07:12, 27/12/2014

Cửa biển

Băng qua cung đường hè hừng hực nắng và gió Lào, những cơn mưa cuối mùa không còn hung hăng như trước nhưng vẫn cứ bất chợt ào ào đổ xuống.

Băng qua cung đường hè hừng hực nắng và gió Lào, những cơn mưa cuối mùa không còn hung hăng như trước nhưng vẫn cứ bất chợt ào ào đổ xuống.


Ngãi dừng xe đạp bên gốc phượng già, lấy áo mưa ra mặc thì nghe tiếng ai hỏi:


- Đi chợ về hả Ngãi?


Ngãi dáo dác nhìn quanh nhưng chẳng thấy gì, bởi mưa trắng xóa và người hỏi lại mặc áo mưa màu bạc, ngồi câu bên dòng sông sáng bạc phía bên kia đường. Rồi khi người ấy đứng lên và tiến về phía cô với nụ cười hân hoan và con cá trắm khá lớn trong tay thì cô mới thật sự mừng vui:

Minh họa: T.V
Minh họa: T.V


- Ơ, anh An, mưa gió thế này mà cũng ra sông ngồi câu được à?


- Mưa bụi thôi, câu thế mới thú chứ.


- Công ấy... ra chợ... là ăn chắc.


- Không triết lý với cô, cho tôi gửi bữa trưa nhé - An đặt con cá vào giỏ xe của Ngãi.


- Ơ... đâu mà tự nhiên vậy...


- Chén đơn đũa chiếc hoài, không chán sao?


- Em quen rồi.


- Vậy thì cứ liu riu một mình đi nhé...


Ngãi cười: - Em về trước đây.


Tình yêu của họ bắt đầu từ đó, thêm thắt ít mặn nồng, giận dỗi và quãng thời gian mấy năm dạy chung trường đủ để ba lô của An căng phồng tiếc nuối khi anh cùng vài đồng nghiệp xung phong ra đảo làm nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy giáo. Thời gian giúp cho người ta dễ dàng thích nghi mọi hoàn cảnh. Và An bằng lòng với hoàn cảnh cũng như công việc của mình. Cũng chừng ấy chuyện: lên lớp, soạn giáo án, chấm bài vở và thăm hỏi chòm xóm, nhưng ở đây An có nhiều thời gian dành cho suy ngẫm, viết văn, làm thơ hơn là trong đất liền. Những bài văn, thơ về biển đảo, về đời vạn chài An viết rất sống động. Cộng với tính cần cù, nhẫn nại và hiền lành, An là đích ngắm của nhiều cô gái chân chất trên đảo.


- Thầy An, mẹ bảo em mang cháo cá sang để thầy dùng bữa tối - Em gái cô giáo Thủy khép nép.


- Chị em bày vẽ quá... Anh cảm ơn mẹ và các em nhiều nhé.


Rồi An chợt nhớ điều gì, anh đứng dậy mở tủ lấy gói quà ra trao cho cô bé:


- Có hộp sữa, cân đường... anh biếu mẹ.


- Ai tặng anh à?


- Quà nhân ngày hăm bảy tháng bảy của anh đó, cô bé...


- Anh là thương binh?


An cười, gật đầu.


- Chị Thủy nói anh làm được bài thơ nào mới chưa, đưa chị đọc.


- Hôm nay không có, lo dọn hồ chuẩn bị đón mưa.


- Vậy em về ạ.


An tiễn em gái Thủy bằng ánh mắt trìu mến cho đến khi cô bé khuất hẳn. Hoàng hôn dần buông, thuyền thúng, thuyền thoi cũng đã gối đầu lên bến để mặc những con tàu đánh bắt xa bờ với tải trọng lớn không thể cập cảng nước nông thả neo ngoài xa. Không có đêm để cho ánh đèn câu yên ngủ, biển như một mâm nến khổng lồ với vạn ngàn điểm sáng lung linh. Ở đó có đủ gian lao vất vả nhưng cũng đầy ắp tiếng cười; cũng chén chú chén anh, khi mà cá đã đầy khoang. An đã yêu nỗi nhọc nhằn của cư dân ở đây từ khi nào không biết nữa, chỉ biết là anh thường hay đàn và hát cho họ nghe mỗi khi có dịp. Chính vì vậy mà họ coi An như người nhà...


Không có thời gian để trở về thăm trường cũ, người xưa ngoài những lần gặp Ngãi ở các cuộc họp của phòng Giáo dục huyện, họ không thể đi đến một đồng thuận nào về hạnh phúc tương lai. Ngãi có mẹ già đơn chiếc ở quê, nơi cô đang dạy học nên không thể ra đảo chung sống với An. Còn An không muốn rời xa nơi này bởi anh quá gắn bó với cuộc sống dân chài nơi đây. Thương họ, An càng thương cái nghèo nơi này quá đỗi. An cũng thương mái trường luôn phải chằng buộc bằng bao cát và dây thừng mỗi khi mùa bão đến. Còn đám học trò thì khỏi nói, chẳng nơi nào có thể đáng thương hơn.


- Cố gắng em nhé - An thủ thỉ khi anh và Ngãi gặp nhau sau một cuộc hẹn hò - Anh luôn nhớ về em và cầu mong em hạnh phúc.


Ngãi không khóc, cô nhìn về phía biển, nửa tiếc nuối cho mối tình đầu, nửa muốn An đem hết đức tài vì nơi này mà cống hiến. Không ai hiểu, chỉ một mình Ngãi hiểu rằng cô đã không vì hạnh phúc của riêng mình mà làm đau đớn bao trái tim...


Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu