23:33, 04/08/2023

​​​​​​​Một thời xe ngựa 

NGÔ VĂN BAN

Một thời xa xưa, xe ngựa là phương tiện chuyên chở hành khách và hàng hóa. Tại quê tôi, xe ngựa chạy trên đường Thành - Nha Trang và ngược lại. Xe ngựa chạy từ Thành lên các xã phía tây; từ nội thành Nha Trang xuống Cửa Bé hay chạy ra phía đèo Rù Rì… và những ngả đường khác trong các huyện…

Hồi nhỏ, đêm nằm ngủ, cứ 2 - 3 giờ sáng tôi lại bị đánh thức vì tiếng động trước nhà. Tiếng ngựa giậm chân xuống đường, tiếng thở khò khè của con vật… Chiếc xe ngựa đang đậu trước nhà để sau đó đón những người gánh thúng, cần xé đựng nông sản từ những xóm làng bên kia sông Cái chuyên chở xuống chợ Đầm Nha Trang… Tại chợ Đầm hồi đó cũng có nơi dành riêng cho bến xe ngựa. Chính những chiếc xe ngựa này chở những người đi chợ từ sáng sớm về nơi xuất phát, sau khi họ bán hàng xong, dạo chợ mua thực phẩm, đồ dùng mang về nhà.

<br>
 

Tôi đi học từ nhà xuống thành phố, ngoài xe lam, có khi tôi được ngồi trên chiếc xe ngựa. Con đường dài 6 - 7km, ngựa phải chạy 20 - 30 phút mới đến nơi. Có anh bạn bảo nhiều khi đi “cọp" xe ngựa, tức là đi không tốn tiền, đợi khi xe vừa lăn bánh là chạy bám theo nhảy phóc lên ngồi ở bàn đạp sau xe. Tiếng xe ngựa lọc cọc trên đường thật vui tai. Những con ngựa khỏe mạnh với bờm và lông đuôi dài phất phơ ngược chiều xe chạy thật đẹp mắt...

Tôi được biết những người giàu có thời xưa trong xã cũng sắm cho mình một con ngựa để cưỡi, đi đây đi đó.

Có lúc, xe ngựa được một gánh hát bội đến diễn ở quê tôi thuê chạy trong thôn xóm quảng cáo tuồng tích, vang dội tiếng trống đặt trên xe, bên cạnh có một diễn viên hóa trang mang hia đội mũ, có khi hóa trang thành anh hề với cái mũi dài, đỏ choét. Lại còn một đám trẻ chạy theo sau la hét inh ỏi, mong nhặt được tờ chương trình trên xe rải xuống…

Xe ngựa thời trước năm 1945, bánh xe được làm bằng gỗ, phải là gỗ hương hoặc gỗ căm xe mới chắc và bền. Quanh bánh xe, người ta bao bọc bằng lớp vỏ cao su đặc, dày để tránh ma sát và tránh bị bào mòn bánh gỗ. Sau này, bánh xe ngựa được thay thế bằng những bánh xe hơi cho nhẹ nên kiểu dáng xe bị thấp hơn.

Bà Gabrielle-Maud Candler Vassal, người Anh, có chồng là người Pháp - một sĩ quan quân y được bổ nhiệm về làm việc ở Viện Pasteur Nha Trang. Bà theo chồng đi nhận nhiệm sở. Trong tập hồi ký “Ba năm ở An Nam", bà kể lại về thời kỳ bắt đầu xây dựng Viện Pasteur Nha Trang. Theo đó, bà đến Nha Trang vào năm 1904, có một chuyến xe chuyên chở hành lý và đưa bà về nơi cư trú. Bà viết: “Hai chiếc xe gọi là “Hoa Kỳ” hay xe nôi (bà nói đến chiếc xe ngựa) chờ chúng tôi ở đầu đường. Đây là thứ xe rất tiện dụng trên các đường nhỏ ở xứ này, những con đường chẳng hơn gì những con đường mòn đầy ổ gà. Thùng xe treo trên những chiếc lò xo hình xoắn ốc: Thay vì vồng hay ném người ra ngoài khi cán phải đá hay vấp phải lỗ, xe chỉ đong đưa qua lại như một cái cân. Xe rất nhẹ nên mấy con ngựa nhỏ có thể kéo qua cát hay bùn lầy một cách dễ dàng…”. Chiếc xe ngựa thời đó như thế. Bà còn chụp được tấm hình chiếc xe ngựa chuyên chở gì đó đang lội dưới nước.

Khi xe đạp, xe máy, xe hơi có nhiều thì xe ngựa cũng giảm đi đáng kể, song ở các vùng nông thôn vẫn dùng, vì đường sá ở các làng quê bấy giờ chưa được rải nhựa hay bê tông như bây giờ, mùa mưa đường đầy sình lầy, chỉ xe ngựa mới đi được.

Rồi theo sự phát triển của thời đại, của phương tiện giao thông vận tải, xe ngựa dần dần biến mất. Bây giờ, người ta chuyên chở hàng hóa, nông sản bằng xe máy, xe chuyên dụng… Xe ngựa chỉ còn trong ký ức…

May mà còn có những người lưu giữ được những bức ảnh, để lớp trẻ bây giờ và mai sau thấy được "một thời xe ngựa” trên quê hương mình.

NGÔ VĂN BAN