Thời gian qua, ở Nha Trang có nhóm bạn trẻ hiểu, yêu âm nhạc truyền thống Chăm có tên gọi Hagait Ni đã xây dựng một chương trình âm nhạc biểu diễn ở Nhà hát Đó với tên Kauthara. Tuy có tính thử nghiệm nhưng công chúng khi xem đều thấy đây là một nét văn hóa rất độc đáo, có nhiều cái mới mẻ. Chủ công, cũng là linh hồn của nhóm là một chàng trai người Chăm còn rất trẻ tên Thuận Ngọc Hòa.
Thuận Ngọc Hòa - người khởi xướng chương trình. |
Hagait Ni trong tiếng Chăm có nghĩa là "Gì đây?", thể hiện sự tự vấn và khao khát tìm tòi của thế hệ trẻ đối với di sản văn hóa dân tộc. Dự án ra đời từ những trăn trở của các nghệ nhân Chăm trẻ về việc gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Không chỉ đơn thuần tái hiện những giá trị xưa cũ, các bạn còn mạnh dạn kết hợp với những yếu tố đương đại, tạo nên một hơi thở mới cho âm nhạc Chăm. Thuận Ngọc Hòa bày tỏ như vậy về cái tên Hagait Ni.
Hiện nay, nhóm gồm những gương mặt như: Trương Thu Hương - khách mời chơi đàn đáy; Quảng Đại Hữu - nghệ nhân dân tộc Chăm, chơi kèn Saranai; Kiều Ngọc Tú - nghệ sĩ Chăm hát tụng ca, tráng ca... cùng ê-kíp 20 người thực hiện chương trình. Theo giải nghĩa, Kauthara không chỉ là một buổi biểu diễn âm nhạc - múa Chăm đặc sắc, mà còn là một hành trình khám phá và tôn vinh, nơi giao thoa quá khứ và hiện tại. Kauthara được xây dựng như một lễ năm mới với nhà lễ là trung tâm - nơi diễn ra các nghi thức và hoạt động văn hóa, tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người Chăm. Buổi biểu diễn gồm 2 phần: Những điệu múa truyền thống như Tamia Po Teng Ahoak (múa chèo thuyền), Tamia Biyen, Tioang, Kameng, Mrai, Patra Po (múa chim công, gà tây, điểu cẩm, gà lôi, hoàng tử) và phần mở rộng với những sáng tác mới. Kauthara là một dự án về âm nhạc Chăm có chiều sâu. Bên cạnh việc lưu giữ, tái hiện âm nhạc Chăm trong các nghi lễ, Kauthara còn đi tìm khả năng phát triển âm nhạc rộng hơn, kết nối với các chất liệu âm nhạc của các vùng miền khác như ca trù. Thuận Ngọc Hòa cho biết, nhóm mong muốn tạo ra một môi trường sáng tạo lấy âm nhạc Chăm làm nền tảng. Đây sẽ là sân chơi cho những bạn muốn hiểu biết về nhạc cụ Chăm, từ đó lan tỏa tình yêu văn hóa Chăm.
Biểu diễn múa Chăm trong Kauthara. |
Sau thành công của Kauthara, nhóm Hagait Ni đã tiến tới xây dựng thành một chương trình có tính chuyên nghiệp hơn mang tên Mai - Marai (tiếng Chăm có nghĩa là “về” và “đến”, cũng có thể hiểu là “ngày mai”). Theo Thuận Ngọc Hòa, Mai - Marai là bước tiến có tính hoàn chỉnh của một chương trình tổng thể kết hợp theo hướng mở giữa văn hóa, âm nhạc, vũ điệu Chăm truyền thống với văn hóa Việt cổ như ca trù, có thể thêm những thành tố âm nhạc khác. Mai - Marai sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả ở Đà Lạt và Hội An. Tại Nha Trang, Mai - Marai được biểu diễn ở Nhà hát Đó. Khán giả của chương trình không chỉ là người bản địa, mà còn dành cho khách quốc tế khi du lịch đến Việt Nam được thưởng thức văn hóa Việt.
ĐỨC DƯƠNG - QUANG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin