07:11, 19/11/2016

Thầy Nhân!

Chúng tôi theo thầy đến thăm nhà Phong. Qua mấy ngày mưa dầm, con đường đất đỏ nhão nhoẹt và chằng chịt những vết xe cùng la liệt rác. Đi được một đoạn, thầy lại quay đầu nhắc nhở chúng tôi cẩn thận đường trơn. Chúng tôi vâng lời, cứ đi theo bước chân thầy chầm chậm, chắc chắn.

Chúng tôi theo thầy đến thăm nhà Phong. Qua mấy ngày mưa dầm, con đường đất đỏ nhão nhoẹt và chằng chịt những vết xe cùng la liệt rác. Đi được một đoạn, thầy lại quay đầu nhắc nhở chúng tôi cẩn thận đường trơn. Chúng tôi vâng lời, cứ đi theo bước chân thầy chầm chậm, chắc chắn.


Nhà Phong là nhà tình thương nhỏ nhắn xây từ bốn năm trước khi ba Phong bị tai nạn lao động. Mẹ Phong mất sớm, trong nhà chỉ còn hai cha con dựa dẫm vào nhau. Rồi ba Phong nằm đó, Phong chìm trong bộn bề công việc và lo toan. Có lẽ thế nên cậu muốn nghỉ học.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Chúng tôi có năm người nhưng nhà chỉ có ba cái ghế. Phong ngượng ngùng nói: “Thầy với bạn lại giường với ba em nhé”. Thầy đưa ánh mắt trìu mến nhìn hai cha con Phong. Thầy đến vỗ nhẹ vai Phong rồi trao gói quà của lớp. “Cố lên em! Thầy cùng cả lớp luôn bên em, chia sẻ với gia đình em”. Phong không nói một lời nào, nước mắt từ từ lăn xuống. Thầy tiến về phía giường ngồi mé bên ba Phong, từ tốn giới thiệu và hỏi thăm bệnh tình của ba Phong. Ba Phong cố cười đáp lại. Ông vừa làm phẫu thuật ghép lại xương. Cú ngã giáng trời từ giàn giáo xuống khiến thân thể ông trầy trụa, sưng tấy, vài chỗ băng vết thương còn rỉ đỏ.


Thầy nhắc đến chuyện học hành của Phong với ông. Nét mặt ông đột nhiên chuyển sắc buồn bã và nhăn nhúm. Ông đưa mắt nhìn con trai đang đứng lặng yên rồi chần chừ: “Tôi khó xử lắm nhưng biết làm sao được. Bây giờ tôi nằm đây, mọi chuyện phải trông cậy vào nó thôi. Tôi vừa làm phẫu thuật, viện phí phải vay nợ người ta”. Thấy ông cúi mặt bất lực, thầy cũng lặng lẽ. Đôi mắt thầy chấp chới nhìn về một khoảng xa, có lẽ là về tương lai của Phong - cậu học trò giỏi giang và ba cậu - người đang mất sức gánh vác gánh nặng mưu sinh.


Thầy trò chúng tôi ra về trong bao nỗi phân vân. Ra tới đường lộ, thầy tập trung các bạn lại: “Các em sẽ cùng thầy giúp đỡ gia đình bạn Phong chứ? Thầy tin rằng có chúng ta tiếp sức, Phong sẽ tiếp tục tới trường”. Trăn trở của thầy khiến chúng tôi cảm phục và lay động.


 Chủ nhật, chúng tôi lại đến nhà Phong. Phong đang cặm cụi cuốc đất dăm luống rau. Chúng tôi cũng vào giúp sức. Thầy nhổ từng lùm cỏ rồi nhìn chung quanh. Vườn nhà Phong rộng rãi, đất mềm, tơi xốp. Thế là thầy chụp lấy tay Phong reo lên: “Chúng ta nên tận dụng mảnh đất này trồng cà chua. Nó sẽ giúp gia đình em có thêm nguồn thu”. Phong tin và háo hức nghe lời thầy.


Mảnh vườn được đào xới kỹ càng, chúng tôi cùng nhau thả những hạt giống hy vọng xuống đất. Những hạt mầm dần lớn lên bằng công nuôi dưỡng của thầy trò. Rồi những trái cà chua to tròn, đỏ mọng đong đưa trước mắt chúng tôi sau bao ngày kỳ vọng như những ánh lửa rực rỡ thắp lên trong lòng mỗi thầy trò. Dường như chúng tôi không chỉ thu hái cà chua mà còn gặt về cho riêng mình những hạnh phúc đơn sơ,thuần khiết. Vui nhất là Phong, nụ cười của cậu lúc này ngập tràn hạnh phúc. Cậu sẽ kiếm được một số tiền trả nợ, cậu còn có thể yên tâm đến trường thay vì ra đồng tìm xin việc làm lo tiền ăn uống hàng ngày... Biết bao điều tốt đẹp đang diễn ra trong đầu một cậu bé. Còn thầy tin vào sự kiên cường của cậu học trò. Niềm vui của thầy chỉ giản dị như thế.


 Áp lực gia đình Phong giảm bớt, kết quả học tập của cậu càng tiến bộ. Ba Phong dần hồi phục sức khỏe và có thể bắt đầu trở lại làm trụ cột gia đình. Dù thế, thầy vẫn thường xuyên lui tới thăm nom gia đình Phong. Thầy mang tặng Phong những cuốn sách mà thầy quý nhất. Trong mỗi bìa sách, thầy ghi tặng Phong một câu nói hay nào đó. Thầy muốn truyền tất cả mọi động lực cho Phong.


 Có lúc chúng tôi trách thầy thiên vị cho Phong mà nào biết thầy đã dành cho tất cả chúng tôi một món quà quý giá, đó là tình yêu thương và những bài học từ tình thương. Thầy yêu mến tất cả chúng tôi - những người học trò đầu tiên đã truyền niềm tin yêu nghề đến cho thầy. Trong cuốn sổ chia tay thực tập, thầy đã dành mỗi trang viết tâm sự gửi lại cho từng người chúng tôi. Càng đọc chúng tôi càng hiểu thêm tấm lòng thầy, càng thiết tha muốn níu giữ thầy ở lại.


Ngày chia tay thầy chùng chình trong sự lưu luyến. Chúng tôi nhào lên ôm lấy thầy, vỡ òa nước mắt và trao tặng thầy những món quà kỷ niệm. Mắt thầy ngân ngấn, thầy đặt tay lên ngực trái, giọng thầy lạc đi nhưng trầm lắng, ấm ấp: “Các em mãi có một vị trí quan trọng ở đây. Cảm ơn các em đã giúp đỡ thầy trong thời gian qua. Chúc các em luôn vui vẻ và học tập thật tốt nhé”. Bài hát “Tạm biệt” chúng tôi cất lên nghẹn ngào.


 Đoạn ký ức về thầy như cuốn sách cất kỹ rất nhiều năm tôi không chạm tới. Hôm tôi gặp lại Phong, nó lại như mới mẻ và chúng tôi ngồi lần giở lại những trang đầu tiên. Phong giờ đây đã trở thành một nhà giáo noi gương thầy, Phong luôn mang theo mối ân tình của thầy. Đoạn đò mà thầy đưa chúng tôi qua dẫu ngắn ngủi nhưng ở đó có lắm thăng trầm, gian khó. Cảm ơn thầy đã vì chúng tôi và đưa chúng tôi đến sự trưởng thành. Chúng tôi tự hào và ấm lòng biết mấy khi gọi tên thầy: Thầy Nhân.


 . Truyện ngắn của Phạm Thị Hiền