07:14, 22/10/2024

Lưu trữ một cách hệ thống các vấn đề về giới

Từ khái niệm “Phụ nữ trong phát triển”, “Phụ nữ và phát triển” trước đây đến “Giới và phát triển” ngày nay đã cho thấy những quan điểm và cách tiếp cận luôn được điều chỉnh, bổ sung, cập nhật.

 

Tủ sách “Phụ nữ tùng thư” được ra đời với mong muốn mang đến một cái nhìn toàn diện và có hệ thống về các vấn đề về giới, về vai trò và đóng góp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay trên mọi lĩnh vực.

Ra đời năm 2018, “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta” là cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách "Phụ nữ tùng thư" (Tủ sách "Giới và Phát triển") của NXB Phụ nữ Việt Nam được xuất bản.

Bà Đạm Phương (1881 - 1947), tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, con gái của Nguyễn Phúc Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng.

Vấn đề nữ học được bà đặt ra lần đầu trên báo Nam Phong đầu năm 1921, và những năm sau đó bà luôn giữ một quan niệm thống nhất và rõ ràng: “Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước; đã là người thời biết đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại có phải riêng chi một ai, mà người làm được người không làm được”.

Chính từ những trước tác của Đạm Phương nữ sử viết về truyền thống giáo dục Việt Nam và các bài dịch từ tiếng Pháp của bà về những trào lưu giáo dục phương Tây đã đưa đến ý tưởng thực hiện một tủ sách về "Giới và Phát triển".

Thực tế ở Việt Nam, cùng thời với Đạm Phương nữ sử, đã có không ít tác giả viết nhiều bài viết về phụ nữ và vấn đề của phụ nữ. Có thể kể đến như Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Đặng Văn Bảy, Phan Thị Bạch Vân... Hay trước đó, từ thế kỷ XVIII, vấn đề nữ quyền cũng đã ít nhiều được nói tới trong các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương.

Tuy nhiên, như bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều kiến thức mới về giới và nghiên cứu giới của thế giới đã được cập nhật ở Việt Nam thông qua kênh truyền thông mạng xã hội, trong khi nhìn lại ở Việt Nam, nếu cần tìm hiểu hoặc tra cứu các vấn đề về giới, về nữ quyền, phụ nữ học, lịch sử phụ nữ Việt Nam... trên các phương diện tư liệu, văn bản, công trình nghiên cứu một cách hệ thống thì thực sự khó khăn do tư liệu tản mát, không có nhiều các kết quả chuyên sâu hoặc các tư liệu không mang tính hệ thống. Điều này là một khoảng trống lớn trong nghiên cứu giới ở Việt Nam”.

Và bởi thế, Tủ sách "Phụ nữ tùng thư" ra đời nhằm công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước. Các tác phẩm thuộc tủ sách được chia theo 4 thể loại.

Với các cuốn sách thuộc dòng biên khảo, tư liệu sẽ tập hợp các công trình, bài viết của các nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật, nhà hoạt động nữ quyền... ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, khi vấn đề phụ nữ trở thành một bộ phận quan trọng trong các dự án cải cách xã hội và đấu tranh vì sự bình đẳng giới. Có thể kể đến các đầu sách đã xuất bản ở thể loại này như “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Lời người Man di hiện đại - Nhời đàn bà” của Nguyễn Văn Vĩnh, “Phan Bội Châu - vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Phan Khôi - vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Nguyễn Văn Vĩnh - vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Dư luận nữ quyền tại Huế (1926 - 1029) trên sách báo đương thời”, “Tự Lực văn đoàn - vấn đề phụ nữ ở nước ta”.

Các đầu sách thuộc thể loại hợp tuyển, tinh tuyển là tập hợp sáng tác của các tác gia nữ trong di sản văn chương Việt Nam thời trung đại, tiêu biểu là “Một Điểm tinh hoa - Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ” (Bản dịch chú và phiên âm đầy đủ nhất các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm), tác phẩm đã được trao giải B giải Sách Quốc gia năm 2019.

Ở thể loại sách nghiên cứu giới thiệu các tập tiểu luận chuyên đề, các chuyên khảo nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ ở Việt Nam và thế giới, như “Nam nữ bình quyền” của Đặng Văn Bảy, “Xã hội học về bình đẳng giới - tác giả và tác phẩm” của Lê Thị Hạnh.

Mảng dịch thuật đưa đến cho độc giả Việt các công trình kinh điển của thế giới về đấu tranh cho sự nghiệp của phụ nữ, các lý thuyết và thực hành nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ, các vấn đề về giới và nữ quyền; dịch và giới thiệu các công trình tìm hiểu các vấn đề của phụ nữ Việt Nam ra thế giới. Có thể kể đến như “Nữ quyền cho tất cả mọi người” của Bell Hooks, “Những khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới” của Jane Pilcher và Imelda Whelehan, “Bí ẩn nữ tính” của Betty Friedan, “Yêu sách của Angtigone” của Juthdith Butler, “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom, “Rắc rối giới” của Judith Butler, “Thấy giới” của Seeing Gender và Iris Gottlieb.

Mang đến những tri thức nền về vấn đề giới và phát triển, các tác phẩm trong Tủ sách "Phụ nữ tùng thư" đã tạo được một trào lưu quan tâm tìm đọc các sách về nữ quyền, triết học về giới - một lĩnh vực còn khá mới mẻ trên thế giới.

NXB Phụ nữ Việt Nam hy vọng, qua Tủ sách "Phụ nữ tùng thư" có thể giúp các chuyên gia, các nhà quản lý xây dựng các chính sách phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam phát triển hài hòa, bền vững.

Theo hanomoi.vn