23:20, 29/10/2024

Thêm một công trình đặc sắc về văn hóa dân gian

ANH TRUNG

“Văn hóa phục sức và trang sức của người Khánh Hòa ngày xưa” là công trình nghiên cứu khá đặc sắc của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Triều Dương vừa ra mắt bạn đọc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2024). Không chỉ dày đến hơn 400 trang, nội dung được chuyển tải trong tác phẩm cũng khá rộng, khá phong phú, đề cập tới nhiều nét độc đáo về phục sức, trang sức và cả phong tục, tập quán xưa cũ ở Khánh Hòa ngày xưa liên quan đến các nội dung này.

Sách có 5 phần chính, gồm: Văn hóa may mặc trong dân gian Khánh Hòa xưa; Văn hóa phục sức lễ phục trong dân gian Khánh Hòa ngày xưa; Những tập tục kiêng cữ - vần vè liên quan đến trang phục ngày xưa; Sự dị biệt giữa văn hóa trang sức dưỡng tóc của người Việt với người Hán (Trung Quốc) và văn hóa trang sức trên châu thân của người Khánh Hòa ngày xưa; Văn hóa trang sức và phục sức của hai tộc người thiểu số Ê đê và Raglai cư ngụ trên vùng rừng, trảng ở tỉnh Khánh Hòa ngày xưa. Điều đáng chú ý là xuyên suốt từ đầu đến cuối, cuốn sách đã mang đến cho người đọc cả một kho tư liệu quý hiếm và tất cả được trải dài, bàng bạc qua các phần. Ở đây, người đọc không chỉ bắt gặp hàng chục kiểu áo được người xưa hay sử dụng mà còn biết thời kỳ đó người ta đã dùng các loại vải nào, cách dệt vải, nhuộm vải, may, mặc. Cùng với quần áo, khăn, yếm, cách làm và sử dụng các loại mũ, dù, nón lá, guốc, dép, áo tơi… trong các dịp lễ hội hay sinh hoạt thường ngày (cho cả nam lẫn nữ), qua nghiên cứu, Võ Triều Dương đã miêu tả, giới thiệu khá tỉ mỉ về nhiều lĩnh vực khác như các kiểu tóc, vật dụng trang sức trên thân thể (vòng kiềng, bông tai, kẹp tóc, bịt răng bằng vàng, bằng bạc)... Nhiều vật dụng và nhiều cách sử dụng các vật dụng được viết trong cuốn sách khi đọc qua một lần thật khó quên, chẳng hạn như cách làm và cách mang một đôi dép da trâu, hay cách đan và sử dụng một chiếc áo tơi đi mưa bằng lá…

Đặc biệt, cùng với so sánh văn hóa phục sức, trang sức giữa người Kinh ở Khánh Hòa với các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tác giả luôn mở rộng biên độ, giới thiệu nhiều phong tục tập quán, sử dụng những câu chuyện dân gian để nội dung được đề cập vừa có chiều sâu, vừa tạo cho người đọc dễ tiếp cận. Chẳng hạn như về chuyện dân gian, có những câu chuyện khá hóm hỉnh như: “Giận vợ nói hỗn nhưng người chồng lại xé quần áo và đánh thằng bù nhìn”; “Tiếm dụng áo dài lễ phục cao cấp nên bị phạt đánh bằng roi ngay tại nhà làng”; “Cầm cố chiếc quần mới để có tiền đánh cổ nhơn”; “Nhà sư và ông lý trưởng ẩu đả nhau vì hồi trống bát nhã và bộ lễ phục áo dài khăn đóng”… Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, vè, câu đố cũng được tác giả sử dụng khá nhiều, trong số ấy có nhiều câu hò đối đáp gắn liền với chuyện y phục rất hay diễn ra ở các địa phương trong tỉnh.

Thật khó diễn đạt hết những nội dung cuốn sách đã chuyển tải. Đây là một công trình nghiên cứu công phu và độc đáo, rất cần cho những người quan tâm, tìm hiểu về những di sản văn hóa mà các thế hệ cha ông để lại trên vùng đất được mệnh danh là xứ sở của “non trầm biển yến”.

ANH TRUNG