23:18, 07/01/2025

Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Giang Nam

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Chỉ tính riêng về thơ, trong sự nghiệp sáng tác của mình, cố nhà thơ Giang Nam đã xuất bản 12 tập thơ. Thơ ông hầu hết là những bài ca trữ tình gắn liền với quê hương đất nước, với những bản hùng ca của dân tộc; phản ánh nhiều đề tài, đa dạng về hình tượng nhân vật, trong đó hình ảnh người phụ nữ được ông khắc họa khá đậm nét trên nhiều bình diện. 

Ảnh: Nhà thơ Giang Nam (người thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội ở chiến trường - Ảnh tư liệu.
Nhà thơ Giang Nam (người thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội ở chiến trường. (Ảnh tư liệu)

Xưa nay bạn đọc thường nhắc tới bài thơ nổi tiếng “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam được sáng tác vào năm 1960, với những lời thơ sâu lắng. Không chỉ diễn tả một câu chuyện tình đầy xúc động, đó còn là bài ca về một người nữ du kích kiên cường đã nằm xuống, hòa mình vào quê hương, sông núi: “Giặc bắn em rồi quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích, em ơi!/Đau xé lòng anh, chết nửa con người!/Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi.../Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi!”. Một bài thơ khác, “Nghe em vào đại học” được sáng tác năm 1961, cũng là bài thơ rất lôi cuốn bạn đọc, trong đó hình ảnh người con gái hiện lên trong bức tranh hồi tưởng đậm chất nhân văn. Nhưng không chỉ có ở 2 bài thơ trên, hình ảnh người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp đã xuất hiện ở rất nhiều tác phẩm thơ khác của nhà thơ Giang Nam.

Tham gia cách mạng ngay từ ngày những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Khánh Hòa, rồi sau Hiệp định Genève (năm 1954), đang là Phó trưởng Ty Thông tin Khánh Hòa, nhà thơ Giang Nam được điều động ra Bắc để học lên đại học nhưng ông từ chối, về lại Khánh Hòa hoạt động. Đến năm 1962, ông được điều động lên Khu VI, rồi về chiến trường Nam Bộ công tác. Cũng từ đây, nhà thơ đã chứng kiến và đưa vào thơ mình nhiều tấm gương phụ nữ với những phẩm chất cao quý trên trận tuyến chống quân thù. Ở các nhân vật nữ ấy luôn toát lên vẻ đẹp dung dị, không chút tô điểm như: “Môi em cười như hoa bưởi, hoa sen/Tươi mát những dòng sông mùa mít ngọt (Chiến thắng); hay như “Chị đứng đó, quần trên gối xắn cao/Nón rách cầm tay, cả cuộc đời hiền lành, lam lũ” (Chiếc áo cuối cùng)… Hình ảnh chiếc áo của chồng từ chiến khu gửi về, được đắp cho con qua thơ Giang Nam đã nói lên biết bao điều sâu lắng: “Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/Nó khóc làm em cũng khóc theo/Anh gởi về em manh áo cũ/Đắp cho con, đỡ nhớ anh nhiều" (Lá thư thành phố). Đây là những câu thơ được nhiều nhà nghiên cứu xếp vào số những câu hay viết về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ.

Sau Hiệp định Genève, với âm mưu thâm độc, ở miền Nam, kẻ thù đã tiến hành nhiều hình thức ly gián nhằm chia cắt tình cảm của gia đình, người thân với các chiến sĩ cách mạng, với Đảng. Dưới áp bức, đòn roi, có trường hợp người phụ nữ nhiều lúc tưởng mình không thể vượt qua được, nhưng rồi nghĩ về chồng, về cách mạng, họ quyết bảo vệ lòng kiên trung của mình. Bài thơ “Trước tờ giấy trắng” của Giang Nam là một bài thơ viết về chủ đề này, trong đó, sau những trăn trở trước giờ phút cam go nhất “Có nên viết để con ta được sống/Dù một ngày, một buổi nữa rồi thôi/Đứt ruột sinh con đêm nào mình mẹ/Lẽ nào giọt nắng chết trên nôi…”, người phụ nữ đã đi đến quyết định: “Chị bỗng vùng lên, tưởng đang nắm tay chồng/Day dứt quá giữa buồn vui mừng giận/Lũ quỷ ập vào, dí súng bên hông/Chị vẫn ngồi nghiêm trước tờ giấy trắng”.

Một chủ đề khá nổi bật khi viết về người phụ nữ trong thơ Giang Nam đó là sự góp phần đắc lực của họ trong trận tuyến trực tiếp sản xuất nuôi quân và đánh giặc. Những người mẹ cầm súng, những cô gái thanh niên xung phong đang độ mười tám, những cô du kích trẻ…, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai nấy đều dũng cảm, kiên trung, sẵn sàng hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Chứng kiến, cảm phục, rồi từ hiện thực, nhà thơ Giang Nam đã khái quát đưa vào thơ với những câu chữ giản đơn nhưng chứa đầy dấu ấn của thời đại: “Chị là “con nhỏ giải phóng quân”/Của má đưa đò ngang sông Cái/Chị là ngôi sao xanh đỉnh núi/Thao thức đêm dài soi bóng người thương…” (Chị). Mượn những nét bình dị trong cuộc sống để làm nổi bật cái đẹp của người phụ nữ trong chiến đấu được nhà thơ Giang Nam sử dụng ở nhiều bài thơ, trong số ấy có bài “Đội du kích anh hùng”. Trong bài thơ này, có những hình ảnh đọc một lần, người đọc sẽ còn nhớ mãi, chẳng hạn như: “Anh đón em, người em gái anh hùng/Nắm chặt bàn tay đen đúa nắng bùn/Thương quá những đêm cắt rào, nhổ trụ”.

Viết về người phụ nữ, nhà thơ Giang Nam không né tránh sự khổ đau, mất mát. Những cuộc sinh - ly - tử - biệt đậm tính sử thi từ hiện thực của cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt đã vào thơ ông đầy chất lãng mạn cách mạng, trong đó có những câu như: “Rừng núi mùa xuân hoa nở trắng/Em nằm đây nghe gió thoảng trên đồi/Với chim ca, với suối nguồn, nắng ấm/Mắt đen tròn nhìn mãi đám mây trôi” (Gởi lại cây rừng).

Sau năm 1975, đất nước được hòa bình, thống nhất, nhà thơ Giang Nam từ giã chiến trường về nhận công tác tại TP. Hồ Chí Minh, rồi Hà Nội và đến năm 1989 trở về Khánh Hòa, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, sau đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho đến khi nghỉ hưu. Đây là giai đoạn ông đi nhiều nơi, tiếp tục sáng tác, và thơ ông như những khúc hát tươi vui đề cập tới nhiều khía cạnh của cuộc sống. Trong đó, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện với những bức tranh mới lung linh nhiều sắc màu. Chẳng hạn như: “Lúa sắp vào vụ gặt, vườn đầy trái non/Công trường mới mọc lên ngổn ngang vôi gạch/Đôi mắt em cười, ôi đôi mắt miền Trung rất đẹp/Nơi ngày xưa máu đổ, nay bát ngát mùa xuân” (Qua cầu Sông Cạn, mùa xuân); hoặc như: “Đêm hội mùa xuân, em hát bài chòi/Anh lại nghe trăm miền thương nhớ cũ/Con sông nhỏ, cát vàng nhìn thấy đáy/Người đi hội xuân, soi đuôi mắt làm duyên” (Nghe em hát bài chòi). Một lần về thăm lại chiến trường cũ ở tứ thôn Đại Điền (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), nhà thơ Giang Nam đã có những câu thơ đầy xúc động với những người nữ đồng đội đã nằm xuống: “Tổ quốc ta, Tổ quốc những người dũng cảm/Mãi nhớ ơn người biết sống như em” (Viết ở Đại Điền).

Mùa xuân này đúng 2 năm nhà thơ Giang Nam qua đời (ngày 25-1-2023). Ông ra đi nhưng thơ ông vẫn mãi sống trong lòng người đọc, trong đó có hình tượng về người phụ nữ đậm chất trữ tình và nhân văn.

HOÀNG NHẬT TUYÊN