Có lẽ hầu như chọn lựa chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đem lại cho nhà làm phim một điểm tựa vững chắc với khán giả. Tuy nhiên đó cũng là một áp lực với đạo diễn khi thể hiện sao cho hấp dẫn, tương đối gần với nguyên tác để bạn đọc sách không bị hẫng. Rất may phim Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã làm được điều đó.
Diễn viên Ngọc Xuân trong vai Miền |
Đây là câu chuyện tình tay 3 muôn thuở, với Phúc (Đỗ Nhật Hoàng), Miền (Ngọc Xuân) và Vinh (Avin Lu) từ thuở bé thơ đến khi trưởng thành. Rồi với nhiều biến cố, ngộ nhận éo le đã đẩy 3 nhân vật đến những bờ vực của tình yêu chia ly.
Vinh và Phúc hai chàng trai thân thiết từ bé. Con Miền đúng nghĩa là cô bé học chung một lớp vô cùng xinh xắn, duyên dáng, ngây thơ đã hút hồn hai bạn trai suốt thời tuổi trẻ của mình. Dù rất yêu Miền nhưng Phúc ban đầu có một sự cao thượng là luôn vun vén cho bạn Vinh “còi” của mình đến với Miền, nhưng chính vì sự tử tế và hiệp sĩ đó mà chính Phúc mới là người mà Miền chọn chứ không phải Vinh!
Ba nhân vật chính trong phim |
Lẽ thường trước tình huống đó thì Vinh sẽ ứng xử bồng bột và đúng bản năng nhưng chàng lại hành xử cao thượng cho hai bạn mình. Biến cố xảy ra khi Phúc với Miền đang yêu nhau say đắm thì cha của Phúc vô tình lái xe tưởng gây tai nạn chết người, cộng với sự khắc nghiệt cực đoan của ông nội của Phúc đã đẩy đến tình huống: Phúc phải trốn cùng cha đến tận Lâm Đồng xa xôi để ẩn biệt. Điều vô cùng bi kịch là Phúc khi ra đi biệt tăm để lại cho bạn gái Miền một giọt máu! Cô phải đi lánh tận thành phố nhờ chị gái nhận con thay để giữ thanh danh. Suốt 8 năm đau khổ tuyệt vọng, biệt vô âm tính người yêu… Miền ở lại quê chăm sóc ông nội Phúc bị bệnh và khắc khoải tuyệt vọng để nuôi con (bé Su). Vinh trở lại làng dạy học vẫn thương cảm sự cô đơn của Miền xin cưới. Chuyện tưởng yên vị thì Phúc sau 8 năm trốn cùng cha trở lại quê chôn tro cốt cha và tìm lại Miền. Phúc gặp Su - linh cảm anh đó là con trai mình. Cả ba lại giằng xé nội tâm. Vinh biết tính chuyện, tính để Miền cho Phúc tái hợp và còn mình sẽ rời xa. Phúc giữa đau đớn cũng muốn kéo Miền và con trai đi đến chân trời mới. Nhưng Miền đã chọn Vinh, vì đó là thực tế để Phúc về với quá khứ xa vời… Chuyện phim cảm động với khán giả trẻ nhất là nữ vì nhẹ nhàng, sâu lắng không quá cực đoan.
So với nguyên tác, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tương đối bám sát. Tuy nhiên xử lý câu chuyện rất tinh tế, vì truyện của Nguyễn Nhật Ánh tuy nhẹ nhàng nhưng đây là tác phẩm ông đưa yếu tố yêu đương cảm xúc và tình dục của tuổi trẻ vào nên rất nhạy cảm. Đạo diễn tiết chế vừa phải sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để biến cái hiện thực thành thăng hoa của tình yêu. Là đạo diễn trẻ, có học và tài nên Trịnh Đình Lê Minh đã sử dụng các gương mặt mới trừ Avin Lu đã từng tham gia phim “Em và Trịnh mấy năm trước. Có lẽ không nói quá gương mặt biểu cảm thuần khiết con gái làng quê xưa do diễn viên Ngọc Xuân đã lột tả nhân vật Miền làm hút hồn khán giả. Các nhân vật trẻ em trong phim đóng cũng rất đạt hồn nhiên, không bị cứng.
Cũng như các phim khác từ truyện Nguyễn Nhật Ánh: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt Biếc thì Ngày xưa có một chuyện tình cũng tận dụng tối đa cảnh sắc thiên nhiên đồng quê. Ở đây lại là làng quê đồng lúa của tỉnh Phú Yên với những ngôi nhà xưa cổ kính, cánh đồng lúa mênh mông, dòng sông, thác suối đẹp đã làm lên các cảnh phim hợp thời lãng mạng của tuổi trẻ hôm nay.
Khán giả xem phim ngày khởi chiếu |
Phim tương đối dài tới 135 phút, nhiều đoạn chủ yếu đặc tả cảnh vui chơi nghịch đùa của trẻ em. Chỉ mãi tới những khúc cuối phim mới thể hiện rõ yếu tố câu chuyện chính mà tác giả muốn nói. Phim có chút khiên cưỡng thiếu logic như vì sao Phúc phải bị ba bắt đi và “nhốt “ tới 8 năm khi mà Phúc không phải đối tượng truy nã gây tai nạn gây chết người (do hiểu lầm chứ nạn nhân không bị xe gây chết), chỉ đến khi cha Phúc chết mới nói rõ và Phúc được trở về cố hương tìm người yêu. Phúc nói và linh cảm Miền có con với mình mà không sao liên lạc với Miền suốt 8 năm? Đây là tình huống làm người xem lăn tăn chưa thông.
Hình ảnh, âm nhạc và tiết tấu phim rất hấp dẫn. Phim có nhiều khung hình đẹp đúng như chất “Làng quê Nguyễn Nhật Ánh”. Có lẽ dù mới chiếu nhưng Ngày xưa có một chuyện tình sẽ tiếp tục xếp vào các tác phẩm điện ảnh thành công.
MY ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin