Cuối tháng 9, nhạc sĩ Hình Phước Liên vinh dự được nhận giải thưởng Đào Tấn cho chùm ca khúc “Bà về ngự chốn non tiên” và “Chiều nghiêng tháp cổ” ở hạng mục tác phẩm xuất sắc. Đây là 2 trong số nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Hình Phước Liên sáng tác về đề tài Thiên Y Thánh Mẫu - hình tượng tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Khánh Hòa và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực.
Mới đây, tại Thủ đô Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc cùng với Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn hóa Nghệ thuật Đào Tấn năm 2024. Qua đó, Ban tổ chức đã tôn vinh 18 tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ở hạng mục tác phẩm xuất sắc, chùm ca khúc “Bà về ngự chốn non tiên” và “Chiều nghiêng tháp cổ” của nhạc sĩ Hình Phước Liên đã vinh dự được trao giải cùng các tác phẩm của các tác giả khác gồm: Trường ca “Những người lính của làng” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; “Tuyển thơ Trần Vũ Mai”- nhà thơ Trần Vũ Mai; “Tuyển thơ Đỗ Nam Cao” - nhà thơ Đỗ Nam Cao; Tượng đài “Bác Hồ với miền Nam” được đặt ở đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của nhà điêu khắc Vương Duy Biên; cụm 3 tác phẩm tượng “Những người lính giữ đảo”, “Đất đai” và “Lời ru mùa xuân” của nhà điêu khắc Lưu Thanh Lan.
Ca khúc “Bà về ngự chốn non tiên” của nhạc sĩ Hình Phước Liên do Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dàn dựng biểu diễn. |
Ca khúc “Bà về ngự chốn non tiên” được nhạc sĩ Hình Phước Liên sáng tác năm 2023, sau đó được Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dàn dựng cho chương trình biểu diễn của đoàn. Tiết mục này cũng được sử dụng trong chương trình "Trăng soi dáng tháp" diễn ra tại di tích Tháp Bà Ponagar vào đêm rằm hàng tháng. Gần đây nhất, ca khúc “Bà về ngự chốn non tiên” là một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Hương trầm tỏa sắc" của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dàn dựng để tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 2) diễn ra tại tỉnh Bình Dương đầu tháng 10. Chất liệu âm nhạc trong ca khúc xuất phát từ làn điệu hát chào mời trong nghệ thuật hát bóng rỗi Nam Bộ, vừa mang âm hưởng âm nhạc của nghệ thuật bài chòi cổ ở vùng đất Nam Trung Bộ, vừa pha một chút phong vị của hát chầu văn. Tiết tấu trong ca khúc được phát triển từ hát chầu văn miền Trung. Nội dung ca khúc thể hiện hình ảnh một người lên tháp với mong muốn cầu nguyện về sự an nhiên trong tâm hồn và trong cuộc sống: “Bà về ngự chốn non tiên/Kìa Doanh Châu, này Viên Kiệu, nọ Phương Hồ, rồi Bồng Lai/Con ngồi đây dưới cội hoa vàng/Nghe kinh Thánh Mẫu, lòng bàng hoàng tỉnh cơn mê/Non Cù một bóng trăng mơ/Nơi khơi xa Hòn Yến sóng xô trắng ghềnh/Con cúi đầu nguyện với ơn trên/Xin an nhiên cùng nẻo nhớ đường quên đi về…”.
Ca khúc “Chiều nghiêng tháp cổ” hay còn được biết đến với tên gọi khác là “Lên tháp cầu duyên” cũng là một sáng tác thể hiện rõ cảm xúc viết về đề tài Thiên Y Thánh Mẫu. Trong đó, có những câu hát thể hiện niềm ước nguyện duyên lành: “Tình em xin như con sông mênh mông không đổi thay dòng/Tình em mãi như hoa nắng trong chiều lung linh cùng tháp cổ/Chiều cổ Pô Inư Nagar cho chúng con tròn ước nguyện/Pô Inư Nagar cho chúng con tròn duyên…”.
Ngoài 2 ca khúc trên, nhạc sĩ Hình Phước Liên còn có những tác phẩm khác về đề tài Thiên Y Thánh Mẫu như: “Sông mẹ ta ơi”, “Tháp Bà lung linh và huyền thoại”, “Nắng vàng trên tháp cổ”, “Lời yêu đêm hội”, phần nhạc trong vở kịch múa "Huyền thoại Pô Inư Nagar"… Hầu hết những tác phẩm về đề tài này của nhạc sĩ Hình Phước Liên đều đã được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, hoặc đạt giải thưởng tại những cuộc thi về văn học nghệ thuật trong nước. Nhìn lại “gia tài” hơn 300 ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Liên đưa tới công chúng, mảng đề tài về Thiên Y Thánh Mẫu chỉ chiếm số lượng khiêm tốn (khoảng 10 tác phẩm). Nhưng ở thời điểm hiện tại, đề tài viết về Thiên Y Thánh Mẫu đang được nhạc sĩ dành sự quan tâm lớn. “Không hiểu sao trong những năm vừa qua, tôi rất có cảm xúc khi tìm hiểu và viết về đề tài Thiên Y Thánh Mẫu. Cách đây 5 năm, tôi có sử dụng một số bài thơ viết về Thiên Y Thánh Mẫu để phổ nhạc và từ đó nảy sinh ý tưởng nghiên cứu để viết mới hoặc làm một cái gì đó mới liên quan đến đề tài này mà lâu nay ít người quan tâm”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.
Trong các ca khúc về Thiên Y Thánh Mẫu của nhạc sĩ Hình Phước Liên đều sử dụng chất liệu, giai điệu, tiết tấu mang âm hưởng âm nhạc dân gian, dân tộc. Cách thức âm nhạc được ông sử dụng là âm nhạc của người Việt, nên những bài hát này vừa phù hợp cho lối hát của những tín đồ theo đạo Mẫu trong các buổi thực hành nghi lễ, vừa có thể dàn dựng và biểu diễn theo kiểu âm nhạc đương đại để phục vụ đông đảo khán giả. Chính vì thế, mức độ phổ biến của những ca khúc về đề tài Thiên Y Thánh Mẫu của nhạc sĩ Hình Phước Liên nhanh chóng được lan tỏa.
GIANG ĐÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin