Sáng 18-10, tại TP. Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa có lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, cùng một số địa phương trong tỉnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố 2 quyết định gồm: Quyết định số 509, ngày 13-6-2024, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 991, ngày 16-9-2024, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, về quy hoạch hệ thống du lịch có 7 nội dung chính bao gồm: Phạm vi quy hoạch; quan điểm phát triển; mục tiêu; định hướng phát triển; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện. Về mục tiêu tổng quát năm 2025, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Quang cảnh tham dự hội nghị từ điểm cầu tỉnh Khánh Hòa. |
Về quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, có 6 nội dung chính gồm: Phạm vi và đối tượng quy hoạch; quan điểm và mục tiêu; phương hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện. Phạm vi quy hoạch, gồm các khu vực phân bố cơ sở văn hóa và thể thao trên diện tích đất liền, các hải đảo, quần đảo, vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Trong đó, hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công đại hội thể thao Châu Á…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các cục, vụ, ban, ngành và địa phương đã thẳng thắn nêu những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện triển khai, phát triển các quy hoạch trong thời gian tới.
N.T
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin