Về thăm người em ở Sũng Ké trong vịnh Vân Phong, tôi ghé đồi Cô Đơn (thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Từ chân đèo Cổ Mã rẽ xuống, đường rộng thênh thang, đèn điện rực sáng. Dễ đã có hơn 20 năm rồi tôi mới trở lại đồi Cô Đơn...
Hồi đó, cứ mỗi đêm rằm, bạn bè tôi lại rủ lên đồi Cô Đơn. Dường như có duyên lắm, bạn rủ là tôi ừ ngay. Từ TP. Nha Trang đến đó, tôi phải đi từ chiều.
Trăng nương theo làn mây bàng bạc, cho trời như cao hơn, rộng hơn. Tôi đi giữa sóng mây trên cao và sóng cát ở dưới đồi. Cát trắng tinh khôi, gió mơn man thành những con sóng tít tắp. Tôi cởi giày, để chân trần cảm nhận nền cát mát rượi trong những bước đi. Gọi là đồi nhưng kỳ thực đây là một bãi cát dài như một cánh tay bắt đầu từ chân núi Cổ Mã vươn dài về phía đông ra biển, phía bên ngoài là Biển Đông, còn phía trong là mom nước cuối cùng của vịnh Vân Phong.
Tuyến đường Quốc lộ 1 - Đầm Môn đi ngang qua đồi Cô Đơn. Ảnh: Thanh Hải |
Có người kể rằng, trước đây, nơi này được gọi là truông Chàm. Cũng có người nói rằng, nếu đào sâu xuống cát có khi bắt gặp một cột buồm hoặc một đoạn neo, một mảnh thuyền vỡ. Có lẽ, trước kia, nơi đây là biển cả, trải qua năm tháng dâu bể tang thương mà hóa thành gò đồi, một ngọn đồi cô độc nhô ra biển. Có phải vậy không mà đồi có tên gọi Cô Đơn? Hay là, phải chăng con đồi cứ mòn mỏi đợi chờ suốt cả tháng, cho tới đêm rằm mới có chân người về đến?
Tối. Dòng xe lũ lượt trên con đường nhỏ về thôn Tuần Lễ, dệt một dải ánh sáng ngoằn ngoèo trên cánh đồng Vạn Thọ. Bên cầu Tuần Lễ, những bãi giữ xe chật cứng. Nam nữ thanh niên ở tận Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) cũng vượt qua hai ngọn đèo Cả và Cổ Mã để đến đồi Cô Đơn. Còn phía nam, ở thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang cũng có nhiều người ra.
Lên đồi Cô Đơn phần lớn là nam nữ thanh niên. Nói vậy nhưng cũng thấy có cả người già. Họ nắm tay nhau, trèo dốc cát lên đồi, dường như cố vượt qua những thách thức của thời gian năm tháng.
Đây đó, có tiếng guitar bập bùng, rồi có tiếng hát: “Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã...". Không, đêm nay biển không xô ai, biển chỉ vỗ về cho đêm trăng thanh, gió mát trên đồi Cô Đơn. Trong lành quá! Con đồi trải rộng giữa trời trăng. Ở đó, người ta gần nhau hơn trong tâm tình trong trẻo giữa trời trăng, mây nước hoặc trải hồn mình trên một miền hoài niệm xa lắc của một thời tuổi thơ êm đềm và mộc mạc đã xa. Cát sạch. Không khí sạch. Và lối vui chơi của trẻ, lối sinh hoạt của người lớn cũng bình dị, dân dã. Đã đến đây là phải như vậy chăng? Chẳng có quy định nào, nhưng ở đây con người cư xử với nhau rất tử tế và chân thành.
Khuya. Trăng xế bóng. Không gian dần lắng đọng. Biển vẫn thì thầm khúc tình ca muôn thuở của nó. Trên đồi, tiếng đàn guitar, tiếng hát cũng nhỏ dần, nhỏ dần như để hòa cùng lời ca của biển cả. Cảnh này, tình này, con người trở nên khoan dung hơn, độ lượng hơn, do đó cũng dễ gần nhau hơn. Phía Biển Đông đèn lấp lánh. Phía trong vịnh, điện cũng sáng trưng. Ngọn đồi lưu dấu chân người trên cát. Có lẽ, nó đang bắt đầu cảm thấy cô đơn. Để rồi đợi mãi, đợi mãi cho đến đêm rằm tháng sau.
Tôi bỗng nhớ câu ca ai hát lúc đầu hôm: Suối Nguyệt Cầm ngàn đời vẫn lạnh/Đồi Cô Đơn muôn thuở vẫn cô đơn. Tôi không nhớ câu thơ ấy của ai, chỉ biết rằng, suối Nguyệt Cầm dưới chân đèo Cổ Mã quanh năm nước lạnh. Có phải trăng đồi Cô Đơn hòa cùng nước Nguyệt Cầm mà làm rung lên lời thơ, ý nhạc trong hồn người lữ thứ? Nguуệt Ϲầm cung phím long lanh. Cô Đơn trăng chiếu một mình. Trên cao, mấy hàng mâу trắng theo nhau mải miết…
Đồi Cô Đơn, đêm rằm có tới mấy trăm con người tìm đến mà vẫn cô đơn ư? Tôi tin cái cảm thức cô đơn bất chợt trong một ai đó bỗng chốc riêng soi trong tâm tưởng mà gọi lên hai tiếng Cô Đơn trên ngọn đồi hoang vắng. Nhiều khi sống giữa đông người mà vẫn cứ thấy cô đơn. Bây giờ, trong nhiều người, ký ức đồi Cô Đơn vẫn cứ tinh khôi, ghi dấu một thời tuổi trẻ say mê và nồng nhiệt. Trăng. Cát. Bốn bề bát ngát gió. Và những kỷ niệm sáng trong như ánh trăng soi. Chỉ vậy mà cứ mỗi đêm rằm, ai đó lại bảo nhau: “Đi lên đồi Cô Đơn”...
Đi lên đồi Cô Đơn để trở về lòng người thêm tươi tắn. Còn tôi, đêm nay từ đồi Cô Đơn trở về, nghe đường xa diệu vợi. Bởi có những người bạn đã mấy mươi năm hẹn cùng tôi lên đồi Cô Đơn nhưng mãi không thấy về.
Không thấy về...
PHONG NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin