Khánh Hòa được biết đến là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Để giữ gìn, phát huy giá trị tốt đẹp loại hình văn hóa, nghệ thuật gắn với đời sống tâm linh của người dân, nhiều năm qua, Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm định hướng các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định, hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong thực hành tín ngưỡng, tâm linh.
Các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024. |
Được thành lập vào năm 2015, đến nay, Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh có 125 thành viên và 21 đoàn dân vũ dân gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na. Các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thường xuyên tổ chức hoạt động tại điện thờ các dịp lễ cúng Mẫu vào mùa xuân, mùa thu, ngày vía Mẫu và ngày rằm, mùng 1 âm lịch hằng tháng. Mỗi dịp như thế đều thu hút sự tham gia của đông đảo thành viên trong đoàn, người dân địa phương. Ngoài ra, các đoàn còn tham gia hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na ở lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, Suối Đổ... Trong quá trình thực hiện hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, nhìn chung các đoàn đều tuân thủ quy định về đảm bảo an ninh trật tự tại điện thờ và địa điểm tổ chức sinh hoạt; đa số các đoàn đều thông báo với chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng…
Theo bà Ngô Mỵ Châu - Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh, qua kiểm tra, hội nhận thấy các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có điện thờ đều bài trí ban thờ đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính, phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu; không gian xung quanh điện thờ, nơi sinh hoạt được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; một số điện có cảnh quan sân vườn xanh - sạch - đẹp; nội dung thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được bố trí hợp lý… Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na trong đời sống nhân dân. Hội cũng chưa phát hiện biểu hiện mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi hay gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na tham gia lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024. |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, những năm qua, hội đã tích cực tuyên truyền, giáo dục để hội viên hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương hướng chỉ đạo của tỉnh và các cơ quan, ban, ngành liên quan về xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia theo hướng xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử văn hóa, di tích văn hóa - tín ngưỡng, di tích danh lam - thắng cảnh; tiến hành xúc tiến, quảng bá hình ảnh về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất Khánh Hòa… Riêng trong năm 2024, hội đã tham gia góp ý đề xuất các nội dung về xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Bảo tàng Trường Sa, Bảo tàng A.Yersin, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh. Hội cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích Tháp Bà Ponagar đề nghị xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; xếp hạng di tích Biệt thự Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp tỉnh; di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) là di tích khảo cổ cấp tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, Viện Nghiên cứu Châu Á (thuộc Trường Đại học Aix - Marseille, Pháp) tổ chức chương trình tọa đàm và triển lãm với chủ đề “Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa”. Bên cạnh đó, hội tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm về công tác bảo tồn, tổ chức hoạt động thực hành các nghi lễ trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa tại các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam, Tây Ninh…
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh tỉnh cho biết, năm 2024, hội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Trong năm 2025, hội tiếp tục chú trọng công tác phát triển hội viên; triển khai hoạt động tuyên truyền di sản văn hóa Khánh Hòa đến các tầng lớp nhân dân và du khách trong nước, quốc tế; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa”; phối hợp tổ chức tốt lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa với quy mô lớn hơn. Cùng với đó, hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra hoạt động của đoàn dân vũ dân gian thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na tại các địa phương trong tỉnh, đảm bảo hoạt động của các đoàn theo đúng tôn chỉ, mục đích và góp phần tích cực trong việc giữ gìn tín ngưỡng văn hóa tâm linh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin