22:42, 25/10/2024

Bao giờ đến lượt Haruki Murakami?

THỦY NGÂN

Cứ đến mỗi mùa Nobel, rất nhiều người yêu thích văn học Nhật Bản lại hy vọng giải Nobel văn chương sẽ xướng tên nhà văn Haruki Murakami. Tên của ông nhiều năm luôn nổi lên như một ứng cử viên sáng giá của giải Nobel. Nhưng năm nào thì hy vọng vẫn chỉ là hy vọng… Năm nay, giải đã thuộc về nữ nhà văn Hàn Quốc 54 tuổi Han Kang.

<br>

H.Murakami nổi tiếng ở Nhật và thế giới với tiểu thuyết Rừng Na Uy viết năm 1987. Với thủ pháp dòng ý thức, cốt truyện diễn tiến trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính là chàng sinh viên bình thường Watanabe Tōru. Những cảm xúc cô đơn, những day dứt của những câu chuyện tình trong bối cảnh nước Nhật những năm 1960, khi thanh niên Nhật Bản cũng như nhiều nước khác đấu tranh chống lại những khuôn mẫu tồn tại trong xã hội. Một số nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam khi lần đầu tiếp xúc với tác phẩm đã bị sốc vì hình ảnh một đất nước, con người Nhật Bản hiển hiện quá xa lạ với truyền thống. Tuy nhiên, sau đó giới nghiên cứu cũng thống nhất rằng đó vẫn là một sản phẩm thuần Nhật nhờ tính tương phản gay gắt như một hằng số của nền văn hóa xứ sở hoa anh đào. Độc giả Việt Nam lần đầu tiên biết đến Rừng Na Uy là năm 1997 nhưng không được chú ý. Phải đến năm 2006, tác phẩm qua bản dịch của Trịnh Lữ được phát hành đã ngay lập tức dành được trọn vẹn tình cảm yêu mến của bạn đọc.

Sau đó, Công ty Nhã Nam cùng các nhà xuất bản đã giới thiệu hàng loạt tác phẩm của ông: Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời (năm 2007), Người tình Sputnik (năm 2008)… Phải đến khi tiểu thuyết Kafka bên bờ biển (năm 2012 - giải thưởng Word Fantasy Award) và Biên niên ký chim vặn dây cót (năm 2013 - Giải thưởng văn học Yomiuri) ra mắt bạn đọc thì H.Murakami đã khẳng định vị trí vững chắc trong lòng những người yêu văn học Việt Nam. Những tiểu thuyết này thể hiện phong cách thường thấy ở Murakami khi pha trộn văn hóa đương đại, các chi tiết trần tục, chủ nghĩa hiện thực ma thuật, kịch tính, tính hài hước, tình huống áp đặt nhân vật và thêm một chút sex.

Và cũng từ sau 2 cuốn tiểu thuyết này đã hình thành một nhóm những người yêu thích văn chương của H.Murakami, trong đó có tôi. Bất kể ông ra sách gì, người ta cũng săn lùng cho bằng được. Tên tác giả đã trở thành nhãn hiệu cầu chứng, đảm bảo cho nội dung của cuốn sách. Những tác phẩm sau này của H.Murakami ngày càng sử dụng thủ pháp chủ nghĩa hiện thực ma thuật, những yếu tố phi lý, huyền ảo, kỳ bí hòa quyện giữa thực và mơ nhưng vẫn là những góc nhìn rất thực tế… để đưa ra những thông điệp về cuộc sống đương đại. Các nhà xuất bản rất tinh nhạy trong nắm bắt thị hiếu độc giả khi đã giới thiệu gần như trọn bộ các tác phẩm của ông: Cuộc săn cừu hoang, Nhảy nhảy nhảy, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, Những người đàn ông không có đàn bà, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Giết chỉ huy đội kỵ sỹ

 

Nhưng trên hết, 1Q84 là cuốn tiểu thuyết tham vọng nhất của Murakami cho đến nay. 1Q84 có cấu trúc giống như một mê cung. Độ dài hơn 1.200 trang của cuốn tiểu thuyết được chia làm 3 tập có thể khiến độc giả bình thường của Murakami ngần ngại. Nhưng khi đặt chân vào thế giới của 1Q84, ta sẽ thấy như đang xem một bộ phim kinh dị, một câu chuyện tình yêu dịu dàng, một bí ẩn sâu sắc và thiền định về những bí ẩn siêu hình của một thế giới không giống với thế giới của chúng ta.

Nhật Bản được cả thế giới biết đến với kỳ tích kinh tế, với những sản phẩm công nghệ, xe hơi, cơ khí, điện tử… chất lượng cao. Nhưng H.Murakami cùng một loạt nhà văn khác đã làm cho cả thế giới hiểu rõ hơn tính cách Nhật, văn hóa Nhật và tâm hồn Nhật đang có những chuyển biến thích ứng với cuộc sống đương đại.

Vẫn mong có một ngày, Nobel văn chương xướng tên ông.

THỦY NGÂN