09:05, 07/05/2021

Tín dụng đen

Những ngày chuẩn bị cho Tết Thanh minh năm nay, người dân xóm Bình Minh lo sắm sửa đi cúng tảo mộ, sửa sang mộ phần người thân đã khuất của mình. Nhà nhà rậm rịch dọn dẹp, sửa sang. Ấy thế nhưng vẫn có những nhà im lìm một cách khác thường. Đó là những nhà đang lo trả nợ. Nợ ngân hàng, nợ người thân, đáng sợ hơn đó là nợ những người từ đâu đâu đến, cho vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mà không cần thủ tục rườm rà gì.

Những ngày chuẩn bị cho Tết Thanh minh năm nay, người dân xóm Bình Minh lo sắm sửa đi cúng tảo mộ, sửa sang mộ phần người thân đã khuất của mình. Nhà nhà rậm rịch dọn dẹp, sửa sang. Ấy thế nhưng vẫn có những nhà im lìm một cách khác thường. Đó là những nhà đang lo trả nợ. Nợ ngân hàng, nợ người thân, đáng sợ hơn đó là nợ những người từ đâu đâu đến, cho vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mà không cần thủ tục rườm rà gì.


Nghe tiếng xe máy vào đầu dãy trọ, chị Lĩnh mở cổng đón chồng vào. Khu trọ này có 6 nhà ở, để đảm bảo an ninh nên mỗi nhà có một chìa khóa cổng, ra vào đều phải khóa.


- Anh có mệt không?


Vừa đón chiếc cặp chồng đưa, chị hỏi ân cần. Đáp lời chị, anh Hà khẽ nói:


- Con ngủ rồi hả em? Sao em không ăn cơm trước?


- Con ngủ một lúc rồi. Em chờ chút có sao đâu anh.


Chị Lĩnh nhẹ nhàng nói khi bới cơm cho chồng. Nhìn vầng trán với những nếp nhăn mờ mờ của anh, chị thấy trào lên tình thương. Như cảm nhận được cái nhìn của vợ, anh ngẩng lên:


- Sao em lại ngồi ngẩn ra thế?


- Anh vất vả quá! Chị nghẹn ngào.


- Bữa nay vợ tui sao lại mít ướt vậy? Hà cười và pha trò. Thế nhưng, khi nhìn vợ lỏn lẻn bưng chén cơm ăn, vài sợi tóc mai phất phơ bên gò má, anh thừ người ra trong dòng cảm xúc vừa trào đến.


Mấy năm gần đây, có không ít hộ đồng bào trên địa bàn huyện vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Nhiều hộ đã không còn khả năng chi trả nên phải gán đất, gán nhà cho chủ nợ. Điều nguy hiểm và khó khăn khi xử lý là đa số con nợ và chủ nợ giao dịch bằng tờ giấy viết tay. Chủ nợ khi giao tiền là trừ luôn số tiền lãi chứ không viết tiền lãi trong giấy vay. Hà thấy trăn trở và xót xa cho những người dân phải bán cà phê non, lúa non cho thương lái và chủ nợ. Cái vòng luẩn quẩn đó nếu không gỡ ra thì sẽ khiến người dân đói nghèo hoài hoài.


Chiều nay, trên đường về nhà, anh rẽ vào ngôi nhà kiểu Thái bề thế bên ven quốc lộ. Một người đàn ông chừng ngoài 60 tuổi đang ngồi nhàn nhã bên gốc cây vải thiều ngắm giò lan mới nở. Ông ta cười xởi lởi:


- Chào chú Hà! Sao hôm nay lại có thời gian đi chơi vậy?


Anh cười chào lại rồi khẽ chạm vào nhành lan trắng muốt đong đưa trong gió:


- Chú sướng nhất! Ngồi ngắm hoa lan, chơi cờ tướng suốt ngày!


- Trời đất! Tôi cũng bình thường! May nhờ con cái gửi tiền cho chứ không…


Hà khẽ cười thầm trong bụng. Cả vùng này ai cũng biết ông ta chuyên cho vay lãi, tuy nhiên khó bắt được vì ông ta cũng như các chủ nợ khác, chỉ ghi tờ giấy viết tay và số tiền nợ, khi đưa cho con nợ là trừ luôn tiền lãi. Bà Hồng vừa vay của ông ta ban đầu có 300 triệu đồng, mấy năm qua đã lên thành tỷ mấy…


- Chú à! Nhà chị Y. hồi này vợ chồng còn hay ồn ào không chú?


- Ồn gì đâu? Ai về nhà nấy rồi!


Ông nói tỉnh queo, rồi lại tiếp tục ngắm nghía mấy nhánh lan. Y. là nhà hàng xóm sát bên hông nhà ông. Theo như các anh nắm được thì do chị trót vay ông H. để cho vay lại lấy chút lãi nên giờ thành nợ quá nhiều, người chồng thường xuyên đánh đập, hai người đã nộp đơn ly dị, đang chờ ngày ra tòa.


- Cháu nghe nói vợ chồng chị ấy sắp bỏ nhau vì nợ, đứa con trai lớn cũng định bỏ học. Thấy tội tụi nhỏ quá! Mà cái vụ cho vay lãi đó ác ôn thật. Lãi gì mỗi ngày 1 triệu trả hơn chục ngàn đồng.


- Thì mình cần thì vay, chứ ai ép được mình phải vay đâu? Ông H. nói với giọng hơi khó chịu.


- Vâng, đúng vậy. Nhưng lãi cũng vừa phải thôi, chứ nặng vậy, tội người nghèo lắm chú!


- Bên cần vay, bên có tiền... Còn người có tiền, họ phải quay vòng, làm kinh tế mà.


- Dạ, cháu biết! Nhưng làm kinh tế hợp pháp và cũng nên có tình người, chứ mình lấy lãi quá cao đến mức để người nợ phải gán nhà thì không còn tình cảm xóm giềng, tình người nữa chú!


Tự nhiên giọng Hà rắn rỏi lên. Ông H. khẽ liếc mắt nhìn sang anh rồi cười nhạt:


- Chú đi làm có lương, chú nói vậy. Người ta có tiền thì cho vay lấy tiền kiếm sống, cũng vì cuộc sống thôi... Với lại, chú nói vậy, thế chứng cớ họ cho vay lãi đâu? Chú làm được không?


Câu nói ấy đánh trúng chỗ mà bấy lâu nay Hà cùng các đồng đội trăn trở. Các anh đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức nhiều buổi phát động người dân tập trung để tuyên truyền, hướng dẫn tiếp cận với các nguồn tín dụng từ ngân hàng, tránh vay ngoài với lãi suất cao. Các anh còn tìm gặp và răn đe, đấu tranh với các đối tượng cho vay nặng lãi bên ngoài xã hội. Tuy nói thì dễ nhưng khi thực hiện rất khó...


Tiếng con thạch sùng kêu trên mái nhà làm Lĩnh tỉnh giấc. Quờ tay sang chồng, nghe nhịp thở cố tỏ ra bình thản, chị biết anh chưa ngủ. Chị khẽ lùa tay vào mái tóc anh. Từ khi lấy nhau, mỗi khi anh khó ngủ, chị vẫn thường mát xa đầu anh như vậy. Những đêm anh vắng nhà, chị trăn trở không ngủ được. Tiếng gió xạc xào trên cành vú sữa mà nghe như tiếng chân ai bước. Chị hình dung ra anh đang phải lặn lội cùng đồng đội trinh sát theo dấu các đối tượng phạm tội.


- Em chưa ngủ à?


Tiếng anh khẽ thầm thì bên tai. Chị ôm anh chặt hơn:


- Thì anh cũng chưa ngủ đấy thôi!


- Ừ! Dạo này nhiều bà con mình bị vướng vào tín dụng đen quá!


- Vậy mình đành chịu hả anh?


- Còn nhiều khó khăn đấy. Nhưng bên anh đã cùng UBND triệu tập cuộc họp với bà con từng địa bàn để tuyên truyền về việc vay vốn. Từ đó hạn chế và chặn đứng nạn cho vay nặng lãi của các hộ tư nhân.


- Chắc cũng khó anh hả?


- Ừ khó đấy! Nhưng phải làm em ạ! Mà thôi em ngủ đi.


Chị vùi đầu vào lồng ngực rộng của anh. Đêm bình yên trôi. Tiếng gió ngoài tàng cây vú sữa khe khẽ thì thào đưa đất trời và con người vào giấc ngủ êm đềm.



. Truyện ngắn của Bích Thiêm