"Thời kỳ bao cấp” là cách người ta thường dùng để chỉ giai đoạn từ năm 1975 đến 1986. Đó là giai đoạn đầy khó khăn, vì cả nước vừa phải lo khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tập trung đối phó với kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường biên giới phía Tây - Nam và phía Bắc, chưa kể còn bị cấm vận nữa. Khó khăn rồi cũng đi qua, cuộc sống của người dân ngày một đi lên nhưng những ký ức về thời bao cấp, trong đó có việc sử dụng sổ gạo, tem phiếu để mua lương thực, thực phẩm… đến nay vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người.
Còn nhớ, năm 1981, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về công tác ở một đơn vị cấp tỉnh, có trụ sở đóng trên địa bàn Nha Trang. Cũng như nhiều cán bộ, công nhân, viên chức khác, tôi được cấp sổ mua gạo cùng các loại tem phiếu và bắt đầu tự lo liệu với các tiêu chuẩn mà mình được hưởng, được mua. Một cán bộ như tôi lúc bấy giờ được mua theo chế độ (giá của Nhà nước quy định) mỗi tháng 13kg lương thực, nửa cân thịt, nửa cân đường và mỗi năm nam được mua 5m vải, nữ 4m, chưa kể một số vật phẩm khác như củi hay dầu lửa để đun bếp... Cũng có diện cán bộ, công nhân, viên chức được hưởng tiêu chuẩn cao hơn hoặc thấp hơn nhưng so với nhu cầu của cuộc sống thì đều quá ít.
Sổ mua lương thực và một số tem phiếu thời bao cấp. (Ảnh tư liệu) |
Việc sử dụng sổ, tem phiếu mua hàng cũng có lắm chuyện vui, buồn, nghe cứ như chuyện hài hước. Vui vì đến kỳ mua gạo, bất ngờ có người trong đám bạn bè thân quen báo tin ở cửa hàng lương thực X, Y nào đó của thành phố bán gạo ngon, thế là dù bận việc, tôi cũng tranh thủ cầm sổ gạo chạy tới đó. Do đa phần các kho gạo của nước ta thời bao cấp bảo quản kém nên khi đến tay người tiêu dùng không ít trường hợp bị mốc, vì vậy mua được gạo ngon coi như mình may mắn. Vải cũng vậy, ít đã đành, vải đẹp càng hiếm, nên khi nghe có cửa hàng nào bán vải đẹp, người này báo cho người kia để chạy tới xếp hàng. Người vui vì mua được, cũng có người buồn thiu vì đến lượt mình thì hết vải. Chuyện mua củi cũng là điều đáng kể, lần nào mua được củi ngon thì thôi, gặp phải những thanh củi đầy u nần, khi mang về phải gồng lưng dùng búa, đe mà bổ. Khi thiếu củi thì kiếm bao tải, đến xưởng cưa gỗ để mua mùn cưa, hoặc đến chỗ xay lúa mua trấu.
Trong việc bán phân phối hàng hóa cho cán bộ, công nhân, viên chức thời ấy cũng có một số mặt hàng người ta không làm sổ hay tem phiếu riêng mà bán chung qua một cuốn sổ cho cơ quan, trong đó phụ tùng xe đạp là thứ điển hình. Hồi ấy, món hàng này khó, nên ai được anh em nhường cho mua cái lốp, xăm hoặc cái xích, cái líp… thì biết ơn vô cùng. Do khó khăn nên phong trào nuôi heo, nuôi gà phát triển. Do đó, việc mua cám cũng không phải dễ, nhiều trường hợp phải xếp hàng từ khuya. Giống như mua các mặt hàng thiết yếu, để mua được cám, không ít trường hợp người ta dùng một viên gạch xếp hàng, thay người giữ chỗ, thậm chí có người còn cẩn thận dùng than viết tên mình lên, hoặc bọc một tờ giấy báo ở ngoài nhằm đánh dấu vị trí.
Một cửa hàng bán vải qua tem phiếu thời bao cấp. (Ảnh tư liệu) |
Có 1.001 chuyện liên quan đến việc tem phiếu trong thời bao cấp ẩn chứa trong ký ức mỗi người. Với tôi cũng vậy. Khi lập gia đình, tôi được vợ “ưu tiên” trong việc đi xếp hàng mua các thứ như: Gạo, củi, thịt và… cám heo, cám gà cho mẹ vợ. Mua được củi ngon, gạo tốt, thịt tươi về nhà bao giờ vợ cũng vui cười; mua được bao cám về thì mẹ vợ cảm ơn rối rít, bởi không phải dễ dàng mua được trong cảnh người đông của ít.
Việc xếp hàng, chờ đợi tuy vất vả nhưng không bằng việc không may bị mất sổ, mất tem phiếu. Ngày đó, ông Th. - hàng xóm của tôi trong khu tập thể, trên đường đến cửa hàng lương thực mua gạo lại đánh rơi mất sổ. Thế là cả khu tập thể xôn xao, đến hỏi han, bày cách làm sổ mới. Sau lần ấy, vợ tôi đâm lo nên giành phần, bảo để vợ đảm nhận việc mua gạo!
Thịt heo thời đó quý lắm. Do tiêu chuẩn hàng tháng ít nên ai cũng mua mỡ để rán lên, đổ vào hũ để dành chiên xào thức ăn. Nhà tôi có cái hũ thủy tinh nhỏ đựng mỡ, mỗi lần nấu ăn, nhìn cảnh vợ lấy cái thìa cà phê, cẩn thận lấy ra một chút cho vào chảo “cái xèo”, tôi không nín được cười, liên tưởng đến chuyện con chuột thò đuôi vào chai mỡ ngoáy ra để liếm trong truyện ngắn “Tý ngoáy mỡ” của nhà văn Tô Hoài. Có lần, mua thịt xong, đạp xe đạp đi lòng vòng mấy chỗ, về nhà thấy cái túi thịt treo trên xe đâu mất, không biết giải thích với vợ như thế nào, để tránh rắc rối, tôi bèn nghĩ cách nói dối: Cho vợ thằng bạn mới sinh, tội nghiệp con bé thiếu sữa!
Cuộc sống thời ấy tuy vất vả nhưng ai cũng vui, ai cũng biết chia sẻ cho nhau, cả trong việc sử dụng tem phiếu cũng vậy. Ví dụ như bạn bè có người tổ chức đám cưới, anh em rủ nhau góp phiếu đường để bạn mua đường làm kẹo đậu xanh, kẹo đậu phụng mời khách. Anh em ai ốm đau thì giúp một ô phiếu mua thịt… Trong khó khăn, nỗ lực của mỗi người dường như được nâng cao hơn, ai cũng phấn đấu trong công việc và học hành. Rất nhiều đứa trẻ ra đời ngày ấy được mẹ cha, ông bà nuôi dưỡng giờ đã thành đạt…
Lan man vài chuyện về tem phiếu thời bao cấp để càng thêm yêu, thêm trân quý cuộc sống hiện nay, khi đất nước đang ngày càng phát triển về mọi mặt!
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin