10:11, 16/11/2018

Câu chuyện giáo dục

Sắp tới ngày Nhà giáo 20-11, cuối tuần này tui với ông sắp xếp đi thăm cô giáo cũ nhé! Một năm có một ngày, chắc cô giáo sẽ rất vui khi gặp lại trò cũ…

- Sắp tới ngày Nhà giáo 20-11, cuối tuần này tui với ông sắp xếp đi thăm cô giáo cũ nhé! Một năm có một ngày, chắc cô giáo sẽ rất vui khi gặp lại trò cũ…


- Nhớ hồi xưa đi học, tui với ông đã từng bị cô phạt vì mấy cái trò nghịch ngợm, sợ mà lại thương cô vô cùng, vì cô lúc nào cũng hết lòng với học sinh. Nhớ ngày xưa lại nghĩ ngày nay… Giờ mà học trò bị cô giáo đánh đòn như tui với ông, thế nào cũng có chuyện, phụ huynh sẽ lên cật vấn ngay. Tui thấy nhiều người cũng làm quá, con mình hư thì cô mới phạt, thế mà cứ bênh con ầm ầm.


- Ừ thì cũng tùy, phạt thế nào cho đúng, chứ cứ nhét khăn lau bảng vào mồm hay bắt con ông ngậm bút, hoặc nhúng trẻ vào thùng nước, đánh đập đủ kiểu như tra tấn thì ông có chịu được không? Tuần này Quốc hội cũng đang thảo luận Luật Giáo dục, có bàn về nâng chuẩn cho giáo viên mầm non, tui thấy thật xác đáng. Đạo đức và trình độ nghề nghiệp của giáo viên, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, thế nên phải có cách giáo dục đúng đắn. Chứ gửi con trúng chỗ dạy học theo kiểu bạo lực thì… chết thật!


- Đồng ý với ông! Có điều là nhiều chỗ tui cũng băn khoăn lắm. Chẳng hạn như có dự thảo quy định xử phạt giáo viên xúc phạm danh dự và thân thể học sinh, mức phạt lên đến mấy chục triệu đồng. Không lẽ con ông hư, cô giáo mắng có vài câu, không dùng những lời lẽ khó nghe nhưng phụ huynh cứ kiện thì làm thế nào? Trong lớp vài chục học sinh, có những đứa cũng phá phách như tui với ông hồi xưa, không la mắng thì cô phải làm sao, năn nỉ à?


- Ừ thì mới chỉ là dự thảo thôi mà, người ta còn mất nhiều thời gian để nghiên cứu, chỉnh sửa, quy định xem la mắng như thế nào mới gọi là xúc phạm, ông lo gì. Có điều tui nghĩ phạt tiền mới chỉ là biện pháp “ngắt ngọn”. Quan trọng vẫn là lấy giáo dục làm gốc…


- Thế thì các bác chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm: giảm tải chương trình cho chuyện học bớt căng đi; nâng lương cho giáo viên để họ sống được với nghề, khỏi lo chuyện dạy thêm dạy bớt; rồi thì giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tạo môi trường học đường không có bạo lực… Làm được như thế thì không còn cảnh mỗi ngày đến trường là mỗi ngày cả học sinh lẫn phụ huynh đều lo nơm nớp vì chuyện chạy điểm chạy trường chạy lớp, chạy đua theo thành tích…


- Ông nói chí phải!!! Chắc là còn lâu lắm mới được như thế!


BẢO BẢO