng đoàn người tay cuốc tay rựa vào buổi sáng và trưa chiều là các gánh củi từ đó tỏa ra. Tới giờ nấu ăn nghe tiếng chẻ củi bôm bốp vang lừng, những căn bếp đầy khói và lọ nghẹ. Bên cạnh củi thì dăm bào và mạt cưa xin hoặc mua rẻ từ các xưởng mộc cũng được ưa chuộng không kém. Dăm bào thì cháy phừng phừng chắc chỉ dùng để nhen lửa. Như lá khô vậy, tôi đã từng khóc ròng vì khói mù mịt và vì bất lực trước một cái bếp nấu chỉ bằng lá dương liễu phơi khô, phải hốt từng nắm nhồi vô cho kịp kẻo lửa tàn rụi. Dùng mạt cưa mới là sáng kiến tuyệt vời, lò được làm bằng tôn kẽm gò lại thành hình ống tròn cao chừng 3 tấc, dưới có đáy và một lỗ đủ đưa thanh củi nhỏ vào làm mồi, trên là 3 chấu để đỡ nồi niêu. Đặt một cái vỏ chai vô chính giữa lò và nhồi thật chặt mạt cưa. Sau đó mới rút cái chai ra và mồi lửa từ phía dưới. Nhồi mạt cưa cũng phải biết ý, chặt quá thì khó cháy, lỏng tay chút thì đang nấu nửa chừng là bị sập lò. Lò mạt cưa tỏa nhiệt cực tốt, nấu nguyên bữa ăn và thêm ấm nước sôi đầy vẫn chưa tàn hết.
Như một vòng tuần hoàn, sau cái thời dùng lò mạt cưa dăm bào thì kinh tế khá dần lên, các căn bếp lại quay về dùng củi, rồi than, rồi dầu lửa. Chỉ tính tới giai đoạn này là căn bếp gia đình nhỏ của tôi cũng đi đủ một vòng, mất không dưới hai mươi năm.
Từ than củi dầu lửa chuyển qua bếp gas, bếp điện có lẽ cũng không ít nhà ngần ngại, sợ không an toàn, sợ tốn kém, sợ nấu nướng không ngon… Cuối cùng ai cũng dùng, vậy là phải để dành cái lò than cũ để nướng một số thứ mới chịu ngon hơn và phòng khi hết gas hoặc cúp điện. Rồi sau thêm nồi chiên không dầu, lò nướng đủ loại đánh bạt hết. Lâu lâu dọn nhà bắt gặp cái lò cũ nhét trong xó, bịch than đen thui mục nát dưới gầm bếp, cái kẹp gắp rỉ sét… mà như thấy lại cả đoạn đời gian khó trôi qua nhanh như phim.
ÁI DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin